"Thư viện xanh" ở trường Tiểu học Kỳ Sơn

Đung đưa trên mỗi tán cây là một thư viện nhỏ có thể treo từ 20 - 30 ống sách với khoảng 40 - 60 quyển sách để các em ngồi đọc sách dưới những bóng cây râm mát. Đó là mô hình “Thư viện xanh” của Trường Tiểu học Kỳ Sơn - ngôi trường ở xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn của huyện Kỳ Anh.

Đến Trường tiểu học Kỳ Sơn khi trống trường báo hiệu giờ ra chơi, chúng tôi bắt gặp một hình ảnh rất thú vị. Đó là rất đông học sinh say sưa đọc truyện, xem báo, đọc sách bên những gốc cây bàng, cây phượng rợp bóng mát.

Ống nước thay cho giá, kệ

Trường tiểu học Kỳ Sơn có gần 700 học sinh, trong khi đó phòng đọc của thư viện chỉ đủ cho khoảng 30 em đọc. Tình cờ một hôm thầy hiệu trưởng Phan Duy Dương xem một chương trình trên tivi nói về mô hình "Thư viện xanh" bỏ sách vào những chai nhựa rồi treo trên các nhánh cây cho học sinh đọc. Thấy đó là một ý tưởng mới, sáng tạo, thầy Dương quyết định hiện thực hóa mô hình này.

Mỗi cây là một thư viện nhỏ
Mỗi cây là một thư viện nhỏ

Trường mua ống nước loại phi 60, cưa thành các ống nhỏ phù hợp với kích thước các loại truyện tranh, sách, báo, tạp chí... Sau đó dán giấy màu xung quanh các ống và đánh số thứ tự, dùng nắp bít phù hợp đậy phần phía trên không cho nước mưa vào. Nắp phía dưới được thiết kế thuận tiện cho việc học sinh tiện lấy sách ra và cất sách vào. Mỗi cây xanh được gắn một vòng tròn bằng sắt có đường kính tùy thuộc vào các tán cây và có độ cao phù hợp với chiều cao của học sinh, trên mỗi vòng tròn treo các ống nhựa chứa các loại sách, báo.

Mỗi cây xanh là một thư viện thu nhỏ với mỗi chủ đề khác nhau (toán tuổi thơ, văn tuổi thơ, nhi đồng chăm học, an toàn giao thông, kể chuyện Bác Hồ, truyện tranh,....) với hơn 100 loại. Để thuận tiện cho học lựa chọn sách báo để đọc, nhà trường làm một bảng lớn ghi tên các loại sách và ghi rõ quyển sách, báo đó được đặt ở cây nào, ống số mấy.

Khơi nguồn những ước mơ

Thầy Phan Duy Dương - Hiệu trưởng trường nhận xét: “Có thể nói mô hình "Thư viện xanh" đã giúp các em phát huy sự sáng tạo, khơi dậy ở các em niềm yêu thích đọc sách, nuôi dưỡng sự thân thiện cởi mở giữa thầy và trò, giữa lớp với trường, giữa học sinh với học sinh. Khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui” đã được chính các em hiện thực hóa”.

Để thư viện hoạt động hiệu quả, nhà trường phát cho mỗi em một quyển vở và yêu cầu các em ghi họ tên, lớp; tuần này em đã đọc quyển sách, báo nào? Em thích nhất là nhân vật nào? Vì sao? Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc xong câu chuyện đó. Hàng tháng, các em nộp lại cho Ban chỉ huy Liên đội. Ban chỉ huy Liên đội đọc và thống kê xem trong tháng đó loại sách nào được các bạn đọc nhiều nhất, bạn nào nêu cảm nghĩ hay nhất. Sau đó thông báo và khen thưởng vào buổi chào cờ đầu tháng. Quả thật đây là một cách quản lý học sinh đọc sách thật hiệu quả.

Em Nguyễn Vũ Sơn Mai - lớp 4A cho biết: “Từ khi "Thư viện xanh" của nhà trường đi vào hoạt động, em và các bạn đã có điều kiện được đọc những cuốn sách mà mình yêu thích. Em cảm thấy rất vui và thoải mái khi được đọc sách dưới những gốc cây xanh mát”.

Khơi nguồn cho những ước mơ
Khơi nguồn cho những ước mơ

Ngồi chung với các bạn nhỏ bên thư viện xanh, chúng tôi còn nghe được rất nhiều niềm vui: nhờ chăm đọc sách ở thư viện mà năm học này trường có 3 em đạt giải cao trong Cuộc thi “Văn hay, chữ đẹp” cho học sinh lớp 5 cấp tỉnh. Nhiều bạn được nhà trường tặng những phần quà hấp dẫn vì có những cảm nghĩ hay sau khi đọc sách.

Hiện nay, khi văn hóa đọc, đặc biệt là văn hóa đọc trong trường học đang ngày càng ít được quan tâm thì việc xây dựng "Thư viện xanh" như ở Trường Tiểu học Kỳ Sơn là việc làm rất ý nghĩa nhằm khơi nguồn cho sự đam mê hiểu biết và nuôi dưỡng văn hóa đọc dài lâu cho các em.

Phòng GDTH, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast