Thực hiện lời Bác dặn, viết tiếp trang sử vàng

Cùng với không khí sôi nổi của hàng triệu giáo viên (GV) và học sinh (HS) trên mọi miền đất nước, những ngày này, hàng trăm ngàn HS và GV trên vùng đất học Hà Tĩnh đang nỗ lực dạy tốt, học tốt để có thêm những điểm 10 đỏ thắm, thêm những công trình, việc làm có ý nghĩa báo công với Bác Hồ kính yêu và kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam - ngày hội tôn vinh các thầy, cô giáo, tôn vinh nghề dạy học.

Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục, những lời Bác dặn “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt” đã trở thành khẩu hiệu để thầy và trò trên địa bàn tỉnh nghèo thêm phần cố gắng. Khắc ghi lời dạy của Người, những năm qua, các cấp chính quyền địa phương trên vùng đất học Hà Tĩnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách cho giáo dục, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Những chủ trương, chính sách ấy được thể hiện rõ nét từ việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS, giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đến những chính sách chăm lo cho nhà giáo… Dẫu vẫn còn “một nắng hai sương” trong cuộc mưu sinh, nhưng người dân nơi đây không tiếc sức người, sức của, dành mọi nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Đó là nguồn động viên vô giá để mỗi cán bộ, GV nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với HS, gắn bó với nhà trường.

Nói về đội ngũ GV trên địa bàn, thầy Trần Xuân Thắm - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh không giấu nổi tự hào: “Đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường nhưng đại đa số các nhà giáo vẫn giữ được phẩm chất đạo đức cao quý để xứng đáng là tấm gương sáng cho HS noi theo. Ngày càng xuất hiện nhiều điển hình các thầy, cô giáo miệt mài rèn luyện vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Nhiều thầy, cô tình nguyện xung phong về với HS vùng sâu, vùng xa, đồng cam cộng khổ với bà con để thực hiện ước mơ gieo chữ trên vùng đất khó”...

Cô và trò hát múa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Anh Thư
Cô và trò hát múa chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: Anh Thư

Với sự hăng say, miệt mài trên con đường phấn đấu tự học, đến nay, ngành Giáo dục tỉnh ta đã có 4 tiến sỹ, hàng trăm thạc sỹ, tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn các cấp học chiếm hơn 99%. Hơn 30 năm, qua 12 lần phong tặng, Hà Tĩnh vinh dự có 4 nhà giáo nhân dân, 68 nhà giáo ưu tú. Đó là những minh chứng cụ thể khẳng định sự tâm huyết, tận tâm tận lực của đội ngũ nhà giáo.

Không phụ lòng mong mỏi của các bậc phụ huynh, sự quan tâm, kỳ vọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, thầy và trò trên mảnh đất nghèo đã nỗ lực để xứng đáng là những thế hệ viết tiếp trang sử vàng truyền thống của vùng đất học. Hà Tĩnh luôn là một trong những địa phương nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Điều đó được thể hiện rõ nét qua các chỉ số về phổ cập, trường chuẩn, chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn, việc ổn định mạng lưới trường lớp, công tác xã hội hóa giáo dục. Và đặc biệt trong năm nay, người Hà Tĩnh trên khắp mọi miền đất nước càng thêm tự hào khi em Võ Anh Đức - một HS của tỉnh nhà đoạt HCV tại cuộc thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 54 với điểm số cao nhất đoàn Việt Nam. Những thành tích ấy là món quà vô giá, tiếp thêm sức mạnh cho các thầy, cô giáo trong sự nghiệp trồng người.

Sinh viên 2 nước Việt Nam - Lào trao đổi kinh nghiệm học tập tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Sỹ Ngọ
Sinh viên 2 nước Việt Nam - Lào trao đổi kinh nghiệm học tập tại Trường Đại học Hà Tĩnh. Ảnh: Sỹ Ngọ

Bác Hồ kính yêu mãi mãi đi xa, song những bức thư của Người gửi cho ngành Giáo dục vẫn là nguồn sáng, nguồn sinh lực động viên toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngành Giáo dục Hà Tĩnh tập trung triển khai có hiệu quả, sáng tạo phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với đặc thù của ngành là thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Hai tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Và trên tinh thần thực hiện những nhiệm vụ mà Bác đã chỉ rõ qua những bức thư: “… cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành…”; “Bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà”… Cùng với việc thực hiện nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, Hà Tĩnh đã và đang chủ động đưa các mô hình trường học mới, đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học rộng rãi trong các nhà trường.

Tự hào về truyền thống, với sự quan tâm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà cùng việc học tập tư tưởng của Bác, làm theo lời dặn của Người là hành trang để ngành Giáo dục vượt qua khó khăn, góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng quê hương, đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast