Tiếp diễn tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định

Để thực hiện nghiêm các quy định của Bộ GD&ĐT và của tỉnh về tiếp tục chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, ngay từ cuối tháng 5/2013, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo... Thế nhưng, thực tế việc dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn tiếp diễn, nhất là trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Ngành GD-ĐT quyết liệt chấn chỉnh

Theo nội dung Công văn 593 ngày 29/5/2013 của Sở GD&ĐT thì tất cả các tổ chức, cá nhân không được phép dạy thêm trong hè 2013 dưới bất kỳ hình thức nào, trừ trường hợp: ôn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 (việc ôn luyện này chỉ thực hiện trong tháng 6); bồi dưỡng kiến thức cho học sinh (HS) giỏi tham gia thi chọn các đội tuyển dự thi HS giỏi quốc gia năm học 2013-2014; ôn tập kiến thức cho đối tượng HS xếp loại học lực yếu trong năm học 2012-2013 (việc ôn tập này bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc trước ngày 15/8 và không được thu tiền của HS). Ngoài ra, tại Công văn 604 còn có nội dung: Nghiêm cấm việc dạy thêm cho trẻ 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1...

Tinh thần quyết liệt của Sở trong việc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc những quy định về dạy thêm, học thêm đã rõ, nhưng trong thực tế, việc mở lớp của các giáo viên (GV) và tìm lớp cho con đi học thêm vẫn “rộn ràng” trong tháng 7 này. Theo số liệu từ Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh, hiện tại, trên địa bàn có 60 GV có đăng ký dạy thêm được cấp phép, thế nhưng, trên thực tế, số lượng GV tham gia dạy thêm lớn hơn nhiều. Ngoài những lớp học được tổ chức công khai tại nhà một số thầy, cô giáo, việc dạy, học thêm còn được tổ chức ngay tại những địa điểm thuê hoặc dưới danh nghĩa “dạy kèm” với số lượng ít tại nhà các bậc phụ huynh. Và điều dễ nhận thấy tại các lớp học này là việc thực hiện theo những quy chuẩn cần thiết như diện tích lớp học, bàn ghế, bảng chống lóa... chưa bảo đảm theo quy định.

Tâm lý sợ con thua bầu kém bạn

Trong vai những phụ huynh đi tìm lớp học thêm cho con trong dịp hè, chúng tôi cũng đã tiếp cận được một số lớp dạy thêm của các GV tổ chức ngay tại nhà riêng hoặc thuê địa điểm để dạy. HS theo học tại các lớp này cũng đa dạng về lứa tuổi, từ bậc tiểu học đến THCS, THPT và việc nộp học phí cũng tùy theo quy định của từng GV. Anh Trần Văn Q. - phụ huynh ở phường Bắc Hà cho biết: “Vẫn biết có quy định về dạy thêm, học thêm nhưng thấy các cô mở lớp, thấy các bạn đồng trang lứa với con mình đều đi học thêm nên tôi cũng tạo điều kiện cho cháu. Thực tế, năm nay, cháu vào lớp 9 nên gia đình cũng rất lo. Hiện mỗi tuần, cháu học 2 buổi Tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ với học phí 30.000 đồng/buổi và 2 buổi Toán học ở nhà cô giáo với mức học phí 50.000 đồng/buổi”. Được biết, trên địa bàn phường Bắc Hà hiện có 12 GV mở lớp dạy thêm, trong đó có 3 người chưa đăng ký.

Bên cạnh các lớp học thêm với số lượng từ 15-30 em được mở tại nhà các GV hoặc thuê địa điểm để dạy, tình trạng dạy thêm dưới hình thức “dạy kèm” 2-5 em được tổ chức tại nhà riêng của một số phụ huynh cũng “nở rộ”. Đành rằng, sự xuất hiện của các lớp dạy thêm dù ở hình thức nào cũng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của các bậc phụ huynh, HS. Song, trên thực tế có trường hợp GV bộ môn đưa ra những “phương pháp” khéo léo để các bậc phụ huynh dù muốn hay không cũng phải đồng ý ký vào đơn cho con mình đi học thêm. Ví như, những em đi học thêm sẽ được GV hướng dẫn kiến thức của những bài tập nâng cao tại lớp khiến những em không đi học thêm rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến tâm lý, mặc cảm với bạn bè. Chị bạn tôi – một người đã từng kiên quyết phản đối việc dạy thêm và học thêm dưới hình thức như thế nhưng cuối cùng cũng đã phải viết đơn tự nguyện xin cho con học thêm. Một phụ huynh bức xúc: Chuẩn bị bước sang tháng 7 mà nhóm trưởng phụ huynh đã đưa ra lịch kín mít trong tuần cho nhóm học thêm đã “theo” từ 3 năm nay: Anh văn 2, Toán 2, Văn 2 buổi (đều học ở nhà cô giáo các bộ môn đó). Ngoài ra, các mẹ còn cho con theo học ở các lớp khác nữa. Có em cả ngày chủ nhật không nghỉ buổi nào.

Lớp học thêm trên đường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Anh Thư
Lớp học thêm trên đường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Anh Thư

Không chỉ các “lớp trên”, mùa hè đối với phụ huynh của các cháu chuẩn bị vào lớp 1 cũng không kém phần tất bật trong việc tìm cô giáo cho con luyện chữ, luyện số. Chị H.T.T (phường Văn Yên) đã chuẩn bị hành trang cho cậu con vào lớp 1 bằng việc tìm GV ở trường mà chị đang có ý định cho con vào học trong năm học mới để nhờ cô giáo hướng dẫn luyện chữ viết và các con số. Chị cho biết: “Mỗi tuần 3 buổi, cháu học tại nhà cô giáo, thời gian còn lại ở nhà tự luyện. Vẫn biết, không có nhiều thời gian vui chơi là một thiệt thòi cho cháu, nhưng sợ con mình không theo kịp bạn bè…”.

Để các quy định có hiệu lực

Dạy thêm, học thêm rất cần thiết nếu việc dạy - học này là để trau dồi, củng cố kiến thức cho HS, nhất là những em có học lực yếu trước mùa thi. Thế nhưng, điều đáng bàn là thực tế việc dạy thêm, học thêm ở một số nơi, một số GV đang bị “biến tướng”, trở thành một thứ dịch vụ, biến những ngày hè vui chơi, thư giãn của các em trước khi bước vào năm học mới trở thành quãng thời gian căng thẳng, áp lực.

Những năm gần đây, quán triệt tinh thần của Bộ, của tỉnh, Sở GD-ĐT đã quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các phòng giáo dục, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các bậc phụ huynh…, nên việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường từng bước được chấn chỉnh. Tuy nhiên, trong dịp hè 2013, dạy thêm, học thêm vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề đáng bàn.

Làm sao để các văn bản hướng dẫn dạy thêm, học thêm của Sở GD-ĐT có hiệu lực đang là một câu hỏi đặt ra cho chính ngành chức năng, các địa phương, bản thân mỗi thầy, cô giáo và chính của các bậc phụ huynh. Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề này, ngành GD-ĐT cần tập trung cao cho công tác định hướng, tuyên truyền và tăng cường vai trò trách nhiệm của các nhà trường, các địa phương trong công tác quản lý. Đã ban hành văn bản thì phải có kiểm tra, xử lý, khi đó văn bản mới có hiệu lực.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast