Tôn sư trọng đạo - dòng chảy muôn đời

(Baohatinh.vn) - “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, truyền thống “tôn sư trọng đạo” ấy đã trở thành nét đẹp văn hóa bao đời nay của người Việt. Xuyên suốt chiều dài văn hiến của dân tộc ta, Hà Tĩnh đã được người dân cả nước biết đến là mảnh đất địa linh - nơi sinh ra những anh hùng hào kiệt, những người thầy tiêu biểu… Những tấm gương sáng về đạo học, đạo làm thầy đã góp phần làm rạng danh truyền thống của mảnh đất, con người Hà Tĩnh.

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt có từ ngàn xưa. Ở thời học chữ Hán, trước khi cho con đi học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó, gia đình lại có một “lễ mọn”, thể hiện lòng thành, dâng lên người thầy mà con mình sẽ theo học. Tỏ lòng “tôn sư trọng đạo”, nhiều gia đình còn gửi gắm con ở bên nhà thầy. Đạo trò xưa không chỉ tôn kính mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao đối với thầy. Khi ra đường, gặp thầy, học trò phải ngả mũ nón và vòng tay chào; lúc thầy già yếu, các đồng môn phải lo sắm cỗ thọ đường…

Tôn sư trọng đạo - dòng chảy muôn đời ảnh 1

Các thế hệ học trò và cả xã hội luôn hướng về thầy, cô giáo với sự tri ân sâu sắc. Ảnh: Nam Giang

Trong bậc thang giá trị thời phong kiến, nhà giáo được xếp sau vua và trước cha mẹ: “quân - sư - phụ”. Bởi, dẫu không phải là đấng sinh thành, nhưng thầy giáo là người dìu dắt mỗi thế hệ học sinh (HS) lớn lên về trí tuệ, tâm hồn, sự hiểu biết. Với vinh dự và trọng trách lớn lao ấy, Hà Tĩnh cũng đã có nhiều nhà giáo nổi tiếng như: Nguyễn Huy Oánh, Hoàng Xuân Hãn, Võ Liêm Sơn, Trần Phú, Hà Huy Tập… những con người tài ba lỗi lạc, không màng danh vọng, đã góp phần làm rạng danh truyền thống quê hương.

Tiếp nối mạch nguồn bản sắc văn hóa của dân tộc, truyền thống “tôn sư trọng đạo” hôm nay dẫu không còn bị ràng buộc bởi những lễ giáo cổ xưa, nhưng vẫn luôn được nhân dân và bao thế hệ học trò tiếp tục gìn giữ, phát huy bằng cái tâm hướng về thầy, cô giáo. Hằng năm, bên cạnh tục “mồng ba tết thầy”, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), người dân, các bậc phụ huynh và nhiều thế hệ học trò lại tổ chức các hoạt động, những công trình, việc làm thiết thực để dâng tặng thầy, cô. Đây cũng là dịp toàn xã hội động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh trồng người vẻ vang.

Đi qua những thăng trầm cuộc sống, cũng có lúc xã hội không mặn mà với ngành sư phạm, sinh viên thi vào trường sư phạm chỉ như “chuột chạy cùng sào”, nhiều người do khó khăn phải bỏ nghề. Thế nhưng, đó chỉ là sự nhất thời. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, sự học đã trở thành nhu cầu bức thiết của mỗi người, mỗi nhà. Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu, nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Nhân tố quyết định chất lượng và sự phát triển của giáo dục nước nhà đã được xã hội hết sức quan tâm bằng nhiều chính sách, cơ chế như: sinh viên sư phạm được miễn học phí; ngành sư phạm cũng có nhiều chính sách, cơ chế để thu hút tài năng, do đó, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng cao.

Trong thời kỳ hội nhập, trước sự phát triển của khoa học công nghệ, mỗi thầy, cô giáo lại trở thành một tấm gương về tinh thần tự học và sáng tạo. Mỗi người thầy phải tự khẳng định mình bằng thực tiễn dạy học và rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân, phải trăn trở, cải tiến phương pháp dạy học; gần gũi, cảm thông và chia sẻ cùng HS niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật; kịp thời động viên, khích lệ các em vượt qua khó khăn, giúp các em gặt hái thành công. Chính vì thế, nhà giáo không chỉ được tôn vinh là “kỹ sư tâm hồn”, mà nghề dạy học còn được xem là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Tôn sư trọng đạo - dòng chảy muôn đời ảnh 2

Cô trò Trường TH Bắc Hà (TP. Hà Tĩnh) bước vào năm học mới. (Ảnh tư liệu)

Nghiệp viết đã cho tôi cơ duyên gặp gỡ những người thầy trên vùng đất học Hà Tĩnh, những con người không chỉ vun đắp tâm hồn, bồi dưỡng kiến thức cho biết bao thế hệ HS, mà còn là chỗ dựa về mọi mặt, chia sẻ khó khăn với các em trong cuộc sống. Đó là tập thể giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ) đã từng chia sẻ đồng lương ít ỏi của mình để giúp HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục vươn lên trong học tập. Sự động viên kịp thời ấy đã giúp các em vượt qua hoàn cảnh, làm chủ số phận.

Nói về những người thầy kính yêu, em Trần Văn Cường - sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội, cựu HS Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Nếu không có các thầy, cô giáo, em không thể có được ngày hôm nay. Đặc biệt là thầy Phượng, thầy Nhân… luôn đùm bọc, cưu mang, động viên, khích lệ em học tập trong chuỗi ngày gian khổ, khi bố em bị bệnh nặng, một mình mẹ không thể nuôi nổi những đứa con ăn học. Sự hỗ trợ về vật chất, sự quan tâm, lo lắng của các thầy, cô đã tiếp sức giúp em đạt được thành tích cao trong học tập. Em sẽ cố gắng rèn luyện, trau dồi thật tốt, đó cũng là cách để em tri ân các thầy, cô giáo”.

Trên khắp các miền quê, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn có biết bao tấm gương thầy, cô giáo đang lặng thầm cống hiến tuổi xuân, sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp trồng người. Từ tâm huyết, sự hy sinh ấy, sự nghiệp giáo dục trên vùng đất khó ngày càng khởi sắc. Hà Tĩnh luôn được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Ghi nhận những đóng góp ấy, đến nay, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã có 4 thầy, cô giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 76 Nhà giáo ưu tú; hàng ngàn lượt cán bộ, giáo viên được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp.

Như những người chèo đò lặng thầm trên dòng sông tri thức, mỗi thầy, cô giáo trên vùng đất học hôm nay đang từng ngày khắc phục khó khăn, luôn cháy bùng ngọn lửa nhiệt tình trên từng trang giáo án, trong từng bài giảng để truyền đạt kiến thức cho học trò, góp phần giúp các em trong quá trình rèn luyện, hình thành nhân cách. Đội ngũ nhà giáo luôn xác định sứ mệnh và trách nhiệm của mình trước xã hội như lời Bác Hồ - người thầy vĩ đại của dân tộc đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Và để đền đáp công ơn dạy dỗ của thầy, cô giáo, các thế hệ HS Hà Tĩnh không ngừng vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức. Những giải thưởng qua mỗi mùa thi, những điểm 10 đỏ chói và thành tích chăm ngoan trong rèn luyện, trau dồi của các em không chỉ làm dày thêm truyền thống của quê hương mà còn là những món quà đặc biệt ý nghĩa kính dâng lên thầy, cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast