Trăm năm trồng người...

Vậy là đã bắt đầu một mùa thu mới, bắt đầu mùa tựu trường mới.Cũng không gian học trò với bao sắc màu tuổi hoa, cũng những trang sách tinh khôi mở ra biết bao chân trời mới lạ nhưng thời gian đã điểm thêm một cột mốc mới để chúng ta khắc sâu thêm lời dặn dò trước khi đi xa của Bác: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và rất cần thiết”.

Với nguồn mạch hiếu học âm thầm chảy trong lòng dân suốt bao thế kỷ, hưởng ứng lời kêu gọi diệt giặc dốt của Bác năm 1945, Hà Tĩnh đã nhanh chóng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước và 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen, tiêu biểu là huyện Cẩm Xuyên.

Trong kháng chiến chống Mỹ, phong trào “hai tốt” của Hà Tĩnh vẫn luôn ngời sáng với tên tuổi của Cẩm Bình, Trung Lễ, Liên Việt, Bùi Xá, Phan Đình Phùng... Hình ảnh ngọn đèn Cẩm Bình, lớp mẫu giáo Bùi Xá dưới làn bom đạn địch cùng tấm gương Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thảo đã trở thành điển hình của giáo dục cả nước.

Những năm hòa bình cũng như suốt 20 năm đổi mới, những trường học như cấp 2 Thạch Linh (Thạch Hà cũ); Tiểu học Kỳ Hưng, THCS Kỳ Tân (Kỳ Knh), THCS Phan Huy Chú, THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà); Tiểu học Đông Thái, THPT Minh Khai (Đức Thọ); THPT Nguyễn Văn Trỗi (Can Lộc) THSC Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh); THCS Chu văn An (Hương Khê); THCS Nguyễn Tuấn Thiện (Hương Sơn); THPT Năng khiếu tỉnh; Mầm Non I (TP Hà Tĩnh), Mầm non Xuân An (Nghi Xuân), Mầm non Thiên Lộc (Can Lộc)... là những đơn vị nổi lên về thành tích dạy tốt, học tốt, xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần đưa giáo dục Hà Tĩnh nhiều năm liền ở tốp dẫn đầu cả nước.

Điều đáng nói là nhờ biết khơi dậy tinh thần hiếu học của nhân dân, với phương châm: “Vì lợi ích trăm năm trồng người” như Bác Hồ kính yêu đã dạy, nhiều đơn vị, địa phương hết sức chăm lo cho sự nghiệp giáo dục bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Đó là phong trào khuyến học khuyến tài ở Can Lộc, Thạch Hà; xây dựng cơ sở vật chất trường lớp ở Hương Khê; học đi đôi với hành ở Kỳ Anh; hoạt động giáo dục truyền thống ở Đức Thọ... Gần đây, không chỉ các địa phương và ngành giáo dục chăm lo khuyến học mà các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã dành sự quan tâm chăm lo sự học cho con em gia đình chính sách, học sinh nghèo, học sinh tàn tật v.v...

Đặc biệt sự hưởng thụ các chính sách giáo dục ở Hà Tĩnh không có sự cách biệt quá lớn giữa miền núi và miền xuôi, nông thôn và thành thị. Cơ hội tiếp cận tri thức của học sinh các vùng miền luôn được mở ra.

Ngọn đèn làng học
Ngọn đèn làng học

Những học sinh nghèo hiếu học, học giỏi được tổ chức hội khuyến học các cấp và các nhà tài trợ quan tâm, tạo điều kiện đến trường. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, thư viện xã, phường và điểm bưu điện văn hóa xã đã góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân.

Nhờ sự nỗ lực của ngành GD cùng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Hà Tĩnh đã sớm hoàn thành phổ cập GD tiểu học, THCS. Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng phảt triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Việc đa dạng hóa các loại hình trường lớp đã đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và các tầng lớp nhân dân.

Mầm non đất nước. Ảnh: Đình Thông
Mầm non đất nước. Ảnh: Đình Thông

Dù còn không ít khó khăn và thách thức trong xu thế hội nhập nhưng với lòng biết ơn và tình yêu sâu sắc đối với Hồ Chủ Tịch, tin tưởng vào đường lối giáo dục của Đảng, trên nền tảng một tỉnh có truyền thống hiếu học, 35 vạn giáo viên và học sinh Hà Tĩnh đang tiếp tục nỗ lực để gặt hái nhiều thành công mới trong sự nghiệp trồng người, nhất là khi năm học 2009-2010 được ghi dấu là năm học thực hiện Di chúc Bác Hồ và cũng là năm học triển khai sâu rộng cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các nhà trường. Một chặng đường mới mở ra với nhiều hứa hẹn cho giáo dục tỉnh nhà”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast