Tránh lạm thu “núp bóng” xã hội hóa giáo dục

(Baohatinh.vn) - Xã hội hóa (XHH) giáo dục là cách làm hay để huy động sự đóng góp của xã hội vào sự nghiệp trồng người. Không ít trường trên địa bàn Hà Tĩnh nhờ làm tốt công tác XHH nên đã từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất (CSVC), góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy vậy, chủ trương này cũng đặt ra nhiều nghi ngại, trong đó, nổi lên là tình trạng lạm thu “núp bóng” XHH giáo dục.

Cách làm hay...

Tiểu học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) là một trong những trường thực hiện có hiệu quả chủ trương XHH giáo dục. Ban đầu, trường chỉ có hệ thống phòng học với CSVC đơn sơ, thiếu thốn. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, năng động trong việc kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân cũng như lồng ghép các dự án của địa phương nên đến nay, trường đã có hệ thống CSVC khang trang, sạch đẹp với phòng học cao tầng, nhà chức năng, nhà bán trú, nhà hiệu bộ, nhà công vụ đầy đủ trang thiết bị. Đặc biệt, với sự giúp đỡ cả ngày công lẫn kinh phí của các bậc phụ huynh nên vừa qua, trường đã xây dựng được thư viện xanh và nhà để xe rộng rãi, tổng kinh phí lên đến trên 260 triệu đồng.

Tránh lạm thu “núp bóng” xã hội hóa giáo dục ảnh 1

Xã hội hóa góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại nhiều trường học.

Thầy Thái Biên Cương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với những việc cần có sự giúp đỡ của phụ huynh cả về ngày công lẫn kinh phí thì nhà trường phải xây dựng kế hoạch chi tiết, sau đó bàn bạc, thống nhất trong tập thể giáo viên. Khi tất cả đồng thuận, trường tổ chức họp phụ huynh để đặt vấn đề, nếu phụ huynh đồng ý mới tiến hành trình chính quyền xã và Phòng Giáo dục. Trong khi kêu gọi, nhà trường luôn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và khuyến khích các gia đình có điều kiện ủng hộ.

Nhờ hệ thống CSVC khang trang, đầy đủ, phục vụ tốt việc dạy và học nên nhiều năm qua, chất lượng đại trà và mũi nhọn của Trường Tiểu học Cẩm Bình luôn nằm trong tốp đầu của ngành Giáo dục Cẩm Xuyên cũng như của tỉnh. Trường vinh dự 2 lần được đón nhận danh hiệu lá cờ đầu giáo dục toàn quốc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Thực hiện chủ trương XHH giáo dục, thời gian qua, Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà) cũng đã kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, nâng cấp CSVC. Trong vòng gần 3 năm, trường đã huy động được hơn 10 tỷ đồng để xây dựng trường lớp. Đến nay, trường có 1 dãy nhà 3 tầng, 3 dãy nhà 2 tầng, các phòng tổ bộ môn, phòng truyền thống, tin học, tiếng Anh đều được đầu tư, xây dựng với đầy đủ các phương tiện, thiết bị theo hướng đổi mới.

Theo thầy Trần Đức Luyến - Hiệu trưởng nhà trường thì để xây dựng được hệ thống CSVC như hiện nay không thể thu từ học sinh (HS), vì kinh phí quá lớn, gia đình các em không gánh nổi. Nhà trường chỉ vận dụng, huy động để nâng cấp, cải tạo khuôn viên, tạo môi trường giáo dục thân thiện cho HS. Còn việc xây dựng CSVC thì cần có sự họp bàn, đề xuất với địa phương có con em học để kêu gọi các dự án; đồng thời, vận động sự giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân...

Tình trạng lạm thu “núp bóng”…

Bên cạnh những kết quả đạt được thì ở nhiều nơi, chủ trương XHH giáo dục đang bị biến thành công cụ cho việc lạm thu, gây nhiều bức xúc trong phụ huynh HS. Hiện nay, việc vận động XHH giáo dục không có chỉ tiêu cụ thể, mỗi trường khi lập kế hoạch, dự toán nâng cấp, sửa chữa đều đưa ra số tiền cần huy động và trình lên UBND xã, phường. Trên cơ sở số tiền cần thu, nhà trường tổ chức kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ một cách “tự nguyện” của phụ huynh.

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Mặc dù trên danh nghĩa “tự nguyện” nhưng thực chất có trường “ép” để thu, theo dạng đưa ra mức tối thiểu để phụ huynh đóng góp. Trong khi đó, ban đại diện phụ huynh HS không những không phát huy được vai trò, tiếng nói mà còn trở thành cánh tay nối dài cho hoạt động lạm thu. Trong các cuộc họp phụ huynh, ban đại diện hội phụ huynh thay mặt nhà trường hô hào các khoản đóng góp, không chỉ có các khoản thông thường như: quỹ lớp, quỹ trường, tiền mua đồ dùng học tập, mà còn phát sinh thêm nhiều khoản “tự nguyện” khác như: mua ti vi, máy chiếu...

Chính việc vận động theo kiểu “áp đặt” ở một số trường học đã trở thành gánh nặng cho các bậc phụ huynh vào đầu mỗi năm học. Ngoài ra, ảnh hưởng đến hình ảnh của người giáo viên trong lòng HS và phụ huynh, bởi bản thân các thầy, cô giáo chủ nhiệm cũng bị nhà trường giao khoán thu theo thời hạn.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên - Đặng Quốc Hiền thì ranh giới giữa XHH và lạm thu là rất mong manh. Việc xảy ra tình trạng lạm thu là do nhà trường không xác định được kế hoạch thu chi chi tiết, minh bạch. Thứ hai là, chưa hài hòa được các đối tượng học sinh có điều kiện gia đình khác nhau. Và quan trọng nhất là phải quản lý, sử dụng nguồn thu một cách công khai, minh bạch và hiệu quả; nâng cao được chất lượng dạy và học, tránh lãng phí để đông đảo phụ huynh đồng thuận.

Để chủ trương XHH giáo dục được thực hiện đúng nghĩa thì việc ngành GD&ĐT đưa ra những hướng dẫn cụ thể về hoạt động XHH cho phụ huynh, HS là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc giám sát các hoạt động XHH giáo dục.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast