Trường dạy nghề vẫn "mòn mỏi" đợi thí sinh

Trong khi các trường đại học, cao đẳng đang nhộn nhịp đón tân sinh viên, thì vào thời điểm này, các trường dạy nghề chỉ nhận được rất ít hồ sơ nhập học của các thí sinh. Cho đến lúc này, các trường dạy nghề vẫn cứ phải chờ đợi mà chưa có giải pháp nào để có thể chủ động hơn trong công tác tuyển sinh.

Nhập học đại học kết thúc, trường nghề mới bắt đầu

Thực hành sữa chữa động cơ điện tại Trường trung cấp dạy nghề tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)
Thực hành sữa chữa động cơ điện tại Trường trung cấp dạy nghề tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, ông Phạm Đức Vinh nói: “Hiện tại trường đã bán hết hồ sơ. Mặc dù vậy, số đơn nhập học mới chỉ chiếm 70% chỗ học. Dự kiến, trường sẽ tiếp tục nhận đơn cho đến đầu tháng 11. Các trường nghề khác hiện cũng trong tình trạng chờ đợi nhập học tương tự”.

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề nói: “Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội là trường có sức hút đối với học sinh. Năm nào trường cũng hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2007 - 2008, trường còn tuyển vượt mức kế hoạch. Nhưng ngay cả với những trường tốt như vậy cũng khó hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh trong tháng 9”.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Thời điểm này, việc ít hồ sơ dự thi chưa nói lên điều gì nhiều. Số hồ sơ đã nộp chính là những hồ sơ của những thí sinh năm ngoái không vào được đại học và năm nay chắc chắn không thi, hoặc có thi cũng không đỗ”.

Thời gian cao điểm của việc nhận hồ sơ vào trường nghề, theo ông Minh là vào khoảng tháng 10, khi việc nhập học đại học kết thúc. Với tâm lý được học đại học vẫn hơn, các thí sinh cứ nấn ná chờ tới đợt hạ điểm cuối cùng. Sau đó, khi không thể vào đại học, họ mới tính đến chuyện vào trường nghề.

Thậm chí, theo ông Hoàng Văn Tiến, Chánh Văn phòng Tổng cục Dạy nghề, có những thí sinh tâm trạng vẫn còn “bâng khuâng” mà bỏ qua cả kỳ tuyển sinh vào tháng 10 của các trường nghề. Vì thế, các trường nghề thường tuyển sinh liên tục trong năm, ông Tiến nói.

Bao giờ chủ động, hiệu quả?

Ông Lân phân tích: “Kinh phí hoạt động của các trường nghề vốn đã thấp, nên việc bỏ ra một khoản tiền để tuyên truyền, gây sức hút đối với thí sinh bị hạn chế. Do đó, việc tuyên truyền (nếu có) cũng chỉ là lẻ tẻ bằng tờ rơi hoặc đăng ít kỳ trên báo. Chuyện quảng cáo trên truyền hình, dù là truyền hình địa phương, với các trường nghề là điều xa xỉ”.

Ông Vinh cũng tiết lộ: “Với kinh phí của các trường nghề như hiện nay, việc thực hiện thông tin tuyên truyền rất khó. Vì làm trong lĩnh vực dạy nghề lâu năm, trường lại có uy tín nên tôi thường tranh thủ lồng ghép với các chương trình, bài viết văn hóa xã hội của các báo, đài. Ví dụ, khi đài Hà Nội thực hiện tuyên truyền về chương trình dạy nghề của Thành ủy và đến quay phim ở trường, trường cũng được quảng bá giúp số điện thoại, địa chỉ, ngành nghề đào tạo”. Mặc dù thế, ông Vinh cũng nhận thấy đây chỉ là giải pháp tình thế kiểu "cái khó ló cái khôn" mà thôi.

Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Có những trường, ý thức được vai trò của tuyên truyền, trường cũng đã chủ động mang tờ rơi, chương trình tuyển sinh đi tiếp thị nhưng hiệu quả chưa được là bao”. Lý do của sự thiếu hiệu quả này, theo ông Minh là do chưa có một hệ thống hỗ trợ cho các trường nghề.

“Các trường nghề chủ yếu phát tờ rơi qua bộ phận phòng Dạy nghề của Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh, từ đó tờ rơi lại được chuyển xuống xã. Trong khi đó, cán bộ chuyên trách làm công tác lao động-thương binh và xã hội ở cấp cơ sở lại chưa có. Chính vì vậy, cách làm trên ít mang lại hiệu quả.Cũng phải nhấn mạnh, với điều kiện hiện tại, nếu không có một hệ thống tuyên truyền cấp toàn quốc như các trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc đưa thông tin dạy nghề đến học sinh sẽ tiếp tục gặp khó khăn”, ông Minh tiếp lời.

Chính vì thế, theo ông Minh, các trường nghề đành ngồi đợi mà chưa có cách nào giúp họ tiếp cận đối tượng tuyển sinh chủ động và có hệ thống hơn./.

Nguồn: TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast