Truyền thống hiếu học của người Nghệ Tĩnh có tác dụng tích cực trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước

Nhân dịp Tiến sỹ Kato Atsufumi (Đại học Quốc gia Hà Nội) về dự Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ II (tháng 8/2013), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông về những vấn đề liên quan đến văn hóa Xứ Nghệ.

Là nhà Việt Nam học đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa làng xã ở Hà Tĩnh, ông có cảm nghĩ như thế nào về văn hóa và con người Xứ Nghệ?

Văn hóa Việt Nam là sự tổng hợp và dung hòa của nhiều yếu tố, thể hiện trí tuệ và tình cảm, quan niệm đạo đức và lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam. Có lẽ niềm tự tôn, lòng tự hào dân tộc cùng với bản chất trượng nghĩa của những con người Xứ Nghệ đã giúp họ vượt qua khó khăn của một vùng đất nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt để hình thành và lưu giữ nên truyền thống hiếu học từ bao đời nay. Dân ca ví, giặm vốn là những nét đặc trưng văn hóa lạc quan của người dân Xứ Nghệ.

Tiến sỹ Kato Atsufumi (SN 1975, ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản) hiện là giảng viên Trường Đại học Tokyo và đang công tác tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), phụ trách Văn phòng Đại diện Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu Nhật Bản do Tập đoàn Zensho tài trợ. Ông là nhà Việt Nam học, nhiều năm gắn bó với không ít làng quê Hà Tĩnh để nghiên cứu về đề tài “Tính tự quản và tổ chức làng xã Việt Nam hiện nay nhìn từ góc độ nghiên cứu văn hóa”.

Trong khi Truyện Kiều phản ánh xã hội bất công, cuộc đời đau khổ của nàng Kiều thì những làn điệu dân ca lại tràn đầy tình thương, chứa đựng sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống của con người nơi đây. Mặc dù cuộc sống hàng ngày của người dân vùng đất này từ xưa đến nay rất vất vả nhưng họ vẫn say mê lao động, thương con, thương mẹ, yêu người, yêu đời, luôn luôn đi cùng với những làn điệu dân ca giản dị mà giàu tình cảm. Nhật Bản cũng có nhiều bài dân ca chân thực, gần gũi với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Như quê ngoại của tôi, tỉnh Nagano - một vùng miền núi rất nghèo khổ, cũng có nhiều bài hát dân ca, trong đó nổi tiếng nhất là bài “Kiso-bushi”, hát về người chèo thuyền chở gỗ bằng bè theo dọc con sông xuống thành thị thời xưa. Bài hát này có âm điệu nhẹ nhàng, mô tả hình ảnh con bè đi xuôi theo sông trong cảnh thung lũng âm u, tĩnh mịch của một buổi chiều mùa hè.

Tiến sỹ Kato Atsufumi trình bày đề dẫn tham luận tại Tọa đàm khoa học quốc tế - Văn hóa quản lý làng xã Hà Tĩnh (Ảnh: Duy Thảo)
Tiến sỹ Kato Atsufumi trình bày đề dẫn tham luận tại Tọa đàm khoa học quốc tế - Văn hóa quản lý làng xã Hà Tĩnh (Ảnh: Duy Thảo)

Theo ông, trong công cuộc CNH-HĐH ở địa phương hiện nay, cần chú trọng phát huy những truyền thống gì trong văn hóa cổ truyền của Xứ Nghệ? Mối quan tâm của Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng hiện nay, như thế nào?

Truyền thống hiếu học của con người Nghệ Tĩnh có tác dụng tích cực trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước Việt Nam. Chính phủ nói chung và các nhà lãnh đạo ngành văn hóa Nghệ Tĩnh nói riêng nên quan tâm hơn nữa về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành giáo dục để người dân địa phương có điều kiện học tập tốt.

Nhà nước, các cơ quan phi chính phủ, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu Nhật Bản luôn quan tâm đến sự nỗ lực và phát triển của đất nước Việt Nam. Mong rằng, con người Nghệ Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy ý thức học tập, cải thiện xã hội để góp phần đưa đất nước Việt Nam phát triển.

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast