Tự hào mái trường mang tên Đại danh y

Ra đời vào năm 1972, sau 40 năm hình thành và phát triển, trường THPT Lê Hữu Trác I đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim của các thế hệ thầy cô giáo và học trò trên mảnh đất học Hương Sơn.

Trường THPT Lê Hữu Trác đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 40 năm.
Trường THPT Lê Hữu Trác đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 40 năm.

Vạn sự khởi đầu…

Những người dân vùng hạ Hương Sơn sẽ còn khắc sâu hình ảnh, toàn bộ nhân dân trong vùng đã cùng với các thầy cô giáo dựng nên ngôi trường này như thế nào.

Suốt ba tháng hè năm 1972, thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, thầy và trò của trường đã cật lực lao động, đào hào, đắp lũy, dựng lán học - tất cả diễn ra dưới tiếng gầm rú của máy bay và tiếng súng phòng không. Nguyên vật liệu xây dựng trường lúc bấy giờ chủ yếu là tranh, tre, nứa, lá được huy động trong phụ huynh từ 13 xã vùng hạ của miền đất hiếu học.

Thầy Nguyễn Hữu Hiệu bồi hồi nhớ lại: “Đến bây giờ vẫn còn một hình ảnh khiến tôi quặn lòng: Một cụ già lưng còng, râu tóc bạc phơ vác hai cây tre to trên đó có mười tấm lá tranh (lá cọ), mồ hôi ướt sũng áo cụ, chạy theo sau là mộ cậu bé loắt choắt. Đặt tranh tre xuống, ông cụ nói: Cha hắn đi bộ đội, mẹ đi cấy cho hợp tác, tui là ông nội nó. Nghe tin hắn đậu lớp 8, tôi mừng quá, chọn hai cây tre to nhất để nộp cho trường làm lán cho bọn hắn học, xin thầy nhận cho….”.

Từ Lòi Mây (Sơn Bình) ra đập Cửa Khâu( Sơn Hà), thuở ban đầu với nhà tranh vách đất; đến địa điểm mới nơi núi Nầm sừng sững.Với lòng nhiệt tình của các bậc phụ huynh, tinh thần quyết tâm vượt khó của tập thể giáo viên, chỉ sau một thời gian ngắn, Trường Cấp 3 Lê Hữu Trác (tên gọi ban đầu) đã xứng danh với tên gọi của vị Đại danh y dân tộc.

Trưởng thành

Ngày 8/9/1972, thầy hiệu trưởng Văn Đình Chính đã tổ chức phiên họp Hội đồng đầu tiên, mở đầu cho những hoạt động chính thức của nhà trường. Học sinh lớp 9 và lớp 10 từ trường cấp 3 Hương Sơn được chuyển về cùng với số học sinh tuyển sinh lớp 8 đầu cấp, tổng tất cả là 7 lớp với 295 học sinh.

Các học sinh xuất sắc nhận học bổng.
Các học sinh xuất sắc nhận học bổng.

Ngay từ những ngày đầu , thầy và trò nhà trường vượt qua khó khăn gian khổ để khẳng định vị trí và tầm vóc của mình. Tập thể sư phạm nhà trường là những người trong sáng về phẩm chất, vững vàng về chuyên môn, tận tâm với sự nghiệp trồng người. Thế hệ những học sinh đầu tiên cũng đã cố gắng phấn đấu rèn luyện, trưởng thành đóng góp đáng kể cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Kể từ ngày thành lập đến nay, đã có những đổi thay và bước phát triển dưới mái trường này. Cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, khuôn viên trường ngày càng đẹp, khang trang; thiết bị dạy và học đầy đủ, hiện đại, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao. Những năm gần đây, quy mô nhà trường đi vào thế ổn định trong khung từ 21 đến 24 lớp với trên 1000 học sinh. Tỉ lệ tốt nghiệp hàng năm ở mức xấp xỉ 100%, số học sinh đậu vào các trường đại học ngày càng tăng. Nhiều năm liền, trường được công nhận là trường tiên tiến xuất sắc, năm 2002 nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Đây cũng là ngôi trường miền núi hiếm hoi của Hà Tĩnh và cả nước hai lần được công nhận đạt chuẩn quốc gia ngay từ đợt đầu tiên.

Mặc dù là trường miền núi, huyện nghèo nhưng cơ sơ vật chất phục vụ cho việc dạy-học khá đầy đủ, với một khuôn viên thoáng đãng được mệnh danh là một trong những ngôi trường có cảnh quan đẹp bậc nhất Hà Tĩnh.

Sự trưởng thành của trường THPT Lê Hữu Trác I ngày hôm nay không chỉ biểu hiện rõ trong diện mạo của ngôi trường hay chất lượng giáo dục mà còn thấy rõ qua sự trưởng thành của các thế hệ học trò.

"Chào bàn ghế, bảng đen, cửa sổ. Tôi bé nhỏ đây mà, có nhận được ra tôi?" - Các học trò cũ sau 40 năm về lại trường xưa
"Chào bàn ghế, bảng đen, cửa sổ. Tôi bé nhỏ đây mà, có nhận được ra tôi?" - Các học trò cũ sau 40 năm về lại trường xưa

Thầy giáo Trịnh Văn Huệ - Hiệu trưởng nhà trường không giấu nổi niềm xúc động chia sẻ : “Các học sinh cũ dù đi xa đến đâu cũng luôn hướng về trường, từ những suất học bổng, những bộ bàn ghế, thiết bị tới những công trình giá trị hàng chục triệu đồng... Điều này là nhân tố quan trọng giúp cho nhà trường có những đổi thay đáng mừng như hôm nay. Hiện tại, một quỹ khuyến học do chính các cựu học sinh khởi xướng đang hình thành. Đây sẽ là niềm động viên, khích lệ to lớn cho các thế hệ học sinh sau này”.

40 năm- một ân tình.

Những ngày đầu tháng 11 này, từng dòng xe, dòng người nối tiếp nhau ngược đường 8 để về với mái trường dưới chân núi Nầm, bên dòng sông Phố- mái trường mang tên đại danh y Lê Hữu Trác I. Dưới bầu không khí se lạnh của những ngày đầu đông, trên nụ cười rạng ngời của những mái đầu đã bạc là niềm tự hào của thế hệ học mà bây giờ tóc cũng đã điểm sương. Trong số những cô cậu học trò thời ăn cơm độn sắn, đi bộ hàng chục cây số để đến trường năm nào, nay nhiều người đã trở thành giáo sư, tiến sỹ, cán bộ cấp cao, doanh nhân thành đạt... Hôm nay,họ lại cùng nhau tề tựu trong ngày hội trường-ngày hội của tình thầy trò với nguyên sơ những kỉ niệm.

40 năm đã qua, cũng là ngần ấy năm ghi dấu những nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò dưới mái trường này. Trong muôn vàn khó khăn gian khổ, thầy và trò vẫn không ngừng cố gắng vươn lên, phấn đấu dạy và học. Bằng tình yêu nghề, yêu trò, yêu trường, các thầy cô đã mang cả trái tim mình lên bục giảng, học trò mang cả niềm hi vọng lớn lao của gia đình, khát khao học chữ đến trường.

Đặc biệt, trường vừa được tặng Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Đây là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập. Còn với các thầy cô giáo, hạnh phúc lớn nhất có lẽ là niềm tin, là tình cảm tha thiết của nhân dân và học trò mà hiếm nơi nào có được khi hàng nghìn lượt thầy cô, học trò và nhân dân từ mọi miền Tổ quốc đã về với trường trong những ngày lễ hội này.

40 năm một chặng đường, 40 năm không ngừng lớn mạnh, 40 năm để tự hào và vươn xa; Và 40 năm xứng danh miền đất học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast