Vô cảm trong lứa tuổi học sinh- “Bệnh” không khó chữa

Gần đây, dư luận cả nước xôn xao về sự việc một nhóm nữ sinh của trường THPT Trần Nhân Tông ( Hà Nội) đánh bạn cùng giới theo kiểu xã hội đen rồi ghi hình tung lên mạng. Xem những đoạn clip này, điều dễ nhận thấy là tình người trong các em đã bị cạn ráo. Không chỉ kẻ trực tiếp đánh đập, làm nhục bạn vói những hành vi rất bạo ngược mà ngay cả người ghi hình và những đám học sinh cả nam lẫn nữ ngồi xem cũng tỏ ra thờ o vô cảm, thậm chí còn nói cười trong lúc bạn mình đau đớn và tủi hổ.

Nhìn rộng ra, không chỉ có ở trường THPT Trần Nhân Tông mà còn nhiều trường học khác trong cả nước, tuy không nhiều nhưng đã từng diễn ra nạn bạo lực học đường, nhẹ thì chửi bới xô xát, cãi nhau, nặng thì hành hung nhau, thậm chí sử dụng hung khí dẫn đến chết người. Đáng tiếc là có những em chứng kiến đã thờ ở trước những việc xảy ra, không can ngăn, không báo cho thầy cô và nhà trường để có biện pháp ngăn chặn kịp thời

Cảnh nữ sinh đánh nhau. Ảnh: Internet
Cảnh nữ sinh đánh nhau. Ảnh: Internet

Một giáo viên dạy ở Trường THCS Thạch Trung ( Thành phố Hà Tĩnh) có lần buồn bã kể: ở trường cô, biểu hiện vô cảm ở học trò lại không phải ở chỗ xô xát đánh nhau và bạn bè trong lớp không can ngăn. “Chứng bệnh” của các học trò cô mắc phải là thái độ thờ ơ trước sự quan tâm, những lời dạy dỗ, chỉ bảo ân cần của các thầy cô. Bảy năm trời cô và đồng nghiệp giảng dạy ở đây, chưa một lần nhận được lời chúc hay bó hoa nào của học trò và phụ huynh nhân ngày 20-11, trừ giáo viên chủ nhiệm. Các em nghèo nên nghèo luôn cả những biểu hiện biết ơn cô thầy, nhưng đáng buồn thay là hết giờ học, ngày nghỉ, các em bưng mớ chanh, mó tỏi, mớ hành đi bán rong trong chợ, gặp mặt cô nào cũng nhớ tên vanh vách và lại mời mua. Có phải sự mưu sinh đã làm khô cứng tâm hồn của các em?

Một bộ phận các em đời sống, tiện nghi rất đủ đầy và các em cũng là những đứa trẻ rất thông minh nhưng trong số đó, vẫn còn những em tâm hồn thiếu tinh tế, trái tim thiếu sự rung động. Các em chưa biết thương cảm trước những số phận éo le, những cảnh đời bất hạnh. Đi ngang qua một người tàn tật, các em chưa biết mủi lòng. Trước một cụ già còng lưng bước đi khó nhọc, các em chưa biết nhường đường và đưa tay ra dắt. Trước một vầng trăng, một áng mây chiều, một tán cây khoe nụ biếc, các em không để ý và cũng không cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên. Tâm hồn các em đã phần nào bị “rô –bốt” hoá trong thời kỳ bùng nổ các phương tiện nghe nhìn cũng như các trò chơi, đồ chơi hiện đại.

Đọc sách, tham gia các hoạt động tập thể...

Đọc sách, tham gia các hoạt động tập thể...

“ Chứng bệnh” này không khó chữa nhưng ai sẽ “ chữa” cho các em ? Trước hết là bố mẹ bởi gia đình là trường học đầu tiên và là suốt đời. Bố mẹ phải có lòng nhân ái, phải rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người mới định hướng được thẩm mỹ cho các em. Bố mẹ cũng không nên trang bị cho con quá nhiều đồ chơi hiện đại và đóng khung cho các con trong không gian ngôi nhà mà cần mở rộng tầm nhìn cho con về cuộc sống thông qua những cuộc tiêp xúc, những chuyến hành hương, dã ngoại. Để làm gương cho con, bố mẹ cũng cần thể hiện tấm lòng nhân hậu của mình với mọi người, đặc biệt là với người bất hạnh. Đối với những gia đình có Internet, cần tăng cường quản lý các trò chơi cũng như giờ chơi của các em để các em có điều kiện đọc sách văn học, tham gia các trò chơi dân gian, các sinh hoạt tập thể của nhà trường, bạn bè và xã hội.

...cùng với một gia đình thân ái, hòa hợp là liều thuốc chữa hữu hiệu bệnh vô cảm ở lứa tuổi học sinh. Ảnh minh họa

...cùng với một gia đình thân ái, hòa hợp là liều thuốc chữa hữu hiệu bệnh vô cảm ở lứa tuổi học sinh. Ảnh minh họa

Về phía thầy cô và nhà trường, ngoài các hoạt động vì bạn nghèo, từ thiện, nhân đạo cũng cần tổ chức cho lứa tuổi THCS, THPT nhiều diễn đàn về lối sống, ứng xử, nhiều sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao để hướng các em vào những hoạt động lành mạnh bổ ích. Cần kiên trì phối hợp với gia đình giáo dục học sinh cá biệt để khơi dậy bản thiện trong các em, giúp các em làm chủ hành vi của mình và biết trân trọng những giá trị của cuộc sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast