Vun đắp niềm đam mê văn học

(Baohatinh.vn) - Khi nói về thầy giáo dạy môn Ngữ văn Nguyễn Thanh Truyền ở Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (Tùng Ảnh, Đức Thọ), nhiều đồng nghiệp và học sinh (HS) đều có chung nhận xét: thầy Truyền là người đam mê môn Ngữ văn, tận tụy với sự nghiệp trồng người, không ngừng tìm tòi, học hỏi để có những sáng tạo trong giảng dạy. Đặc biệt, thầy luôn tận tình chỉ bảo, gần gũi HS.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn ở vùng quê nghèo Đức Tùng (Đức Thọ), từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, thầy Nguyễn Thanh Truyền đã mang trong mình ước mơ trở thành thầy giáo dạy văn để ươm mầm cho các thế hệ học trò nghèo vùng thôn quê. Ước mơ ấy đã trở thành sự thực, khi năm 2005, thầy tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh, được phân công giảng dạy tại các trường THCS ở một số vùng quê nghèo. Đến năm 2011, thầy được chuyển về dạy tại Trường THCS Hoàng Xuân Hãn.

Vun đắp niềm đam mê văn học ảnh 1

Thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền, bằng tình yêu, trách nhiệm, thầy đã vượt qua tất cả mọi rào cản để ngày ngày truyền nguồn cảm hứng, vun đắp niềm đam mê và tình yêu văn học cho các thế hệ học trò.

Là một người tâm huyết và trách nhiệm, thầy Truyền luôn hướng các em đến tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, ý thức rèn luyện, phấn đấu, cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. Thầy luôn gần gũi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng em, giúp các em kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong học tập cũng như sinh hoạt. Chính những điều này không chỉ giúp đại đa số HS của thầy trở thành con ngoan, trò giỏi mà còn khuyến khích nhiều em chưa ngoan, học chưa giỏi cố gắng hơn.

Giảng dạy môn Ngữ văn, ngoài niềm đam mê, tâm huyết thì đòi hỏi người dạy phải có khả năng truyền thụ tốt và sự biểu cảm cao. Bằng tình yêu văn học, trách nhiệm với học trò, thầy đã vượt qua tất cả mọi rào cản để ngày ngày truyền nguồn cảm hứng, vun đắp niềm đam mê và tình yêu văn học cho các thế hệ học trò. Thầy luôn trăn trở làm thế nào để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn giảng dạy, truyền thụ thế nào để HS dễ hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bộ môn này, để mỗi tiết học trở nên hấp dẫn hơn. Sự cố gắng, tận tụy, cao hơn cả là tình yêu dành cho môn Ngữ văn và những HS thân yêu của thầy đã được đền đáp. Đặc biệt, 2 năm học vừa qua, đội tuyển HS giỏi tỉnh của trường do thầy bồi dưỡng có 16/23 em đạt giải, trong đó, có 2 giải nhất.

Thầy Truyền chia sẻ: Đối với môn Ngữ văn, chỉ kiến thức thôi chưa đủ, mà còn phải có tình yêu văn học và thực sự có trách nhiệm đối với học trò. Vì vậy, ngoài việc đổi mới phương pháp để giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ, thầy luôn chú ý làm phong phú bài giảng bằng việc đưa ra nhiều dẫn chứng từ những bài thơ, bài văn, bài nghiên cứu, bình luận được đăng trên các tạp chí. Đặc biệt là kiểm tra kiến thức của HS thông qua các dạng đề có tính chất “mở”, tạo hứng thú cho các em.

Ngoài niềm đam mê môn Ngữ văn, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, thầy Truyền còn trải nghiệm cuộc sống bằng việc tham gia nhiều hoạt động khác liên quan đến văn học nghệ thuật. Hiện, thầy là hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, thường xuyên sáng tác và có nhiều bài viết đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Ngoài ra, thầy từng giành giải nhất cuộc thi ra đề mở do Tạp chí Văn học tuổi trẻ tổ chức năm 2012-2014.

Thầy Nguyễn Đình Anh - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Hoàng Xuân Hãn nhận xét: Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, nhiệt tình trong công tác, tận tụy với nghề, chăm lo cho HS, thầy Truyền còn là người sống giản dị, chân thành, luôn tích cực đi đầu trong mọi phong trào, được đồng nghiệp mến phục. Nhiều năm liên tục, thầy được tôn vinh là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Thầy Truyền là tấm gương để mọi người học tập, noi theo.

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast