Xã hội hóa giáo dục: Trường tư thục - ích nước, lợi nhà

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 11 trường tư thục (chủ yếu là bậc học mầm non) đi vào hoạt động và một số trường đang trên đà hoàn thành dự án. Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới trường lớp ngoài công lập đã góp lời giải hay cho bài toán khó về quá tải trường lớp. Đây cũng là xu hướng tất yếu phù hợp với sự phát triển của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực trường công

Từ thành công của mô hình trường tư thục đầu tiên của một nhà đầu tư đầy tâm huyết và đam mê - chị Nguyễn Thị Bích Hảo - với sự ra đời của Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh (năm 2000), yêu cầu thực tiễn đã thúc đẩy các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển mạng lưới trường tư thục. Đặc biệt, 3 năm gần đây, từ TX Kỳ Anh, huyện miền núi Hương Khê xa xôi đến các vùng Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh, Đức Thọ và đặc biệt là TP Hà Tĩnh, các mô hình trường tư thục đã phát triển mạnh mẽ, “chia lửa” cho ngành giáo dục trong mỗi mùa tuyển sinh.

xa hoi hoa giao duc truong tu thuc ich nuoc loi nha

Chương trình giúp bé làm quen sớm với tiếng Anh và các hoạt động theo chủ đề, việc dạy kỹ năng sống xen kẽ hài hòa đã tạo nên sức hấp dẫn trong các trường tư thục.

Ông Lương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Thành phố hiện có 6 trường mầm non tư thục đi vào hoạt động, 3 trường đang xúc tiến dự án mở rộng quy mô cơ sở 2. Sự phát triển của mạng lưới trường tư thục đã làm giảm áp lực tuyển sinh, giãn số lượng học sinh/lớp tại các trường công lập khi tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng, đồng thời, tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương trong việc đầu tư cho giáo dục”.

Chỉ làm một phép tính đơn giản, với nguồn đầu tư trung bình từ 30-40 tỷ đồng/1 trường học, những năm qua, mạng lưới trường tư thục hình thành đã góp phần tiết kiệm ngân sách đầu tư cho giáo dục hàng trăm tỷ đồng. Và với trung bình mỗi trường từ 40-80 cán bộ, giáo viên, mức lương bình quân từ 4-6 triệu đồng, ngân sách chi trả lương cũng đã được tiết kiệm thêm mỗi năm hàng chục tỷ đồng.

“Sự phát triển của mạng lưới trường tư thục càng trở nên cần thiết hơn khi những năm gần đây, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường lớp bị cắt giảm theo từng năm. Đội ngũ giáo viên, đặc biệt là bậc mầm non thiếu nhưng chưa có chính sách tuyển dụng bổ sung” - thầy Lê Quang Cảnh - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD&ĐT cho biết.

“Luồng gió mới” trong phương pháp dạy học

Bên cạnh sự hấp dẫn của những ngôi trường được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, thiết kế đẹp, thân thiện với trẻ nhỏ, hệ thống trường tư thục còn khiến nhiều phụ huynh lựa chọn bởi phương pháp dạy học hiện đại, hướng chuẩn quốc tế. Trong câu chuyện về những kinh nghiệm để phát triển nhà trường, tạo dựng lòng tin của các bậc phụ huynh, chị Nguyễn Thị Bích Hảo, người tiên phong trong phong trào phát triển mạng lưới trường tư thục trải lòng: “Kiên trì mò mẫm từng bước đi, vừa làm,

vừa nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm, 10 năm sau ngày thành lập, “đứa con tinh thần” đầu tiên - Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du mới trưởng thành với doanh thu đủ bù chi. Để tồn tại và phát triển, đối với trường tư thục, phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ. Đó không chỉ đơn giản là những bữa ăn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm hay việc giảng dạy bám sát khung chương trình của bộ, mà quan trọng hơn cả đó là việc đổi mới phương pháp dạỵ học, chú trọng phát triển và rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ”.

xa hoi hoa giao duc truong tu thuc ich nuoc loi nha

Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên chú trọng giáo dục giá trị sống - kỹ năng sống, trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết trong học tập, làm việc và đời sống thông qua các hoạt động ngoại khóa đa dạng và phong phú.

Còn với Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên (phường Sông Trí, TX Kỳ Anh), thì dù quy mô ngôi trường nhỏ nhưng phụ huynh ở nhiều phường, xã, thậm chí cả cán bộ, công nhân Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng tìm đến gửi con, bởi họ rất yên tâm với những chương trình giáo dục hiện đại mà trường tìm tòi, ứng dụng. Bà Lê Thị Xôn - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ giáo dục sớm IPD (Thanh Hóa) cho biết: “Tôi ấn tượng khi thấy nhà đầu tư giáo dục ở Hà Tĩnh tìm đến trung tâm đề nghị chuyển giao chương trình giáo dục sớm. Chương trình đã áp dụng thành công ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và bước đầu triển khai, học sinh của Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên tiếp thu rất nhanh”.

“Luồng gió mới” trong chất lượng giáo dục cũng đã lan tỏa đến hệ thống trường tiểu học với sự ra đời của trường tiểu học tư thục đầu tiên - iSchool. Cô Trần Thị Cẩm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các kiến thức cơ bản bám sát khung chương trình của Bộ GD&ĐT nhưng theo hướng tinh giản và trọng tâm. Các bài học được giảng dạy với hình thức tích hợp liên môn. Trường cũng đặc biệt chú trọng chương trình giáo dục giá trị sống - kỹ năng sống, trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết trong học tập, làm việc và đời sống thông qua các hoạt động ngoại khóa đa dạng và phong phú”.

Hầu hết các trường mầm non tư thục trên địa bàn, mặc dù chi phí học tập cao hơn so với trường công lập nhưng lại được nhiều phụ huynh lựa chọn, thậm chí, có trường luôn trong tình trạng quá tải về hồ sơ xin nhập học. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hà Tĩnh, trong số gần 8000 học sinh hệ mầm non, thì các trường tư thục đã thu hút gần 2.500 cháu. Điều này cho thấy, chất lượng đầu ra của các mô hình giáo dục hiện đại đã được khẳng định. Ví dụ như Trường Mầm non Trí Đức, qua 3 năm đi vào hoạt động, các nhóm lớp liên tục được phát triển mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đăng ký học. Đến năm học 2017-2018 này, trường đã khai thác hết công suất các phòng học (20 nhóm lớp với gần 700 học sinh) nhưng cũng chỉ có thể ưu tiên cho đối tượng được hàng đầu, đó là các cháu đã có anh, chị đang theo học tại đây.

Nhìn ở một góc độ khác, sự phát triển của hệ thống trường tư thục cũng đang thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục, nhất là đối với hệ thống trường công lập. Mặt khác, xã hội hóa giáo dục đang góp phần tạo sự công bằng trong việc tuyển sinh đầu vào, góp phần thúc đẩy việc hình thành một môi trường giáo dục minh bạch, bình đẳng.

(Còn nữa)

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast