Xây dựng nền tảng vững chắc từ bậc học đầu đời

Xuất phát từ tình hình thực tế cuộc sống của người dân nói chung còn nhiều khó khăn nên với bậc học mầm non, việc huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy vẫn luôn là vấn đề trăn trở đối với đội ngũ giáo viên bậc mầm non trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, xác định tầm quan trọng của bậc học đầu tiên nên những năm qua, cùng với sự tiếp sức của lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp, phòng Giáo dục thành phố Hà Tĩnh đã luôn bám sát vào nhiệm vụ của từng năm học, đẩy mạnh công tác tham mưu xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, củng cố đội ngũ, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ nên ngành học mầm non trên địa bàn ngày càng khởi sắc và vinh dự là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh.

Cô Trần Thị Thuỷ Nga - Phó trưởng Phòng Giáo dục T.P Hà Tĩnh cho biết: “Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm hiện tại, bậc học mầm non đã huy động được nguồn kinh phí gần 24 tỷ đồng - trong đó địa phương đầu tư 6,2 tỷ; nhân dân đóng góp gần 3 tỷ, còn lại chủ yếu là ngân sách nhà nước. 100% trường mầm non đã có địa điểm riêng, phòng học và các phòng chức năng được xây dựng kiên cố, có công trình vệ sinh khép kín, diện tích khuôn viên đảm bảo theo yêu cầu trường chuẩn. Và điều đặc biệt quan trọng là chúng tôi có đội ngũ giáo viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề và vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ nên đã tạo dựng được niềm tin cho các bậc phụ huynh khi gửi gắm con vào học tại các trường trên địa bàn”.

Dẫu mới chỉ có 4/18 trường được chuyển sang công lập, đời sống của giáo viên mầm non còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao của phòng và tấm lòng yêu trẻ, đội ngũ giáo viên bậc mầm non trên địa bàn thành phố đã không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn ngiệp vụ. Nhờ thế, đến nay 100% giáo viên tại các nhà trường đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Song song với việc tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên theo học tại các trường cao đẳng, đại học..., phòng còn tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra, tổ chức các chuyên đề thiết thực để nâng cao trình độ, tạo cơ hội cho giáo viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy thông qua hình thức tổ chức sinh hoạt liên trường; tổ chức các giờ dạy mẫu, triển khai có hiệu quả các chuyên đề như: làm quen với các tác phẩm văn học chữ viết; giáo dục bảo vệ môi trường, vệ sinh ATTP... Và đặc biệt 100% đơn vị trên địa bàn đều tích cực thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.

Giờ học ngoài trời của cô và trò trường Mầm non 1 T.P Hà Tĩnh

Giờ học ngoài trời của cô và trò trường Mầm non 1 T.P Hà Tĩnh

Để thu hút trẻ đến trường, ngoài việc thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, chú trọng xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn, phòng giáo dục thành phố còn chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với các ban ngành , các bậc học trên địa bàn tổ chức điều tra số trẻ đồng thời tuyên truyền vận động phụ huynh về công tác phổ cập giáo dục trẻ em 5 tuổi, vận động trẻ đến trường. Xây dựng quy chế tuyển sinh đúng độ tuổi, đặc biệt tách trẻ theo độ tuổi để thực hiện chương trình 1 độ tuổi; xây dựng góc tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh, nhà trường và các ban nghành đoàn thể...Nhờ thế đến nay bậc học mầm non đã phát triển 176 nhóm lớp, 1429/1429 trẻ 5 tuổi được huy động đến trường - đạt tỷ lệ 100%.

Cùng với việc chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo từng độ tuổi phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng nhận thức của trẻ, tránh tình trạng cắt xén chương trình... Phòng còn chủ động phối hợp với trung tâm y tế chỉ đạo các nhà trường chủ động thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh- nhất là bệnh chân – tay - miệng cho trẻ; xây dựng môi trường an toàn, sạch sẽ, 18/18 trường có bếp ăn đảm bảo VSATTP. Quán triệt tinh thần chỉ đạo ấy nên đến nay 100% các trường đã có chương trình hợp đồng thực phẩm đảm bảo về chất lượng và khẩu phần ăn của trẻ. Một số trường như mần non Thạch Quý, Tân Giang, Văn Yên, Thạch Trung... đã tăng cường công tác trồng rau sạch cung cấp bữa ăn cho trẻ...Nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học nên đến nay tỷ lệ trẻ em SDD trên địa bàn giảm xuống chỉ còn 7,1%.

Từ sự đầu tư của chính quyền các địa phương, sự vào cuộc của các bậc phụ huynh trong chương trình XHH giáo dục và những nỗ lực vượt bậc của các cô nuôi, dạy trẻ nên đã có 8/18 trường mầm non được công nhận chuẩn quốc gia. Và năm học này lại có thêm 4 đơn vị đăng ký đạt chuẩn ( trong đó trường mầm non 1 đăng ký chuẩn mức độ 2). Niềm vui trước những thành quả đã đạt được cùng với bề dày truyền thống của đơn vị dẫn đầu bậc mầm non trên địa bàn toàn tỉnh sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh để ngành học mầm non trên địa bàn vững tin triển khai có hiệu quả các quyết định, đề án phát triển GDMN của trung ương và địa phương trong giai đoạn mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast