Chân dung người tiết lộ bí mật động trời của tình báo Mỹ

Còn trẻ và có 1 cuộc sống dễ chịu nhưng Snowden chấp nhận từ bỏ tất cả để phanh phui hoạt động ngầm của chính phủ Mỹ.

Tuần vừa rồi dư luận thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng chấn động vì hàng loạt thông tin rò rỉ về các hoạt động ngầm của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chuyên theo dõi trên quy mô lớn các hoạt động liên lạc điện tử (internet, điện thoại) của cả công dân Mỹ và thế giới.

Các tài liệu chứng minh sự tồn tại của chương trình mật nói trên đã được các báo Guardian của Anh và Washington Post công bố, khiến nhiều người giật mình về quy mô theo dõi của tình báo Mỹ và sự “tôn trọng” của chính phủ Mỹ đối với quyền riêng tư của công dân.

Lúc này đây, công chúng không chỉ đặt ra câu hỏi đối với bản chất của chương trình giám sát nói trên mà còn đổ dồn sự chú ý đến thân phận Edward Snowden - nhân vật đứng đằng sau vụ rò rỉ tình báo động trời này, người đã cung cấp các tài liệu cho báo GuardianWashington Post.

“Người thổi còi” Edward Snowden (ảnh: Guardian)

“Người thổi còi” Edward Snowden (ảnh: Guardian)

Snowden được cho là sẽ đi vào lịch sử như một trong những nhân vật “phản biện” gây ảnh hưởng lớn nhất của nước Mỹ, bên cạnh Daniel Ellsbers (người đã phanh phui bí mật cuộc chiến của người Mỹ tại Việt Nam bằng cách cung cấp tài liệu Lầu Năm Góc cho tờ New York Times vào năm 1971) và Bradley Manning (1 quân nhân Mỹ đã cung cấp cho trang web “nổi tiếng” WikiLeaks vô số tài liệu mật về chiến tranh Iraq và Afghanistan cũng như điện tín ngoại giao của Mỹ).

Trong 1 bài viết trên Guardian, Ellbers thậm chí còn đánh giá những gì Snowden tiết lộ còn quan trọng hơn cả các tài liệu Lầu Năm Góc ông cung cấp năm xưa.

Sau vài ngày phỏng vấn, Guardian đã tiết lộ danh tính của Snowden theo yêu cầu của chính anh.

Lý lịch ‘trích ngang’

Edward Snowden là công dân Mỹ 30 tuổi, từng làm trợ lý kỹ thuật cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), và hiện là nhân viên của nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton. Snowden đã làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) trong 4 năm với tư cách là nhân viên của một số nhà thầu đối tác của NSA.

Snowden lớn lên ở thành phố Elizabeth, bang Bắc Carolina. Gia đình anh sau đó chuyển về Maryland, gần tổng hành dinh của NSA trong khu vực Fort Meade.

Năm 2003, Snowden gia nhập quân đội và được huấn luyện chương trình đặc nhiệm với mong muốn được sang Iraq chiến đấu “vì chính nghĩa”. Nhưng rồi anh nhanh chóng vỡ mộng khi nhận ra rằng “hầu hết các giảng viên huấn luyện dường như chỉ nhồi nhét vào chúng tôi ý tưởng giết hại người Arab chứ không phải là giúp đỡ ai đó”. Sau đó Snowden bị gãy cả 2 chân trong lúc huấn luyện và được cho giải ngũ.

Rời quân đội, Snowden được nhận vào làm bảo vệ tại 1 cơ sở mật của NSA tại Đại học Maryland. Từ đây anh bước chân vào thế giới CIA, nơi anh phụ trách mảng an ninh công nghệ thông tin. Am hiểu internet và có tài lập trình đã giúp Snowden nhanh chóng nổi bật tại cơ quan này dù anh thậm chí chưa có bằng trung học (Snowden tự nhận mình không thuộc tuýp học sinh “siêu sao”).

Năm 2007, CIA tin tưởng cử anh đi hoạt động tại Geneva (Thụy Sĩ) dưới vỏ bọc ngoại giao. Snowden được giao trọng trách duy trì an ninh mạng máy tính và do đó được tiếp cận một khối lượng lớn tài liệu mật.

“Điệp vụ để đời”

Cách đây hơn 3 tuần, khi vẫn đang làm việc cho văn phòng NSA tại Hawaii, Snowden thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng cho việc công bố các tài liệu của NSA.

Nhà sáng lập WikiLeaks, Julia Assange (ảnh), khẳng định ông có liên lạc gián tiếp với Snowden (nguồn: UPI)

Nhà sáng lập WikiLeaks, Julia Assange (ảnh), khẳng định ông có liên lạc gián tiếp với Snowden (nguồn: UPI)

Đầu tiên Snowden “cóp” hết các dữ liệu cuối cùng mà anh định công bố. Sau đó anh nói với sếp phụ trách anh rằng mình cần nghỉ việc một vài tuần để điều trị bệnh động kinh. Lúc khăn gói, Snowden cũng có nói với bạn gái là sẽ đi xa vài tuần.

Hôm 20/5, Snowden đáp máy bay đi Hong Kong, nơi anh được cho là vẫn trú ngụ cho tới hiện tại (theo thông tin mới nhất của 1 số nguồn tin, Snowden đã biến mất khỏi khách sạn đang ở). Snowden chọn Hong Kong vì tin rằng nơi này đón chào những người bất đồng chính kiến và không chịu ảnh hưởng bởi chính phủ Mỹ.

Trong 3 tuần kể từ khi tới Hong Kong, anh tá túc liên tục trong phòng của một khách sạn – ăn uống cũng ở trong phòng luôn, Snowden mới chỉ rời phòng vài lần.

Snowden đặc biệt lo ngại bị theo dõi. Anh lót kín phía sau cửa bằng gối để tránh bị nghe trộm. Anh còn chụp một mui lớn qua đầu và laptop mỗi khi nhập mật khẩu, nhằm đề phòng có camera giấu kín ghi lại các thao tác bàn phím của mình.

Trong căn phòng khách sạn, bên cạnh giường ngủ của Snowden là chiếc va ly cá nhân, một chiếc đĩa đựng đồ ăn sáng được phục vụ tại phòng, và một cuốn tiểu sử của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney.

Từng làm một thời gian trong CIA và NSA nên Snowden thừa hiểu nhiều ngón nghề của giới tình báo Mỹ. Anh nắm quá rõ các công nghệ tinh vi của họ cũng như khả năng họ định vị ra anh dễ đến nhường nào. Cảnh sát của NSA và các nhân viên công lực khác đã 2 lần ghé thăm nhà riêng của anh ở Hawaii cũng như đã liên lạc với bạn gái anh. Anh ý thức rõ, có thể đang có nhiều cái “đuôi” bám theo anh và anh có thể bị CIA bắt giữ lúc nào.

“Ngay ở đất Hong Kong này cũng có sẵn 1 trạm CIA rồi, nằm trong cơ quan lãnh sự Mỹ ở đây,” Snowden nói. “Tôi chắc họ sẽ rất bận rộn trong tuần tới đây.”

Kể từ khi lẩn trốn, Snowden luôn cảnh giác cao độ, và căng thẳng mỗi lần có tiếng gõ cửa phòng. Có lần chuông báo cháy vang lên khiến Snowden băn khoăn không biết đó là thật hay chỉ là “bẫy” của CIA nhằm buộc anh phải lộ diện ngoài phố.

Kể từ khi có những tiết lộ gây địa chấn, Snowden thường xuyên nghe ngóng động tĩnh qua TV và internet.

Quá trình chuyển hóa quan điểm

Việc Snowden cung cấp cho báo chí các tài liệu mật của NSA không phải là hành động bột phát nhất thời, mà là kết quả của một quá trình trải nghiệm và suy nghĩ chín chắn.

Một nguồn tin trên mạng khẳng định đây là căn phòng mà Snowden từng tá túc tại Hong Kong (ảnh: HotelChatter)

Một nguồn tin trên mạng khẳng định đây là căn phòng mà Snowden từng tá túc tại Hong Kong (ảnh: HotelChatter)

Thời gian làm việc bên cạnh các sĩ quan CIA cũng như tiếp xúc với các tài liệu mật đã dần dần mang lại cho anh 1 con mắt khác về tính chính đáng của những gì anh được chứng kiến.

Một sự kiện tạo bước ngoặt trong suy nghĩ của Snowden là phi vụ CIA dùng các mánh lới để tuyển 1 giám đốc nhà băng Thụy Sĩ vào mạng lưới cung cấp tin tức mật về ngân hàng. Snowden cho biết, CIA đạt được điều này bằng cách cố tình chuốc say tay giám đốc ngân hàng rồi khích ông ta tự lái xe về nhà. Khi tay giám đốc này bị bắt vì tội lái xe trong tình trạng say xỉn, điệp viên của CIA xuất hiện và ra tay giúp đỡ, từ đó hình thành mối quan hệ giữa 2 bên phục vụ cho công việc của CIA.

“Những gì tôi được thấy ở Geneva thực sự làm tan vỡ các ảo tưởng của tôi về hoạt động của chính phủ Mỹ và tác động của nó lên thế giới,” Snowden nói. “Tôi chợt nhận ra mình là bộ phận trong 1 thứ công cụ làm nhiều điều xấu hơn là điều tốt.”

Snowden cho biết chính trong thời gian ở Geneva, lần đầu tiên anh nghĩ đến việc phanh phui các bí mật của chính phủ Mỹ. Nhưng lúc đó anh quyết định chưa hành động ngay vì 2 lý do.

Thứ nhất, Snowden cho biết hầu hết các bí mật của CIA đều dính dáng trực tiếp đến con người (chứ không phải máy móc và phần mềm như trường hợp của NSA), và do vậy anh sẽ không cảm thấy thanh thản nếu những gì anh tiết lộ sẽ đe dọa tính mạng của ai đó. Thứ hai, khi đó việc ông Barack Obama trúng cử đã mang lại cho Snowden hy vọng về những cải cách thực sự, khiến việc tiết lộ trở nên không cần thiết.

Năm 2009 Snowden rời CIA để sang làm cho một nhà thầu tư nhân. Nhà thầu này gửi anh sang làm tại 1 cơ sở của NSA nằm bên trong 1 căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Chính lúc này anh bắt đầu nhận ra tiếp: ông Obama vẫn cứ đẩy mạnh chính những chính sách mà Snowden cho rằng cần phải hạn chế. Thế là quan điểm của Snowden bắt đầu “trở nên cứng rắn”. Từ đây Snowden mất dần niềm tin vào giới lãnh đạo, và xác định bản thân mình phải chủ động chứ không thể trông chờ vào người khác.

Trong 3 năm tiếp theo, anh nhận ra các hoạt động do thám của NSA ngày càng bành trướng. “Họ muốn biết mọi cuộc hội thoại, mọi hành vi trong thế giới này”. Snowden tin những gì NSA làm là mối nguy hiện hữu đối với dân chủ.

Snowden từng coi internet là một phát minh quan trọng nhất trong lịch sử loài người, nhờ đó anh có thể trao đổi với những người thuộc đủ loại quan điểm mà đáng lẽ anh sẽ không bao giờ gặp gỡ được nếu không có internet.

Anh đồng thời tin rằng giá trị của internet, với quyền riêng tư cơ bản, đang bị hoạt động theo dõi khắp mọi nơi phá hoại nhanh chóng. “Tôi không muốn sống trong 1 thế giới không còn chút riêng tư nào và không còn chỗ cho các khám phá và sáng tạo trí tuệ”, Snowden nói.

Khi đi đến chỗ kết luận mạng lưới giám sát của NSA sẽ không thể ngừng lại sớm, Snowden biết rằng việc anh “hành động” chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hành động vì lương tâm

Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là động cơ nào khiến Snowden dám từ bỏ tự do cá nhân của chính mình và một cuộc sống nhiều ưu đãi để làm một việc như vậy.

“Vụ” Snowden gây nhiều lúng túng cho chính quyền Obama (trái) trong bối cảnh họ vừa liên lục nhắc nhở Trung Quốc về an ninh mạng (ảnh: politico)

“Vụ” Snowden gây nhiều lúng túng cho chính quyền Obama (trái) trong bối cảnh họ vừa liên lục nhắc nhở Trung Quốc về an ninh mạng (ảnh: politico)

Snowden cho biết anh có một nghề nghiệp ổn định với mức lương 200.000 USD, một gia đình mà anh yêu dấu, và một người bạn gái chung sống với anh trong 1 ngôi nhà tại Hawaii.

Anh cũng ý thức rõ những hậu quả đối với bản thân khi cả gan phanh phui cả Cơ quan An ninh Quốc gia. Anh biết tình báo Mỹ đang ‘sôi’ lên vì anh. Chính phủ Mỹ có thể đã bắt đầu thủ tục dẫn độ Snowden về nước (thông qua hiệp ước dẫn độ), hoặc thậm chí sẵn sàng “túm” thẳng lấy anh rồi tống lên máy bay đưa về Mỹ. Anh đã phán đoán từ trước chính phủ Mỹ sẽ mở điều tra và khép anh vào tội gián điệp và hỗ trợ kẻ thù. Ngoài ra Trung Quốc cũng có thể tìm cách để có được Snowden và xem anh như một nguồn tin có giá trị.

“Có nhiều thứ quan trọng hơn tiền”, Snowden nói. “Nếu động cơ là vì tiền, thì tôi đã bán các tài liệu mật cho một cơ số chính phủ (thay vì cung cấp cho báo giới) và trở nên rất giàu có”.

Nhưng vấn đề đối với Snowden là đạo đức. Snowden tuyên bố: “Tôi sẵn lòng hy sinh tất cả… bởi vì với lương tâm của mình, tôi không thể để cho chính phủ Mỹ phá hủy quyền riêng tư, quyền tự do internet, và các quyền tự do cơ bản của nhân dân toàn thế giới bằng cỗ máy giám sát khổng lồ mà họ đang bí mật xây dựng”.

Theo Snowden, chính quyền Mỹ đã tự cho mình cái quyền mà họ không có, trong khi công chúng lại thiếu sự giám sát đối với họ.

Snowden khẳng định anh không hối tiếc những việc anh làm vì đó là quyết định của bản thân anh. Và anh cũng không sợ công khai danh tính bởi vì “tôi biết tôi chả làm gì sai”.

Khi phóng viên yêu cầu Snowden chứng minh tính xác thực của chính mình, anh đã không ngần ngại cung cấp các chi tiết cá nhân, từ số bảo hiểm xã hội đến thẻ CIA và chiếc hộ chiếu ngoại giao đã hết hạn của mình.

Là một bậc thầy về vi tính, Snowden dường như rất hứng thú khi được nói về khía cạnh kỹ thuật trong hoạt động theo dõi, đến cấp độ chi tiết đến mức chỉ “dân trong nghề” mới hiểu được. Tuy nhiên anh đồng thời thể hiện rất rõ cảm xúc khi nói về giá trị của quyền riêng tư cũng như cảm nhận của anh đối với việc các cơ quan mật vụ đang làm xói mòn quyền đó.

Trong nhiều tiếng phỏng vấn với Guardian, Snowden nhìn chung rất bình tĩnh, thư thái. Tuy nhiên, khi nhắc tới gia đình, anh đã tỏ ra xúc động đặc biệt. Anh lo vì hành động của mình mà gia đình anh có thể bị liên lụy. “Điều này khiến tôi thức trắng đêm”, Snowden nói, mắt ứa lệ.

Tất nhiên, Snowden cũng có không có ý định trở nên nổi tiếng theo cách này. Khi xuất đầu lộ diện, anh mong muốn công chúng và truyền thông chú ý đến không phải bản thân anh, mà là những gì chính phủ Mỹ đang làm. Điều anh sợ hiện nay không phải là an toàn của bản thân, mà là việc công chúng quên chú ý đến thực chất của những tài liệu anh đã tiết lộ. “Động cơ duy nhất của tôi là thông báo cho công chúng biết những gì được làm nhân danh họ và những gì đã được làm để chống lại chính họ.”

Snowden cho phóng viên biết, Iceland đứng đầu danh sách các nước mà anh muốn được tị nạn chính trị.

Mới đây Nga cũng “bắn tin” sẽ xem xét khả năng cho Snowden được tị nạn nếu nhận được 1 lời đề nghị phù hợp từ anh./.

    Nguồn: Trung Hiếu/VOV Online (theo Guardian)

    Đọc thêm

    Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast