Cả hệ thống chính trị vào cuộc!

Với sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ huyện Thạch Hà, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã chủ động triển khai việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với nhiều cách thức, biện pháp mang lại hiệu quả cao.

Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở Thạch Hà

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Võ Kim Cự trò chuyện thân mật với cử tri huyện Thạch Hà trong một buổi tiếp xúc gần đây
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Võ Kim Cự trò chuyện thân mật với cử tri huyện Thạch Hà trong một buổi tiếp xúc gần đây

Để đảm bảo các tầng lớp nhân dân có điều kiện tiếp cận thông tin, bên cạnh việc in ấn, cấp phát tài liệu, huyện Thạch Hà đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông tập hợp, chuyển tải nội dung yêu cầu của việc góp ý vào các dự thảo luật qua các kênh truyền thanh cơ sở.

BCĐ huyện đã áp dụng các hình thức phong phú và đa dạng nhằm tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy rõ tầm quan trọng và lợi ích của việc tham gia ý kiến; bảo đảm cho nhân dân có thể tiếp cận với dự thảo sửa đổi Hiến pháp một cách tốt nhất, có cơ chế tiếp nhận ý kiến bảo đảm thuận lợi cho nhân dân.

Bằng các hình thức như: tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, phát động phong trào thi đua sinh hoạt chính trị pháp lý trong cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trên địa bàn toàn huyện…, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào các dự thảo luật đã thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả cao.

Có thể nói rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và BCĐ các cấp huyện Thạch Hà tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nên đã tranh thủ tối đa các ý kiến tham gia góp ý. Ngoài ra, một số địa phương còn tranh thủ các ý kiến đóng góp của con em xa quê, người lao động ở nước ngoài...

Bằng các hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo… BCĐ huyện đã tập hợp được hàng chục nghìn ý kiến góp ý vào các dự thảo luật một cách sâu rộng, đạt chất lượng cao. Hầu hết các ý kiến góp ý đều thể hiện tinh thần xây dựng, khẳng định chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đúng đắn, cần thiết và hợp lòng dân, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, hợp xu thế thời đại. Gần như không có ý kiến nào lợi dụng dân chủ để gây chia rẽ, kích động, phát ngôn các vấn đề trái với quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Tư pháp, Tổ trưởng Tổ giúp việc huyện Thạch Hà Trần Hữu Nghĩa cho biết: Triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (đợt 2) bằng phiếu đóng góp ý kiến của các hộ dân, BCĐ huyện đã ban hành kế hoạch và quán triệt triển khai thống nhất, đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Hình thức tổ chức, đối tượng, thời gian và cách thức tổng hợp ý kiến, việc cung cấp, phân phối tài liệu đều được tính toán cụ thể, hợp lý, đáp ứng yêu cầu. Từ các hình thức tổ chức họp dân, trực tiếp cấp phát đến các hộ gia đình, 100% hộ dân trên địa bàn đã được nhận tài liệu và phiếu lấy ý kiến.

Hiện tại, BCĐ huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp nhận lại phiếu đóng góp ý kiến của các hộ dân để tập hợp, báo cáo lên BCĐ tỉnh trước ngày 25/5 theo đúng tiến độ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast