Cần có quy định về chức năng kiểm sát chung của Viện KSND

Từ năm 1960, ngành Kiểm sát Nhân dân đã được giao và đã thực hiện tốt, có hiệu quả chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân... bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (còn gọi là chức năng kiểm sát chung). Qua từng giai đoạn cách mạng, công tác kiểm sát chung của ngành Kiểm sát Nhân dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân quy định.

Cần có quy định về chức năng kiểm sát chung của Viện KSND ảnh 1

Có thể khẳng định rằng, sau 42 năm thực hiện chức năng kiểm sát chung, Viện kiểm sát nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc củng cố trật tự pháp luật trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Năm 2002, thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân không còn chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Qua thực tiễn nắm bắt hoạt động của các cơ quan chức năng có liên quan với công tác kiểm sát chung thời gian qua cho thấy:

Về chức năng kiểm sát hành vi, các cơ quan chức năng về kiểm tra, thanh tra vừa qua chỉ kiểm tra, thanh tra có tính chất hành chính, bó hẹp trong nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước, chưa thể bao quát hết được các lĩnh vực, hơn nữa, thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng không phải là cơ quan giám sát có tính quyền lực từ bên ngoài vào như hoạt động giám sát của Quốc hội hay hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân theo sự ủy quyền của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất nên hiệu quả còn rất khiêm tốn.

Về chức năng kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, trước đây do ngành Kiểm sát thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp kiểm sát, đem lại hiệu quả rõ nét. Từ năm 2002 đến nay, nhiệm vụ rà soát, kiểm tra văn bản pháp quy do cơ quan tư pháp đảm nhiệm thì như Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 55/2005/QH11 của Ủy ban pháp luật (Quốc hội) ngày 15/10/2009 đã đánh giá: “Vẫn còn xảy ra tình trạng văn bản quy định chi tiết trái Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh hoặc Luật đã sửa đổi, bổ sung nhưng việc kiểm tra, xử lý chưa làm được nhiều”.

Trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, một lĩnh vực trước đây công tác kiểm sát chung của Viện kiểm sát thực hiện rất hiệu quả song đến nay cũng chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Như vậy, có thể thấy rằng việc bỏ chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân đã thực sự tạo ra khoảng trống trong hoạt động kiểm soát quyền lực vì không có cơ quan nhà nước nào được chỉ định thay thế chức năng của Viện kiểm sát. Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã thiếu đi một “chỗ dựa” quan trọng trong bảo đảm pháp chế thống nhất; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mà trước hết là tội phạm tham nhũng đã mất đi một công cụ và nguồn thông tin đáng tin cậy; giám sát sự tuân thủ pháp luật trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ và các địa phương trong các lĩnh vực quản lý - hành chính chưa chặt chẽ.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới- giai đoạn đẩy mạnh tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Một trong những yêu cầu quan trọng của xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp được đề ra trong các văn kiện gần đây nhất của Đảng là tăng cường các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi Điều 112 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo hướng, ngoài chức năng nhiệm vụ như hiện nay, cần bổ sung quy định Viện kiểm sát Nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội ( kiểm sát chung).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast