Đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng của nhân dân tỉnh nhà

Kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết số 38/2012/QH 13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII đề ra, tính đến ngày 30/2, toàn tỉnh có trên 150.000 lượt cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tiếp tục triển khai lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức: gửi phiếu xin ý kiến đến hộ gia đình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên thực hiện nhằm tạo sự nhất trí cao trong toàn xã hội.

Thành viên Ban chỉ đạo phường Đại Nài nhận tài liệu góp ý tử Tổ giúp việc thành phố Hà Tĩnh
Thành viên Ban chỉ đạo phường Đại Nài nhận tài liệu góp ý tử Tổ giúp việc thành phố Hà Tĩnh

Trên cơ sở “bộ máy” BCĐ và tổ giúp việc các cấp đã vận hành thông suốt, thống nhất trong thời gian qua, BCĐ tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn. Theo kế hoạch, việc tổng hợp phiếu xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được các huyện, thị xã, thành phố báo cáo lên BCĐ tỉnh trước ngày 25/5.

Nhanh chóng triển khai kế hoạch của BCĐ tỉnh, BCĐ các huyện, thị, thành phố đã kịp thời ban hành kế hoạch và quán triệt triển khai cho BCĐ các xã, phường tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến hộ dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng của nhân dân toàn tỉnh.

Kết quả, đến trước ngày 30/4, gần 256.000 bộ tài liệu và 350.000 phiếu lấy ý kiến đã được cấp phát đến tất cả các hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung, hầu hết người dân đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tranh thủ thời gian nghiên cứu và có ý kiến đóng góp chất lượng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đến thời điểm này, các thôn xóm trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản tổng hợp xong ý kiến hộ gia đình gửi về xã, thị trấn.

Ban chỉ đạo phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) và cán bộ Tổ dân phố đi phát phiếu và hướng dẫn cho bà con nhân dân góp ý
Ban chỉ đạo phường Bắc Hồng (TX Hồng Lĩnh) và cán bộ Tổ dân phố đi phát phiếu và hướng dẫn cho bà con nhân dân góp ý

Có thể nói, một trong những yếu tố quyết định thành công của việc tổ chức lấy ý kiến hộ dân là BCĐ các cấp, ngành đã đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời chuyển tải các chủ trương, nội dung của Đảng, Nhà nước trong việc xin ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bản tin, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của các cấp, ngành đã đăng tải, cập nhật kịp thời các nội dung Công văn số 250/UBDTSĐHP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Bên cạnh đó, Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH tỉnh, Đài TT-TH 12 huyện, thành phố, thị xã và hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phản ảnh kịp thời các hoạt động, nội dung thực hiện lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hoạt động thông tin, tuyên truyền đảm bảo mọi người dân trong tỉnh đều nắm bắt, nhận thức đúng về tầm quan trọng các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cũng đã phối hợp chặt chẽ và trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích rõ những nội dung cơ bản dự thảo thông qua các cuộc họp để từng hộ gia đình nắm bắt cụ thể nội dung cần tham gia và quyết định ý kiến tham gia của mình, đảm bảo yêu cầu về chất lượng tránh tình trạng thực hiện hình thức.

BCĐ tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra nhằm đảm bảo tính thống nhất cao, hiệu quả đích thực. Trong thời gian qua, BCĐ tỉnh đã thành lập 6 đoàn công tác đi thực tế kiểm tra tại một số xã, phường, thị trấn và làm việc với BCĐ các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện và tiếp nhận, trao đổi, giải thích về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Qua công tác kiểm tra, BCĐ tỉnh đã kịp thời chấn chỉnh những hạn chế của các địa phương trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, góp phần đưa đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng này đạt chất lượng cao nhất.

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tiếp tục tiến hành đến ngày 30/9/2013. Với sự chỉ đạo quyết liệt và cách làm sáng tạo, sát với thực tế tình hình của BCĐ các cấp, chắc chắn rằng, công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của tỉnh ta sẽ đảm bảo tiến độ, đạt hiệu quả, chất lượng cao.

Ông Thiều Đình Duy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ tỉnh:

Muốn xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, phải xây dựng được một Hiến pháp thực sự dân chủ, nhân dân phải được đảm bảo quyền lập hiến; đó cũng là lý do cơ bản mà Đảng, Quốc hội và Nhà nước chủ trương sửa đổi Hiến pháp và tổ chức lấy ý kiến mọi tầng lớp nhân dân tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Thời gian qua, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn toàn tỉnh đã được tiến hành chu đáo, khẩn trương và theo đúng kế hoạch. Việc tiếp tục tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng phiếu xin ý kiến hộ dân, nhân dân sẽ có điều kiện tiếp cận với các nội dung và trực tiếp thể hiện chính kiến của mình vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Mọi ý kiến tham gia của nhân dân sẽ được các cấp chính quyền (xã, huyện, tỉnh) tổng hợp một cách trung thực, chính xác để gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau đó sẽ được đưa ra Quốc hội quyết định.

Bà Phan Thị Hồng Yến - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vũ Quang:

Việc tổ chức lấy ý kiến hộ dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện được ý chí, nguyện vọng, sự chủ động đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, phát huy cao nhất ý chí, tâm huyết của toàn dân đối với quá trình sửa đổi Hiến pháp. Để tạo điều kiện cho nhân dân phát huy trí tuệ, quyền dân chủ của mình tham gia xây dựng Hiến pháp, huyện Vũ Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, tổ chức các hội nghị khu phố để triển khai nội dung báo cáo, thuyết minh về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đến 100% hộ dân trên địa bàn. Đến nay, 100% thôn, xóm đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai phát tài liệu hướng dẫn, BCĐ các xã, thị trấn đang tổ chức tiếp nhận, tổng hợp phiếu xin ý kiến để BCĐ huyện báo cáo lên BCĐ tỉnh trước ngày 20/5.

Bà Đinh Xuân Hảo - Trưởng phòng Tư pháp thành phố, Tổ trưởng Tổ giúp việc TP Hà Tĩnh:

Để đạt được mục đích và kết quả mong muốn, việc triển khai và tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở cơ sở phải được cấp ủy và chính quyền các cấp chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, khoa học và có trách nhiệm. Cần phải phổ biến, hướng dẫn và giúp cho nhân dân hiểu được chủ trương sửa đổi Hiến pháp, nắm được cơ bản nội dung, ý nghĩa Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình thì người dân mới thực sự nhiệt tình tham gia ý kiến. Đặc biệt, phải tuyệt đối tránh tình trạng tỉnh “khoán” cho huyện, huyện “khoán” cho xã, xã “khoán” cho thôn, xóm... Các cấp chính quyền, đoàn thể cần phải có các giải pháp hữu hiệu để cho đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng lớn và quan trọng này đảm bảo đúng thực chất, tránh lãng phí, tốn kém tiền của, thời gian và công sức của nhân dân.

Ông Lê Vĩnh Hà - xóm Trung Lân, phường Thạch Quý:

Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào Dư thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bằng phiếu góp ý của các hộ dân, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và hưởng ứng cao vì đã có bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi. Việc phát bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho từng hộ dân đã thể hiện tính dân chủ, người dân cảm thấy vui khi được thể hiện quyền và trách nhiệm của mình để góp ý xây dựng Hiến pháp. Mặt khác, qua đây, người dân chúng tôi có thêm cơ hội nghiên cứu về Hiến pháp, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết về Hiến pháp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast