Hóa giải bất cập về thời hạn giao đất cho nông dân

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định thời hạn giao đất nông nghiệp là 50 năm sẽ khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất đai và yên tâm đầu tư sản xuất. Thế nhưng, qua gần 2 thập kỷ thực hiện giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất đã và đang nảy sinh bất cập khi nhiều hộ gia đình có nhu cầu và dư sức lao động thì thiếu đất sản xuất, trong khi những hộ khác thì để đất bỏ hoang hoặc cho người khác thuê mướn.

Ghi nhận nhiều ý kiến thắc mắc của bà con nông dân, chúng tôi về xã Kim Lộc (Can Lộc) để tìm hiểu. Chị Nguyễn Thị Mai (thôn 4) cho biết: “Nhà em có 5 khẩu mà chỉ được 1 suất ruộng của bố, vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền để nuôi con ăn học và mưu cầu cuộc sống. Người có dư sức khỏe thì không có ruộng để làm mà người già hết sức lao động thì thừa ruộng cho thuê mướn hoặc bán cho người khác”.

Sau 30 năm nữa sẽ hình thành 2 thế hệ nông dân đi tìm kiếm việc làm, thuê ruộng của người già và những người đã mất
Sau 30 năm nữa sẽ hình thành 2 thế hệ nông dân đi tìm kiếm việc làm, thuê ruộng của người già và những người đã mất

Gia đình anh Nguyễn Như Trí (thôn 4) có 4 con đang độ tuổi ăn học từ lớp 1 đến lớp 10, cả nhà 6 miệng ăn chỉ có 1,5 sào ruộng theo tiêu chuẩn của anh được chia năm 1994. Năm 2000, vợ chồng anh phải bỏ ra gần 1 triệu đồng để thuê mướn 2 sào ruộng của ông Lê Văn Hòa và ông Lê Huy Thể cùng thôn. Lúc các con còn nhỏ, từng ấy sào ruộng cũng tạm đủ ăn, nhưng con cái ngày một lớn, ăn uống chi tiêu ngày một nhiều, đất vườn không có, buộc anh chị phải thuê thêm 3 sào 5 thước của gia đình ông Nghị, chị Liên và bà Hồng trong xóm để sản xuất kiếm sống.

Không chỉ chị Mai, anh Trí, mà ở thôn 4 của Kim Lộc đã có trên 40/129 hộ thiếu ruộng sản xuất. Việc nông dân buộc phải thuê ruộng của người khác để làm, theo người dân không những hạn chế họ trong việc chủ động đầu tư thâm canh, mua sắm công cụ sản xuất... mà còn là sự bất công về hưởng lợi đất đai.

Ông Lê Hữu Dung - Thôn trưởng thôn 4 cho biết, ở thôn ông hiện có nhiều hộ dư thừa đất, đang tiến hành cho thuê theo kiểu “phát canh thu tô” trước đây. Nhà chị Hoa là giáo viên THCS đã nghỉ hưu nhiều năm rồi mà vẫn có 5 suất ruộng của chồng và con cái đã thoát ly để lại. Ví như ông Bảy, bà Tỉu, đã gần 70 tuổi mà có 7 suất, ông bà Thái có 4 suất đều cho làm thuê. Một mình bà Hồng hưu trí mà vẫn có 8 suất ruộng với tổng diện tích 5.500m2. Năm 2010, bà được xã đền bù 49.600.000 đồng trên thửa ruộng có diện tích 1.599,8m2 khi xã cần lấy đất để xây dựng trụ sở mới. Hiện nay, bà vẫn còn 5 suất đất cho thuê.

Hà Tĩnh là một tỉnh thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào củ khoai, hạt lúa. Đất đai đối với họ là tài sản quý giá nhất gắn bó với đời sống hàng ngày từ đời này qua đời khác – Sống cũng nhờ đất và chết cũng về với đất. Bởi vậy, việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp đã mở hướng cho người nông dân tự chủ trên đồng ruộng của mình, đầu tư sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng hiệu quả kinh tế nhưng mặt trái của nó là người lập gia đình, sinh con và người sinh ra từ năm 1993 lại nay thì không có đất sản xuất. Trong khi đó có nhiều người trong số hộ được cấp đất nay đã mất sức lao động, quá cố hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống thì để đất bỏ hoang hoặc cho thuê mướn theo hình thức “phát canh thu tô”.

Phải thừa nhận mặt tích cực của giao quyền cho nông dân sử dụng đất nông nghiệp là điều không ai phủ nhận. Thế nhưng, khi Luật Đất đai sửa đổi cũng phải cần có thêm nội dung gắn với quyền lợi của nông dân, đảm bảo sự công bằng hoặc có chính sách nhằm điều chỉnh kịp thời giúp nông dân có ruộng.

Ông Bùi Đức Hạnh - Bí thư Huyện ủy Can Lộc đề nghị: “Kết thúc chu kỳ 20 năm, chúng ta cần phải điều chỉnh lại ruộng đất làm sao cho những người sinh sau này được cấp đất để sản xuất, những người chết, người thoát ly, hoặc chuyển đi không ở nông thôn nữa mà không có nhu cầu sử dụng đất thì phải rút của họ lại để bù cho người chưa có đất mà cần đất sản xuất”.

Ông Võ Công Hàm – Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ nêu rõ: “Cùng với thời điểm, bình quân như Đức Thọ có 1.150 cháu ra đời, sau 18 năm đã có gần 2 vạn người, 2 vạn người này không có đất, nếu không có cơ chế, chính sách mới thì không thể tích tụ ruộng đất về tay người làm ăn giỏi và hộ có lao động, có nhu cầu sử dụng đất thì không có đất sản xuất. Mặt khác, khi chúng ta vận hành để giải quyết chính sách xã hội, đặc biệt là quy hoạch giao đất, cho đất công ích phúc lợi xã hội. Hiện nay, một số địa phương cần đất để quy hoạch xây dựng NTM cho các công trình phúc lợi như sân vận động, trung tâm văn hóa xã, thôn xóm, cộng đồng thì không có. Nhà nước nên điều chỉnh 5 năm 1 lần hay luôn điều chỉnh biến động thu hồi đất của những hộ giảm lao động và cố định suất giao cho lao động”.

Đất sản xuất là vấn đề sống còn của nông dân. Với họ có ruộng là có tất cả và ngược lại mất ruộng là mất hết nghề nghiệp, của cải và tương lai con cái. Thời hạn giao đất nông nghiệp là 50 năm mà Nhà nước không có quy định cụ thể để điều chỉnh đất cho nông dân thì sau 30 năm nữa sẽ hình thành 2 thế hệ nông dân đi tìm kiếm việc làm, thuê ruộng của người già và những người đã mất.

Hy vọng kết thúc thời hạn giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Đất đai sửa đổi sẽ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Có như vậy, những người nông dân ân tình với đất như chị Mai, anh Trí, chị Bình và bao người nông dân ở nhiều vùng quê khác mới có cơ hội đổi đời khi có đất sản xuất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast