Không có quân đội phi giai cấp, độc lập, đứng ngoài chính trị.

Gần đây, một số người lợi dụng việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tung hỏa mù về lý luận, phi chính trị hóa, trung lập hóa nhằm vô hiệu hóa lực lượng vũ trang, để đạt mục đích cuối cùng là lật đổ chính quyền cách mạng.

Thực tế chỉ ra rằng, trên thế giới này không có một quân đội nào độc lập, đứng ngoài chính trị. Ngay cả ở nước Mỹ, đảng nào thắng cử có quyền lập chính phủ, chỉ định bộ trưởng quốc phòng, nắm quân đội để phục vụ cho lợi ích chính trị của đảng đó. Vì thế, không thể (và không hề có) một thứ quân đội chung chung, phi giai cấp, phi bản chất chính trị như người ta tưởng. Clao dê vít – một nhà lý luận quân sự, một dũng tướng của nước Phổ đã từng khẳng định: “ Chiến tranh là sự kế tục của chính trị”

Quân đội Nhân dân Việt Nam
Quân đội Nhân dân Việt Nam

Quân đội nhân dân Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định là quân đội của nhân dân, chiến đấu vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng và Bác Hồ thành lập ra quân đội cách mạng non trẻ ngày 22/12/1944, trước khi có chính quyền nhà nước gần một năm. Và trong sắc lệnh ghi rõ: thành lập quân đội là theo sự lựa chọn của đoàn thể. Mà đoàn thể lúc bấy giờ chính là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bản chất chính trị của quân đội ta biểu hiện tập trung ở lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cốt lõi của nó là sự trung thành tuyện đối với Đảng, với nhân dân. Bác Hồ đã giáo dục và khẳng định quân đội ta “ Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó là lý tưởng, lẽ sống , động cơ chiến đấu, lương tâm, trách nhiệm và truyền thống vẻ vang của quân đội cách mạng.

Thực tiển gần bảy thập kỷ chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng và Bác Hồ, được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, tin yêu, lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân ta đã làm tròn sứ mạng là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng đất nước và bảo vệ tổ quốc. Biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta không ngừng phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp, xây đắp nên truyền thống vẻ vang đó. Chỉ có Đảng ta chứ không thể ai khác, là người có công thành lập, rèn luện, chỉ đạo quân đội liện tục giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh bại hết kẻ thù này sang kẻ thù khác.

Cũng chính vì thế mà bản chất quân đội ta ngay khi thành lập cũng là bản chất giai cấp công nhân. Trong hệ thống tổ chức chỉ huy từ cấp đại đội lên đến cấp tiểu đoàn có Chính trị viên phụ trách về chính trị; từ cấp trung đoàn trở lên có Chính ủy. Do yêu cầu của từng thời kỳ tên gọi có lúc khác nhau (chính ủy, chính trị viên, phó chỉ huy về chính trị, rồi trở lại chính ủy) nhưng bản chất không hề thay đổi. Chính ủy (chính trị viên) là những sỹ quan ưu tú, những đảng viên tiêu biểu, là linh hồn lãnh đạo của đơn vị.

Những người đề xuất (hoặc lớn tiếng rêu rao) phi chính trị hóa quân đội là hòng biến lực lượng vũ trang thành một đội quân chiến đấu không có mục tiêu, mù quáng về lý tưởng, một kiểu “Rô bốt vũ lực”, hoặc theo kiểu “Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy” hết sức nguy hiểm.

Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện những âm mưu mới, tham vọng mới của các thế lực hiếu chiến, thù địch. Cục diện hòa bình, hợp tác để phát triển vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc vẫn diễn ra gay gắt, quyết liệt. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ chống phá ta quyết liệt trên mọi lĩnh vực với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt hơn, trước hết là chống phá nền tảng tư tưởng, cương lĩnh và đường lối của Đảng, hạ thấp vai trò, vị trí của Đảng, hòng làm cho chúng ta đi chệnh hướng con đường xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, tôi hoàn toàn tán thành đưa cụm từ “với Đảng Cộng sản Việt Nam” và “ bảo vệ Đảng” vào Điều 70 – Chương IV Bảo vệ Tổ quốc của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thành một thể hoàn chỉnh là: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chũ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”

Đây là một nguyên tắc cơ bản, là bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng quân đội cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân. Từ đó giáo dục, nâng cao chất lượng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, không mơ hồ mất cảnh giác, kịp thời ngăn chặn đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; bảo đảm trong mọi tình huống, quân đội luôn luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong một thế giới đầy rẫy sự tranh chấp quyền lực, âm mưu chính trị, quân đội luôn luôn là đối tượng để các thế lực chính trị tranh thủ, lôi kéo, làm công cụ giúp họ giành giật chính quyền. Thay đổi bản chất quân đội trong Hiến pháp là kiểu “đảo chính mềm”, “diễn biến hòa bình”. Từ thay đổi Hiến pháp sang thay đổi chế độ chỉ là một khoảng cách ngắn trong ý đồ của những kẻ đầu cơ về chính trị, nhắc nhở chúng ta nên đề cao cảnh giác!

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast