Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sâu rộng, dân chủ, công khai

Chiều nay (13/5), Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo (BCĐ) tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Thị Kim Hoa dẫn đầu đã về kiểm tra tình hình ở huyện Nghi Xuân.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo huyện Nghi Xuân, đến thời điểm này, các cơ quan, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang, các xã, thị trấn, các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ, công chức, nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 13.000 người tham gia.

Thông qua các hội nghị có 10.257 lượt ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý, trong đó có 7.138 lượt ý kiến đóng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và có 3.119 lượt ý kiến đóng góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Thị Kim Hoa: "Phát huy vai trò trách nhiệm các tổ chức chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách khoa học, dân chủ, sâu rộng và công khai"

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Thị Kim Hoa: "Phát huy vai trò trách nhiệm các tổ chức chính trị, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách khoa học, dân chủ, sâu rộng và công khai"

Đa số các ý kiến góp đều đồng tình với các nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đồng thời cho rằng, Dự thảo đã phản ánh những nguyên tắc cơ bản, nền tảng về chủ quyền nhân dân gắn với tính thượng tôn Hiến pháp, về tổ chức quyền lực nhà nước, về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vừa phản ánh được sự tiến gần đến các giá trị chung của nhân loại về Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, vừa thể hiện tính kế thừa với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị phản ánh đặc thù chính trị - pháp lý của Hiến pháp thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thực hiện ý kiến của Ban chỉ đạo tỉnh về việc triển khai kế hoạch lấy ý kiến đóng góp của nhân dân thông qua phiếu xin ý kiến, đến nay, 100% các thôn xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã cung cấp tài liệu phục vụ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và phiếu xin ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho nhân dân; một số thôn xóm, tổ dân phố đã tiếp nhận và tổng hợp ý kiến từ phiếu xin ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu tham gia đánh giá cao những nỗ lực của huyện Nghi Xuân trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai lấy ý kiến của nhân dân về nội dung Dự thảo hiến pháp sửa đổi năm 1992. Nhờ đó, quá trình lấy ý kiến được diễn ra một cách dân chủ, công khai, phản ánh được vai trò trách nhiệm của mỗi công dân.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Trần Thị Kim Hoa đánh giá cao sự nỗ lực của BCĐ huyện Nghi Xuân trong việc triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức lấy ý kiến của người dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng thời cho rằng đây là một đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thể hiện bản chất của nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị BCĐ huyện Nghi Xuân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, gợi ý các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp các nội dung dự thảo sâu rộng, khoa học, dân chủ, công khai và đúng mục đích...

Trước đó, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra thực tế công tác tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại thị trấn Nghi Xuân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast