Thị xã Hồng Lĩnh sôi nổi góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Những ngày này, ở mỗi địa bàn dân cư, mỗi tổ dân phố trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh người dân đang tích cực nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến của mình, của gia đình qua phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ban chỉ đạo phường và cán bộ Tổ dân phố đi phát phiếu và hướng dẫn cho bà con nhân dân góp ý
Ban chỉ đạo phường và cán bộ Tổ dân phố đi phát phiếu và hướng dẫn cho bà con nhân dân góp ý

Là một cán bộ cao cấp của quân đội về nghỉ hưu trên địa bàn, với ông Phạm Xuân Đàn - Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận Tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng thì những thông tin liên quan đến góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không phải bây giờ ông mới được biết. Ngay từ khi TW triển khai, mỗi khi có thời gian rảnh rỗi ông và các đồng chí trong Ban cán sự Tổ dân phố đều cùng nhau bàn bạc, thảo luận thông qua đó, để cùng nhau cập nhật thông tin, nghiên cứu văn bản một cách chi tiết.

Chính vì vậy, ở Tổ dân phố 8 đã có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được ông và người dân trong Tổ dân phố gửi đến Ban chỉ đạo của phường và Thị xã. Và việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi hiến pháp đến tận hộ gia đình là dịp để những người dân như ông được bày tỏ quan điểm, đóng góp trí tuệ để hoàn thiện đạo luật gốc và cơ bản nhất của đất nước.

Ông Phạm Xuân Đàn ở tổ 8, phường Bắc Hồng đang nghiên cứu để đóng góp ý kiến
Ông Phạm Xuân Đàn ở tổ 8, phường Bắc Hồng đang nghiên cứu để đóng góp ý kiến

Ông Đàn bày tỏ: . Trong điều 4, ông đồng tình với quan điểm về dự thảo góp ý kiến nhưng ông có ý kiến bỏ từ “đồng thời” trong cụm từ "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam". Cũng trong điều 4, phải thêm từ "Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước".

Với ông Thái Thặng ở Tổ dân phố 2, phường Nam Hồng thì cuốn tài liệu phục vụ lấy ý kiến hộ gia đình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với 124 điều, 11 chương đã được ông đọc và nghiên cứu kỹ càng. Cơ bản đồng tình với bố cục, sắp xếp của văn bản Hiến pháp, tuy nhiên ông cũng có đóng góp điều 15 chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Ở mục 2 về quyền con người, quyền công dân có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng, theo ông nên bỏ từ "đạo đức".

Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tạo được bầu không khí sinh hoạt dân chủ, phát huy được quyền làm chủ của người dân. Trên cơ sở kế hoạch của Ban chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh, các địa phương cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện, phân công cán bộ phụ trách, cùng phối hợp với các khối, xóm, tổ dân cư phát tài liệu về các hộ dân.

Nhân dân phường Bắc Hồng nghe cán bộ Ban chỉ đạo hướng dẫn việc đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Nhân dân phường Bắc Hồng nghe cán bộ Ban chỉ đạo hướng dẫn việc đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Bà Phan Thị Hồng Xoan – Phó Chủ tịch thường trực HĐND thị xã, Phó Ban chỉ đạo lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Căn cứ vào tình hình cụ thể của các phường, xã trong đợt này tổng số tài liệu phát ra gồm có: 10.700 phiếu xin ý kiến bằng 106,5% hộ dân, 9.000 cuốn sách bằng 89,55% số hộ dân.

Ban chỉ đạo Thị xã và các phường xã trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng tổ chức thực hiện phải đảm bảo chặt chẽ và nghiêm túc, tất cả mọi người dân trên địa bàn đều tham gia góp ý kiến và Dự thảo. Nhiều địa phương có cách làm hay nên đã tạo được không khí dân chủ trong nhân dân.

Đợt triển khai lấy ý kiến nhân dân qua phiếu xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ở thị xã Hồng Lĩnh được triển khai một cách sâu rộng, dân chủ khoa học, công khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, mang tính xây dựng; đều mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, định hướng XHCN, cải cách bộ máy Nhà nước, mở rộng quyền con người... Các ý kiến đóng góp phải được các Tổ dân phố, Ban chỉ đạo các phường, xã tập hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, trung thực.

Thị xã Hồng Lĩnh phấn đấu hoàn thành việc lấy ý kiến của người dân trên địa bàn vào cuối tháng 5/2013 để tổng hợp báo cáo về Ban chỉ đạo tỉnh./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast