Bà mẹ nước Nga

Mẹ Nhina năm nay đã ngoài 70. Cuối năm 2012, từ xứ sở bạch dương xa xăm, một mình mẹ lặn lội vượt hơn một vạn cây số đến Việt Nam để tìm lại những đứa con xa cách gần 30 năm...

Năm 1982, từ một miền đất nghèo khổ, đầy nắng gió vừa mới trải qua mưa bom bão đạn của cuộc chiến tranh, những thanh niên Việt Nam là con của thương binh, liệt sĩ, mồ côi hay con của những gia đình có hoàn cảnh khó khăn được sang Liên Xô học tập và làm việc theo hiệp định giữa 2 nhà nước Liên Xô - Việt Nam.

Cái lạnh mùa đông của Nga và nỗi nhớ quê hương, đất nước, nỗi cô đơn không có người thân bên cạnh, sự bất đồng ngôn ngữ... tất cả những khó khăn, trở ngại ấy đã được những người bạn Liên Xô hết lòng giúp đỡ. Arekhôvơ là một trong số hàng ngàn xí nghiệp của Liên Xô thời bấy giờ tiếp nhận lao động trẻ Việt Nam.

Toàn đội có trên 30 người đều quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh và được chia làm 3 tổ. Tổ thuộc phân xưởng sợi, tổ thuộc phân xưởng dệt và tổ thuộc phân xưởng bông. Tổ sợi do cô Nhina Alechceva phụ trách.

Tổ sợi do cô Nhina Alechceva phụ trách
Tổ sợi do cô Nhina Alechceva phụ trách

Cô là người Xiberi, một vùng lạnh giá của Liên Xô. Tuy cô đã ngoài 30 nhưng với làn da trắng như tuyết, mái tóc vàng óng ả, cặp mắt màu xanh ngọc, đôi môi mọng đỏ và nụ cười xinh tươi đã làm cho không biết bao nhiêu chàng trai phải xiêu lòng. Trong số những người bạn thân quen, có một anh chàng phi công đẹp trai tên là Ivanốp đã lọt vào mắt xanh của cô. Hai người đã cùng thề non, hẹn biển, chỉ chờ ngày đơm hoa, kết trái. Mối tình đẹp tựa trăng rằm đó sẽ sáng mãi nếu không có một tình yêu khác lớn hơn tình yêu đôi lứa đã khiến cô thay đổi.

Nhina đến Matxcơva rồi được phân vào phân xưởng sợi phụ trách một đội nữ gồm 12 em người Việt. Cứ chiều thứ bảy và ngày chủ nhật, cô gọi tất cả các em đến nhà mình vui chơi, cùng ăn cơm để được nghe các em kể chuyện về Việt Nam. Căn hộ nơi cô ở chỉ rộng chừng 30m2 nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười. Các em kể cho cô nghe về đất nước, về con người, về hoàn cảnh gia đình mình ở Việt Nam.

Một hôm, nghe kể về em Nguyễn Thị Bích Thảo khi chưa đầy 1 tuổi đã phải về sống nương tựa vào ông bà ngoài 80 tuổi thì cô ôm chầm lấy em và nước mắt giàn giụa. Ngoài Thảo ra, nhiều em cũng có những hoàn cảnh éo le làm cho cô Nhina không sao cầm nổi nước mắt. Giây phút lặng im trôi qua và cô bảo: Cho cô được làm mẹ của tất cả các con! Môi cô run run, cô nói bằng giọng Việt Nam lơ lớ nhưng các em hiểu rằng cô đang quá xúc động. Không ai nói một lời nào, tất cả chỉ biết vòng tay ôm mẹ vào lòng!

Cuộc đời của Nhina từ đó bắt đầu bước sang trang mới. Cô quyết định không lấy chồng để dành hết tất cả tình cảm cho các con yêu quý. Suốt cả đêm hôm đó, cô thao thức không sao ngủ được và cô cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Vetrnơ buđu vasheu matcheri” (mẹ sẽ là của các con mãi mãi).

Từ đây, 12 cô gái Việt Nam đã có được một người mẹ Nga chăm sóc, che chở. Ở Nghệ An có 7 em, đó là Bình, Minh, Oanh, Hương, Thủy, Thịnh, Hải; Hà Tĩnh có 5 em là Lan, Hòa, Hiền, Dung, Thảo. Trong phân xưởng dệt, các em được mẹ dạy cho cách vận hành máy, cách nối sợi như thế nào là nhanh nhất và khỏi bị rối; về nhà, mẹ hướng dẫn cách nấu các món ăn Nga.

Những ngày nghỉ lễ, mẹ đưa các con vào rừng dạo chơi và hái dâu chín về ngâm với đường làm nước giải khát. Ai ốm đau, mẹ thức thâu đêm không ngủ, chờ đến sáng để đưa con vào viện. Mẹ nói với các bác sĩ và y tá rằng: “Đó không những là con của mẹ mà các em còn được sinh ra ở một dân tộc anh hùng. Các em đáng được nhận sự yêu thương, chở che, đùm bọc của chúng ta!”. Lúc về nhà, mẹ vùi đầu vào bếp tự nấu nướng rồi bón vào miệng cho con. Có những em bị ngã do tuyết trơn, đầu gối bị nhiễm trùng, sưng lên, mùi tanh nồng nặc, mẹ tự tay băng bó, tra thuốc vào vết thương cho con. Có lần, em Phạm Thị Hiền quê Đức Thọ vô ý bị máy sợi làm đứt một ngón tay, mẹ đã bỏ ăn và ôm lấy con mình khóc suốt mấy ngày đêm…

Những đêm đông giá lạnh -20oC, mẹ đưa tất cả các con về nhà để được sưởi ấm bằng lò sưởi. Mẹ tìm đến các cửa hàng “còm” - cửa hàng chuyên bán đồ cũ, mua những áo ấm mà họ cho là lỗi mốt để đem về cho các con mặc qua những ngày đông tháng giá. Những buổi tối thứ bảy, mẹ dẫn các con đi xem xiếc ở Nhà Hát Lớn, xem ca múa nhạc do các nghệ sĩ Liên Xô biểu diễn. Tuy bất đồng về ngôn ngữ nhưng dần dần các em hiểu và cảm nhận được nghệ thuật Nga. Mẹ vẫn kiên trì dạy cho các em biết nhiều về tiếng Nga và biết hát những bài hát Nga truyền thống. Mẹ luôn tự hào và nói với các bạn Nga của mẹ rằng, mẹ là người hạnh phúc nhất vì mẹ có nhiều con.

Mẹ là người thông minh, nhiệt tình, năng động và sáng tạo trong công việc, một tâm hồn cao thượng, biết sẻ chia với tất cả mọi người trong cuộc sống. Mẹ sẵn lòng giúp đỡ những ai gặp hoàn cảnh khó khăn nên được Nhà nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Mẹ là đại biểu đại diện cho toàn thể công nhân toàn Liên bang Xô viết đi dự đại hội.

Cuối năm 1985, các con của mẹ đến hạn phải trở về Việt Nam. Biết được tin này, mẹ nghẹn ngào không nói nên lời. Mẹ đã khóc suốt cả tuần trước khi các con mẹ đáp máy bay về nước.

Tôi có dịp gặp lại một trong số các con của mẹ là Lan. Lan khoe với tôi những kỉ vật mẹ Nhina tặng cho các em lúc chia tay. Tôi ngỡ ngàng nhìn chiếc môi múc canh, chiếc tạp dề còn mang nhãn hiệu CCCP. Tôi ngạc nhiên hỏi: Sao mẹ lại tặng cho các em những thứ đó? Lan bảo rằng: Mẹ muốn các con mỗi lần khoác tạp dề vào bếp nấu ăn, mỗi lần cầm môi lên chan canh vào bát cơm là nhớ về mẹ. Ôi, tình mẫu tử thiêng liêng, sâu đậm biết nhường nào!

Cuộc biệt ly giữa mẹ Nga và 12 người con của mẹ tại sân bay Sheremechevo (Matxcơva) đã làm xúc động nhiều người dân Liên Xô thời ấy. Mẹ vẫn mong có ngày được sang Việt Nam thăm các con. Các con về rồi để lại cho mẹ sự cô đơn, trống vắng, nỗi buồn da diết khôn nguôi trong những mùa đông Nga lạnh giá. Mẹ chỉ biết đêm đêm ôm chặt vào lòng những kỉ vật của các con mình để lại như cái khăn, chiếc áo cũ đã sờn vai nhưng có mùi mồ hôi của con mẹ.

Niềm vui ngày gặp lại (mẹ Nhina mặc áo màu sáng)
Niềm vui ngày gặp lại (mẹ Nhina mặc áo màu sáng)

Sau khi Liên Xô sụp đổ, đất nước bước vào thời kì chuyển giao, Nhina chuyển sang công việc khác. Mẹ phải đi trông trẻ ở cô nhi viện để nuôi sống bản thân. Dù tuổi cao, sức yếu, đồng lương ít ỏi nhưng mẹ vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó được sang Việt Nam để tìm lại những đứa con của mình. Hiểu được nỗi khát khao cháy bỏng của người dì ruột, 2 đứa cháu đã tài trợ vé máy bay và đưa dì sang Việt Nam. Biết được tin vui, các con của mẹ đã ra tận sân bay Nội Bài đón mẹ.

Một sáng mùa đông Việt Nam, khi mẹ Nhina vừa bước xuống sân bay Nội Bài, hàng chục bó hoa tươi thắm cùng với tình cảm chất chứa của gần 30 năm xa cách trào dâng. Mừng mừng, tủi tủi, mẹ con ôm chặt lấy nhau giàn giụa nước mắt.

Các con đón mẹ về TP Hà Tĩnh, tổ chức cuộc tái ngộ ở Khách sạn BMC sau gần 30 năm xa cách. Ông Nguyễn Xuân Tình - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga tỉnh Hà Tĩnh xúc động nói: “Mối tình giữa mẹ Nhina và các con ở Việt Nam không chỉ đơn thuần là tình cảm mẹ - con mà còn là tình cảm giữa 2 dân tộc Việt – Nga mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Sự có mặt của bà Nhina ở TP Hà Tĩnh không chỉ là sự hiện diện của một người phụ nữ Nga Xô viết một thời mà còn làm sống lại những kí ức tuổi trẻ của mẹ và con hơn 30 năm về trước: Liên Xô, nước Nga, Matxcơva một thời và mãi mãi. Giờ đây, giữa TP Hà Tĩnh, bên bờ sông Cày, sông Cụt, những đứa con đã là bà nội, bà ngoại, là chủ doanh nghiệp…, nhưng với mẹ Nhina, họ vẫn là những đứa con bé bỏng ngày nào.

Đến thăm từng nhà, thấy các con làm ăn khá giả, mẹ rất đỗi vui mừng, tự hào. Họ cùng với chồng, con và các cháu quấn quýt lấy mẹ Nhina không muốn rời. Các con tặng cho mẹ rất nhiều quà và muốn mẹ ở lại Việt Nam thật lâu để thỏa lòng mong nhớ.

Bằng chất giọng Nga đôn hậu, bà Nhina nói: “Các con đừng vì mẹ mà ảnh hưởng đến công việc và tốn kém tiền bạc!”. Mẹ vẫn như ngày xưa, chỉ biết chăm lo cho đàn con mà quên đi bản thân mình. Mẹ ơi! Dù mẹ ở xa chúng con nửa vòng trái đất, dù chúng ta là 2 dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, phong tục… nhưng chúng con vẫn cảm nhận như mẹ Nhina là mẹ đẻ của mình, nuôi lớn chúng con bằng chính tình yêu thương của mẹ!

Anh Nguyễn Quý Hùng, cán bộ hải quan Hà Tĩnh là con rể của mẹ, cũng là người phiên dịch cho mẹ suốt mấy ngày mẹ ở Việt Nam nói rằng: “Tôi đã từng đi nhiều nước, đã từng chứng kiến bao cuộc tiễn đưa, nhưng chưa thấy cuộc tiễn đưa nào lại sâu đậm tình người, tình mẹ con, tình dân tộc như tình cảm của mẹ Nhina với các con Việt Nam của mình”.

Trường THPT Phan Đình Phùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast