Bản quyền truyền hình World Cup 2014: Ai giỏi “võ” hơn?

Không giống như bản quyền truyền hình (BQTH) giải Ngoại hạng Anh (EPL) vốn đắt đỏ nhưng dễ bán, BQTH World Cup là miếng bánh rất khó nhằn cho các đơn vị trúng thầu từ FIFA. Dù vậy, khả năng NHM Việt Nam không được xem World Cup 2014 nhìn chung là rất nhỏ.

Theo các chuyên gia, khả năng để NHM Việt Nam không được thưởng thức World Cup là rất thấp...
Theo các chuyên gia, khả năng để NHM Việt Nam không được thưởng thức World Cup là rất thấp...

1. MP&Silva trúng gói thầu BQTH World Cup 2014 trên lãnh thổ Việt Nam từ FIFA với cái giá được cho là 7 triệu USD, nên họ bắt buộc phải bán bằng được cho các nhà đài, đặc biệt là VTV ở mức giá “có lãi”. Lời phát giá 10 triệu USD có thể chỉ là “nói thách” để rồi từ từ hạ xuống trong quá trình thương thảo.

Xét về tương quan các bên, MP&Silva mới là đơn vị “nắm dao đằng lưỡi” vì các nhà đài Việt Nam có thể không mua BQTH World Cup 2014 nhưng MP&Silva bắt buộc phải bán nếu họ không muốn mất trắng hàng triệu USD.

Suy cho cùng, không xem được trực tiếp World Cup 2014 hẳn là điều “khủng khiếp” với hàng vạn CĐV ở Việt Nam nhưng cũng chẳng có ai “chết” vì không xem các trận bóng ở Brazil. Ngược lại, một doanh nghiệp phải thua lỗ vài triệu USD với một phi vụ chắc chắn không phải là chuyện… “nhỏ như con thỏ”.

BQTH giải EPL dễ kinh doanh vì nó kéo dài đến 8 tháng/năm và đến tận 3 năm cho mỗi gói thầu. Điều đó có nghĩa, nếu không bán được lúc đầu mùa giải, đơn vị nắm BQTH giải EPL hiện nay ở thị trường Việt Nam là công ty IMG của Mỹ, có thể bán cho nhà đài nào đó khi giải đã đá được vài vòng, thậm chí nếu mùa 2013/2014 không ai mua thì vẫn còn 2 mùa tiếp theo để gỡ gạc. Đối với các nhà đài, khi mua BQTH giải EPL, họ dễ dàng lên phương án kinh doanh và bán quảng cáo.

BQTH World Cup 2014 lại khác, dù cực kỳ hấp dẫn nhưng nó chỉ kéo dài đúng 1 tháng. Ví von hình ảnh, giải EPL được ví như cái bánh chưng có thể để 2-3 tuần vẫn không hư nhưng WC lại là tô phở bò nóng hổi nếu không ăn ngay mà để sang ngày hôm sau thì chỉ còn nước đổ đi.

2. Điểm gút lại là MP&Silva bằng mọi cách sẽ bán được BQTH World Cup 2014 mà họ đang nắm giữ, nhưng vấn đề là họ bán được bao nhiêu. Đây là có thể coi là một cuộc đấu trí để thử xem độ lỳ của các bên mà lợi thế hiện nay, trên lý thuyết đang thuộc về phía các nhà đài Việt Nam.

Hạn chế duy nhất của các nhà đài là tính kèn cựa, thích làm việc theo kiểu “ăn mảnh” hòng mang lại lợi thế trước mắt cho mình. Đó chưa kể đến chuyện lợi ích cá nhân của “ai đó” sẽ dẫn đến những quyết định bất ngờ ở phút 90.

Nói chung, “bên nào cũng có võ” của mình để thi triển trên “sàn đấu” BQTH. Võ của các nhà đài Việt Nam dễ thấy còn võ của MP&Silva cực kỳ khó lường. Thứ nhất, MP&Silva sẽ chờ đợi khả năng một nhà đài nào đó xé lẻ những đối tượng cùng hội cùng thuyền đề ăn mảnh. Thứ hai, nếu khả năng này không xảy ra thì họ sẽ sử dụng “võ độc”.

Thương trường là chiến trường. Đừng bao giờ ngây thơ để nghĩ một Tập đoàn truyền thông quốc tế dày dạn kinh nghiệm như MP&Silva (Italia) lại ngồi im một chỗ để chịu cái chết từ từ giống như con ếch ngồi trong nồi nước lạnh được đun lửa bên dưới.

Điểm lại chuyện BQTH các giải đấu quốc tế như World Cup 2006 và 2010; EURO 2008 và 2012 hay giải EPL hàng chục mùa giải qua, NHM và báo chí đều thấy các nhà đài Việt Nam khi tranh chấp BQTH đều nói rất hay, luôn hứa hẹn ngồi lại với nhau “vì cái chung”, “vì người hâm mộ” nhưng rút cuộc vẫn tranh nhau mua, phá giá.

3. Một nhân sự cấp cao người Việt từng làm đại diện cho MP&Silva nhiều năm tại Việt Nam nhận định: “BQTH World Cup 2014 có thể khó bán nhưng sẽ có người mua. Khán giả Việt Nam yên tâm, họ sẽ được xem World Cup như thường”.

Được hỏi tại sao lại có nhận định “như đinh đóng cột” như vậy, vị này nói: “Đơn giản, nếu World Cup không được chiếu trên tivi, tất cả các bên đều thiệt hại”.

THÔNG TIN THÊM:

CAA Eleven, một công ty tiếp thị thể thao có trụ sở tại Thụy Sỹ đã được UEFA chỉ định là đại diện kinh doanh bản quyền phát sóng VCK EURO 2016 trên lãnh thổ Việt Nam. Do không thống nhất được chủ trương chỉ định 1 đầu mối nên một số đơn vị của Việt nam đã riêng rẽ tham gia đầu thầu để mua BQTH EURO 2015 hồi giữa tháng 7/2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đơn vị nào trúng thầu vẫn chưa được CAA Eleven công bố. Theo những thông tin hành lang, mức phá CAA Eleven “gợi ý” cho các nhà đài Việt Nam là 8 triệu USD.

Đăng Khoa

Nguồn: Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast