Báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ ở các di tích Thạch Lạc và Rú Điệp

(Baohatinh.vn) - Sáng 24/4, xã Thạch Lạc (Thạch Hà), cơ quan khai quật thuộc Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Khảo cổ (Đại học Quốc gia Úc) và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức báo cáo kết quả bước đầu thăm dò khai quật khảo cổ học Di tích Thạch Lạc và Di tích Rú Điệp tại Hà Tĩnh.

Báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ ở các di tích Thạch Lạc và Rú Điệp ảnh 1

Thực hiện theo quyết định của Bộ VHTT&DL, đợt thăm dò khai quật lần này được triển khai từ ngày 20-3 đến ngày 30-5 với quy mô mặt bằng rộng hơn 50m2 ( bao gồm cả di tích Thạch Lạc và di tích Rú Điệp).

Trực tiếp chỉ đạo, điều hành khai quật tại các di tích này có PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, GS.TS. Philip Piper, cố vấn là GS. Peter Bellwood và GS. Nguyễn Chiều. Ngoài các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam ở Hà Nội và Hà Tĩnh còn có các chuyên gia cổ động vật học, cổ thực vật học, địa khảo cổ học và cổ môi trường học của Đại học Quốc gia Úc, TP Huế và Long An cùng tham gia.

Thay mặt đoàn khảo cổ, PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung và GS.TS. Philip Piper đã báo cáo chi tiết kết quả đợt khai quật và đánh giá bước đầu của các chuyên gia khảo cổ học về các mẫu hiện vật văn hóa cổ được phát lộ tại các di tích Thạch Lạc và di tích Rú Điệp hiện nay.

Báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ ở các di tích Thạch Lạc và Rú Điệp ảnh 2
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ ở các di tích Thạch Lạc và Rú Điệp ảnh 3
Một số hiện vật khảo cổ được giới thiệu tại hội nghị

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu, các chuyên gia khảo cổ học trong nước và quốc tế xác định đây là địa điểm cư trú cồn sò điệp, có mộ táng chôn vào nơi cư trú. Thạch Lạc cùng với một số địa điểm cồn sò điệp huyện Thạch Hà tạo thành loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró, nền văn hoá khảo cổ phân bố ở vùng núi phía Tây Nghệ An, Hà Tĩnh, tây Quảng Bình và dải đồng bằng ven biển vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đến bắc Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, niên đại 3.500-4.000 năm trước.

Kết quả khai quật Thạch Lạc lần này cho thấy đầy đủ ba giai đoạn phát triển của loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró từ sớm đến muộn, một số niên đại C14 đã có của Thạch Lạc lấy ở độ sâu 1m cho thấy niên đại trên 4.000 năm, như vậy có thể giai đoạn sớm nhất của Thạch Lạc (sâu 1.70m) có niên đại trong khoảng thời gian 4.500 – 5.000 năm.

Kết quả khai quật hố thám sát rộng 4m2 Rú Điệp là di tích cồn sò điệp, cư trú và mộ táng, cư trú theo mùa và cũng có những giai đoạn cư trú lâu dài qua độ dày mỏng của các lớp điệp sò và dấu vết sinh sống như: hố cột, bếp lửa, đồ gốm và đồ đá... Tầng văn hoá sớm nhất của Rú Điệp (chứa gốm đáy nhọn kiểu Quỳnh Văn và gốm văn thừng mịn) có thể tương đương với tầng văn hoá sớm nhất của Thạch Lạc và tầng văn hoá muộn của Rú Điệp tương đương với tầng văn hoá giữa của Thạch Lạc.

Báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ ở các di tích Thạch Lạc và Rú Điệp ảnh 4
Những nhận định đầy đủ hơn về chủ nhân, niên đại, tính chất, giai đoạn văn hoá của hai địa điểm này phải chờ kết quả phân tích

Những ngôi mộ xuất lộ trong tầng văn hoá dưới của Rú Điệp, 1 mộ xuất lộ hoàn toàn, 2 mộ mới chỉ có dấu vết huyệt mộ và phần lớn nằm trong vách hố thám sát chưa được xử lý. Dựa vào dấu vết huyệt mộ, tất cả đều là mộ chôn huyệt đất, người chết nằm thẳng, dạng mộ này cũng đã phát hiện trong một số di tích cồn sò điệp loại hình Thạch Lạc của văn hoá Bàu Tró mà gần nhất với Rú Điệp là địa điểm phía Đông xã Thạch Lâm có mộ nằm chôn người thẳng, chôn theo rìu có vai. Niên đại của ngôi mộ Rú Điệp phải chờ kết quả xác định C14/AMS của răng người chôn trong mộ.

Tuy vậy, những nhận định đầy đủ hơn về chủ nhân, niên đại, tính chất, giai đoạn văn hoá của hai địa điểm này phải chờ kết quả phân tích những mẫu thu thập và phân tích loại hình công cụ, dụng cụ đá, xương, đồ gốm tìm thấy trong các lớp của hố đào kết hợp với việc kế thừa kết quả nghiên cứu đã có về di tích Thạch Lạc, Rú Điệp nói riêng và văn hoá Bàu Tró nói chung.

Chủ đề Di chỉ - Khảo cổ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast