Bên ấy, Tây Trường Sơn…

Chừng này, bên ấy đang bắt đầu vào mùa mưa, những cơn mưa rừng ồ ạt, tưới tắm cho những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn tươi tốt. Bên này nắng vẫn đang đốt. Người đi sang Lào vẫn phải mang thêm tấm áo thu đông để khi lên đỉnh Keo nưa khỏi lạnh. Vượt Trường Sơn, qua khỏi Nape, đến Lac Sao, khí trời đổi khác. Hình như phong thuỷ, thổ nhưỡng, linh khí mỗi nước khác nhau đã làm nên cái vẻ mang mang rất khó diễn tả.

Thạt Luổng, một công trình nghệ thuật vĩ đại, biểu tượng của đất nước Lào
Thạt Luổng, một công trình nghệ thuật vĩ đại, biểu tượng của đất nước Lào

Năm ấy, trên đường từ Luôngprabăng trở về, sau cơn mưa vào mùa, chúng tôi đã bắt gặp một lúc 2 cầu vồng chồng nhau. Một cảm giác thân thương gần gũi khiến tôi nhớ về tuổi thơ với bao mộng ước đi xa đến những chân trời. Và tôi chợt nhận ra, dù chỉ là lần đầu đến thăm nhưng đây đã là quê hương của mình.

Từ dạo đó đến nay, mỗi năm một lần, tôi trở về quê hương thứ 2, khi thì vào mùa nắng, khi vào mùa mưa . Mùa hè ở bên ta là mùa mưa bên ấy (bắt đầu từ tháng 3,4 đến tháng 10). Mùa nắng bắt đầu từ tháng 9, 10 đến tháng 3, 4). Vào dịp bun pimay (tết té nước), hoa chăm pa nở trắng cành, đưa hương ngan ngát, hoa đọc-khôn vàng rực những con đường, những ngôi chùa vàng được trang trí lộng lẫy bởi đèn hoa, tấp nập bước chân. Người Lào đón Tết chủ yếu là ở chùa với lễ tắm Phật, cầu kinh và té nước. Nước tắm Phật được làm bằng các loại hoa thơm phức. Không có việc cúng bái với nhiều nghi thức rượm rà tại gia đình mà chỉ có bữa tiệc ăn uống, nhảy và té nước.

Thatluong, Patuxay, Vatxieeng thong ( Vườn Phật), Luôngprabang, Bảo tàng Cay xỏn phôn vi hản, Trung tâm văn hoá Việt-Lào, tà lạt xao (chợ sáng), …là những nơi tôi đã từng đến. Bất đồng ngôn ngữ chỉ là chuyện của những ngày đầu, còn sau đó thì những từ ngữ giao tiếp đơn giản, dễ học càng khiến tôi hào hứng muốn đi thăm thú, tìm hiểu đất nước Lào.

Tượng Phật nằm trong Vườn Phật được nhiều du khách viếng thăm
Tượng Phật nằm trong Vườn Phật được nhiều du khách viếng thăm

Có ba điều tôi rất thích và ngưỡng mộ khi ở Lào, đó là sự sùng bái của người dân đối với đạo Phật. Người ta vào chùa ăn chay niệm Phật, cầu kinh hàng tháng cho cha mẹ sau khi cha mẹ qua đời để báo hiếu. Trẻ con nghỉ hè, tết vào chùa để học giáo lý và lao động. Các ngôi chùa ở Lào ngoài chức năng hướng đạo, lo phần hồn còn có chức năng giáo dục. Chính vì lẽ đó, người ta rất kính trọng tăng ni, sư. Sáng sớm, các nhà đồ xôi, cho vào các giỏ bằng nhỏ để mang lên chùa hoặc chờ đoàn sư khất thực đi qua. Cái cách họ bố thí và nhận bố thí cũng rất trang trọng. Người cho quỳ xuống, đưa giỏ xôi, thận trọng nghiêng vào bát của các nhà sư. Các nhà sư đi từng đoàn với sắc phục áo vàng cùng những cái bát lớn màu sáng rất đẹp. Một buổi sáng tinh mơ từ nhà nghỉ ở Luôngprabăng, nhìn qua khung cửa, thấy đoàn sư đủ lứa tuổi đồng phục đi trên đồi cao, giữa những tán cổ thụ trong khí trời ẩm ướt sau cơn mưa, cảm giác yên lành thánh thiện dâng lên trong tôi. Có lẽ vì kính Phật trọng tăng nên trẻ em Lào rất ngoan, tình trạng tội phạm ở Lào rất ít .

Một điều thứ 2 nữa, đó là lối sống hồn hậu cởi mở của người dân Lào, nhất là vào dịp tết té nước. Không biết anh từ đâu đến, nhân thân ra sao, nhưng đã vào nhà trong bữa tiệc đều được đón chào đón đả, cùng ăn, cùng uống.Tiệc Tết của người Lào khá đơn giản, gồm xôi trắng, nậm ( thịt bò, lòng bò và các loại rau thơm thái nhỏ), thịt lợn luộc, canh, thịt dê …Muốn các món ăn sang trọng như nhái ôm măng, lươn, cá om lá thơm rừng…phải vào các nhà hàng ở Viên chăn, muốn ăn gà nướng, thịt nướng, ta mạc hùng, cá nướng thì ra bờ sông Mê-công…Người Lào uống không nhiều và không ồn ào, nhất là vào các các quán hàng. Dịp Tết thì chỉ thấy cánh thanh niên nhảy và dội nước tưng bừng, còn người già té nước ( bằng cành cây) lên vai, lên đầu người mình chúc phúc và múa lăm vông, lăm tơi.

Tết té nước

Điều thứ ba làm tôi thích thú khi đến Lào đó là cảm giác bình yên. Người Lào có cụm từ Lao xã gôộc- Lào bình yên. Sự bình yên bắt đầu từ chuyện xe cộ đi ngoài đường không bấm còi, người đi lại rất có trật tự, tuân thủ luật giao thông. Rồi đến chuyện không lo trộm cắp. Lúa chín gặt xong để trong chòi ngoài ruộng cả tuần không ai lấy, đồ đạc trong nhà đâu vẫn còn nguyên đấy, dù anh để toang cửa đi cả ngày, xe máy dựng ngoài đường lỡ để quên do uống nhiều, sáng mai đến vẫn còn nguyên ở đấy. Và câu chuyện khiến anh bạn đồng nghiệp của tôi ấn tượng và cảm phục mãi, đó là chiếc máy ảnh trị giá gần chục triệu để quên ở quầy hàng bán quần áo ở tà- lạt sáng vào dịp Tết năm 2011, hôm sau vẫn còn nằm nguyên chỗ cũ với nụ cười thân thiện của cô bán hàng. Người Lào không có thói quen ăn cắp, và cũng không thích nói dối, đánh chửi nhau ầm ĩ. Ai nói dối với họ một lần dễ bị họ xa lánh, ai trộm cắp một lần, không cho vào nhà nữa. Và không có chuyện chồng đánh vợ, vợ chồng xích mích đã có trưởng bản, nói không nghe là phạt. Trưởng bản ở Lào rất to và rất có trách nhiệm, nhất là việc giú đỡ các công dân Việt Nam khi đến sống và làm việc ở Lào.

Với vị trí địa lý liền núi liền sông nên cộng đồng người Việt Nam ở Lào đông nhất trong các cộng đồng người nước ngoài ở Lào. Hiện nay người Việt Nam tại Lào có khoảng 20.000 người, đa số sống ở Thủ đô và các thành phố lớn như Vientiane, Champasac, Savannakhet, Khammuon. Những khu phố “cơm Việt”, “cà phê Việt”, “nhà hàng - khách sạn Việt”… đã trở nên nổi tiếng ở một số địa phương có đông người Việt sinh sống. Kinh doanh xuất nhập khẩu của người Việt ở đây cũng đạt nhiều kết quả. Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố, có vai trò trong kinh tế xã hội địa phương và có nhiều hoạt động xã hội giúp địa phương xóa đói giảm nghèo…

Được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ Lào, cộng đồng người Việt Nam ở Lào đã phát huy được bản chất thông minh, cần cù, khéo léo trong sản xuất kinh doanh. Nhiều kiều bào làm nghề kinh doanh, dịch vụ ở quy mô vừa và nhỏ. Khoảng 20% có thu nhập cao và làm chủ các xí nghiệp, nhà máy, trang trại… Bà con Việt kiều ở thủ đô Vientiane nói chung và ở các tỉnh có đông đảo bà con Việt kiều sinh sống như Parkse, Savannakhet, Luông Pha Băng… sống rất hòa thuận với bà con dân tộc Lào và các bộ tộc khác. Ở tỉnh, thành phố nào cũng có trường học của người Việt dành cho con em. Đặc biệt, ở tỉnh Bolykhamxay, với sự tài trợ của tỉnh Hà Tĩnh và Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Bolykhamxay, trường mầm non, tiểu học Hữu nghị Hà Tĩnh – Bolykhamxay được xây dựng dành cho con em ở Riêng ở Vientiane, Trường Tiểu học Nguyễn Du vừa mới được nâng cấp lên thành trường Trung học khang trang, sạch đẹp, hiện đại vào bậc nhất của Thủ đô Vientiane. Kinh phí xây trường được sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam thông qua Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng 500.000 USD và sự quyên góp của kiều bào Vientiane và kiều bào trên khắp thế giới.

Hiện có 9 Hội người Việt ở 9 tỉnh thành Lào. Tại các tỉnh và thành phố như Vientiane, Pakse, Savannakhet… đều có Hội người Việt Nam, hoạt động khá mạnh tại từng địa phương. Giữa các Hội thường xuyên có giao lưu văn nghệ, thể thao… Từng tỉnh hội đã có sự luân phiên tổ chức Đại hội Hội người Việt ở Lào hai năm một lần. Nhiều Hội đã tổ chức tốt việc dạy và học tiếng Việt cho con em, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động hướng về đất nước.

Nước Lào không xa, chỉ chưa đầy một ngày đường từ Hà Tĩnh đến Viên chăn, qua cửa khẩu Cầu Treo- Nậm pao. Lâu không sang bên ấy là bên này lại âm thầm nỗi nhớ. Duyên kỳ ngộ đã khiến gia đình tôi gắn bó với nước Lào, với những người bạn Lào nghĩa tình, chung thuỷ. Bên kia dãy Trường Sơn còn lưu giữ ký ức một thời chiến tranh đạn lửa, khi những người bạn Lào- Việt kề vai sát cánh chống kẻ thù chung. Nơi ấy núi rừng ôm ấp những hài cốt của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, để sau mỗi mùa khô lại được đón về đất mẹ. Nơi ây, những con đường luộn rộng mở cho những doanh nhân, công dân người Việt sang sinh sống và làm ăn. Nơi ấy, đất nước và con người thân thương, hiền hoà, khiến tôi khi đi xa lại nhớ về.

Tháng 7-2012

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast