Bình minh Cửa Rào

Cửa Rào là nơi hợp lưu giữa 2 con sông Ngàn Sâu và Ngàn Trươi. Từ dãy núi Giăng Màn trùng điệp, dòng nước mát trong xanh, hiền hòa, uốn khúc quanh co mà hình thành nên làng, nên xã và các cụm dân cư với lịch sử, vốn văn hóa lâu đời. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, người dân 2 xã Hương Thọ và Đức Liên (Vũ Quang) luôn tự hào về Cửa Rào với những bước thăng trầm, phát triển.

Tương truyền, khúc sông có tên gọi Cửa Rào bao hàm hai nghĩa. Với người dân địa phương, trước hết đó là nơi chỉ địa danh hợp lưu, quy tụ của dòng sông Ngàn Sâu và Ngàn Trươi. Tiếp đến đó là dòng sông mà từ thửa xa xưa du khách thập phương cũng như các lái buôn khi dong thuyền xuôi ngược qua đây tất cả đều dừng lại giành chút ít thời gian chỉnh trang mai thuyền, trang phục để tượng niệm các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong hộ quốc tỷ dân, được thờ tự tại đền Thượng Trụ và đền Cửa Rào.

Sông nước Cửa Rào
Sông nước Cửa Rào

Các ngôi đền tuy không lớn về quy mô, song với kiến trúc hài hòa cân đối đặc biệt là công trạng của các vị thần nên những ngôi đền này luôn giữ nét thầm kín, uy linh, thu hút đông đảo người dân gần xa đến thắp hương, phúng viếng. Xưa kia, Cửa Rào là khúc sông nổi tiếng sầm uất, trên bến dưới thuyền, người tụ tập đông vui. Vào những lúc chiều muộn, từng tốp thuyền buồn từ tận Bến Thủy, Chợ Thượng nối đuôi nhau kéo về đây neo đậu nghỉ ngơi qua đêm để rạng sáng ngày mai lên mạn Chợ Quánh, chợ Hương Đại, hay ngược tận Hương Khê mua hàng. Lâu dần khúc sông nơi Cửa Rào được nhiều người biết đến và nổi tiếng trên khắp vùng đất xứ Nghệ.

Khi phương tiện giao thông đường thủy không còn thịnh hành, việc buôn bán, làm ăn gặp khó khăn, một bộ phận thương gia ở giáo phận Vinh, miền hạ lưu sông La đã ở lại Cửa Rào sinh sống. Qua nhiều năm bồi lắng, dọc ven khúc sông Cửa Rào đã hình thành những bãi đất phù sa màu mỡ và khá bằng phẳng tạo nhiều thuận lợi cho cư dân lao động, sản xuất. Bước đầu đa số người dân khi chuyển từ nghề buôn bán trên sông sang sản xuất nông nghiệp họ đã tập thói quen trồng hoa màu, lúa nước và trồng cây ăn quả. Một bộ phận còn lại vẫn tiếp tục bám lấy dòng sông làm nghề chài lưới.

Với bản tính siêng năng, cần mẫn sớm hôm của người chạy chợ nên chỉ một thời gian ngắn cư dân nơi đây đã tích cực khai hoang mở rộng thêm được nhiều diện tích đất canh tác. Vậy nhưng theo nhiều người kể lại, thời điểm đó việc chuyển đổi ngành nghề của bà con vùng đất Cửa Rào gặp phải không ít khó khăn. Bởi lẽ, tất cả họ chỉ quen ngược xuôi cùng con nước để buôn bán các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, còn trực tiếp tham gia lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất trên mảnh đất của mình là một việc làm mới mẻ. Đến hôm nay, người dân ở vùng đất này vẫn còn những câu truyền ngôn về sự khó khăn, lam lũ trong buổi đầu buông mái chèo lên đất liền sinh sống:

Bao đời bám lấy lạch sông,

Cuộc sống phồn thịnh, thong dong nếp người.

Nay đà bỏ nghiệp kiếm lời,

Lên rừng mở đất có mấy người được nhàn cư.

Khó khăn là vậy, song điều đáng cảm phục ở những lớp cư dân này là họ không hề nãn chí, mà quyết tâm vượt khó vươn lên dựng xây cơ nghiệp trên vùng đất mới. Từ đó, Cửa Rào đã hình thành làng mạc, bà con giáo dân luôn động viên, giúp đỡ lẫn nhau mở rộng vườn tược, dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống lâu dài.

Những giây phút thảnh thơi của ngư dân Cửa Rào.
Những giây phút thảnh thơi của ngư dân Cửa Rào.

Khi việc lao động, sản xuất đồng áng, phát triển kinh tế vườn đồi đi vào nếp nghĩ, cách làm của bà con cũng là lúc giáo dân khắp mọi nơi quy tụ về đây ngày một thêm đông, rồi hình thành nên giáo xứ Vĩnh Hội. Một nền sản xuất mới là áp dụng việc gieo cấy lúa, hoa màu 2 vụ trong năm, phá bỏ vườn tạp trồng bưởi Phúc Trạch, keo lai, dó trầm đã từng bước được đẩy mạnh.

Cần phải nói thêm rằng, trước đây, nơi xứ đạo toàn tòng Vĩnh Hội dù cuộc sống, thu nhập của bà con gặp nhiều khó khăn, song tất cả đều luôn một lòng kính chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, duy trì tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng theo nếp sống mới.

Đến với Cửa Rào không chỉ được tận mắt chứng kiến sự đổi thay khi các công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo nhiều thuận lợi trong việc đi lại, lao động sản xuất của nhân dân mà còn cảm thấy ấm lòng khi hầu hết con em nơi đây đều được cắp sách đến trường đúng độ tuổi. Kinh tế phát triển, nạn thất học, mù chữ được đẩy lùi, công cuộc xây dựng nông thôn mới đang được toàn thể dân chung tay, góp sức xây dựng. Đây thực sự là một cuộc cách mạng lớn, đánh dấu sự nỗ lực hết mình của cấp ủy, chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết, vượt khó đi lên của toàn thể bà con nhân dân trong giáo xứ.

Cửa Rào hôm nay không chỉ có những vườn cây ăn quả, rừng cây nguyên liệu, cây cao su xanh biếc ngút ngàn mà nhân dân cũng đã và đang khai thác tiềm năng, lợi thế để chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung hàng hóa. Nếu như tiềm năng trên đất đang từng ngày, từng giờ được đánh thức, thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản ven sông và trong ao hồ cũng đang được bà con nhân dân đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Từ chỗ chỉ buông câu, thả lưới kiếm cá đổi gạo qua ngày, giờ đây, nhiều hộ dân ở Cửa Rào đã biết đóng lòng bè, mua sắm thêm ngư cụ để thả các giống cá cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Dấu ấn ở những mô hình này đã và đang thực sự mở ra hướng đi mới cho nhân dân, tạo động lực thúc đẩy bà con trong quá trình đầu tư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Cầu Cửa Rào bắc qua sông Ngàn Sâu ngày lại ngày rộn tiếng còi tàu vào Nam, ra Bắc. Chợ Quánh ven sông đang thu hút một lượng lớn người dân khắp mọi nơi đến buôn bán, làm ăn, trao đổi các mặt hàng. Một ngày mới lại về ánh bình minh từ đỉnh núi Vặc soi rọi, chiếu sáng cả một vùng quê, lan tỏa, sưởi ấm trên những nếp nhà thắm đượm màu ngói mới. Hôm nay vùng đất, con người Cửa Rào nơi hợp lưu của 2 con sông Ngàn Sâu, Ngàn Trươi đã thực sự đổi thay, bắt nhịp vươn lên trên chặng đường dựng xây quê hương, đất nước.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast