Bóng đá châu Á ở Olympic: Từ vết xe đổ của bóng đá châu Phi

Nhật Bản và Hàn Quốc đã lọt vào đến bán kết môn bóng đá nam ở Olympic lần này, đánh dấu sự trỗi dậy của bóng đá châu Á tại Thế vận hội. Nhưng thực sự thì Olympic liệu có tạo bàn đạp được cho tương lai của bóng đá châu Á?

Từ bài học của bóng đá châu Phi

Khi Nigeria giành huy chương vàng bóng đá nam ở Olympic 1996 và Cameroon tiếp bước bằng chức vô địch tại Sydney boons năm sau, những ký ức về một Zambia ngổ ngáo ở Olympic 1988 và màn trình diễn xuất sắc của Cameroon tại World Cup 1990 được khơi lại. Tương tự Nhật Bản và Hàn Quốc hiện tại, Nigeria và Cameroon từng được kỳ vọng sẽ mở màn cho một kỷ nguyên mới của bóng đá châu Phi.

Đội tuyển Olympic Nhật Bản thành công nhờ lối chơi không biết sợ hãi- Ảnh Getty
Đội tuyển Olympic Nhật Bản thành công nhờ lối chơi không biết sợ hãi- Ảnh Getty

Nigeria lại Atlanta 1996 là một đội bóng khủng khiếp, với Sunday Oliseh làm nhiệm vụ càn quét ở tuyến giữa, Jay-Jay Okocha đạo diễn lối chơi, Nwankwo Kanu chơi lùi phía sau thùng thuốc nổ Daniel Amokachi. Chiến thắng 4-3 trong hiệp phụ của họ trước Brazil ở bán kết và trận đấu ngoạn mục 3-2 trước Argentina ở chung kết là những khoảnh khắc không thể nào quên của Thế vận hội. Nhưng con đại bàng kiêu hãnh của bóng đá châu Phi không bao giờ sải được hết cánh.

Trước đó hai năm, họ vô địch Cúp các quốc gia châu Phi năm 1994, nhưng đã rút khỏi vòng chung kết năm 1996 theo chỉ đạo của nhà độc tài Sani Abacha, khi chính phủ Nam Phi, nơi đăng cai giải năm ấy, đã chỉ trích án tử hình mà phía Nigeria áp dụng đối với nhà văn bất đồng chính kiến Ken Saro-Wiwa. Sau đó, để trừng phạt Nigeria vì tự ý rút khỏi Cúp các quốc gia châu Phi 1996, Liên đoàn bóng đá châu Phi đã cấm họ dự vòng chung kết năm 1998. Tại World Cup 1998, Nigeria đã đánh bại cả Tây Ban Nha và Bulgaria ở vòng bảng, nhưng lại thảm bại 1-4 trước Đan Mạch ở vòng 1/8. Một bằng chứng cho thấy sự thất thường của bóng đá châu Phi.

Cameroon, một đội bóng giàu sức mạnh hơn cả Nigeria, đã giành huy chương vàng ở Olympic Sydney 2000 sau khi đánh bại Tây Ban Nha trên chấm 11 mét ở trận chung kết, trong giai đoạn mà họ vô địch châu Phi hai lần liên tiếp (2000 và 2002) với thế hệ vàng của Samuel Eto’o, Patrick M’Boma, Geremi và Lauren. Nhưng thế hệ ấy lại chưa từng vượt qua vòng bảng World Cup.

Bóng đá châu Phi ngày càng mở rộng nền tảng trong một thập kỷ qua. Angola và Togo giành vé đi World Cup, trong khi Zambia cũng có thể vô địch châu Phi, và hầu hết những cầu thủ hay nhất của châu Phi đều đang chơi bóng ở đẳng cấp cao tại châu Âu. Nhưng kỳ tích vào đến tứ kết World Cup 1990 của Cameroon vẫn là một tượng đài không thể xô đổ. Ghana lặp lại điều đó 20 năm sau ở Nam Phi, nhưng với những trận đấu kém ấn tượng hơn.

Đến tương lai của bóng đá châu Á

Bóng đá châu Á không có một nền tảng rộng như châu Phi. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, không có nhiều nền bóng đá tạo được ảnh hưởng đáng kể. Chức vô địch của Iran ở Cúp châu Á 2007 không phủ nhận được thực tế rằng bóng đá Tây Á đã sa sút và ở phía sau Đông Á trong vòng hai thập niên qua, trong khi bóng đá Trung Quốc, đất nước với 1,3 tỷ dân, đã giậm chân tại chỗ nhiều năm.

Uzbekistan gây ấn tượng tốt ở Cúp châu Á 2011, nhưng đã thảm bại đến 0-6 trước Australia ở bán kết, và bắt đầu vòng loại World Cup thứ tư khu vực châu Á khá tồi tệ, với trận hòa trước Lebanon và thất bại ngay trên sân nhà trước Iran. Có thể là Iran, một thế lực hùng mạnh của châu Á vào thập niên 60 và 70 thế kỷ trước, sẽ sớm trỗi dậy. Có thể Qatar, với một lượng tiền khổng lồ đổ vào công tác đào tạo trẻ, sẽ sản sinh một thế hệ đủ sức lay chuyển châu Á. Nhưng thực tế, hiện tại, câu chuyện về sự trỗi dậy của bóng đá châu Á chỉ xoay quanh hai cái tên, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trình độ bị thu hẹp, và các cầu thủ tốt nhất của châu Á cũng không xuất hiện nhiều ở các giải hàng đầu thế giới nhiều như cầu thủ châu Phi. Nhật Bản và Hàn Quốc vượt lên được trong bối cảnh như thế nhờ nền tảng tốt ở các giải vô địch quốc gia, hạ tầng cơ sở cho bóng đá cực tốt, và một kế hoạch phát triển có lộ trình cụ thể, cùng với việc tự điều chỉnh liên tục kế hoạch ấy để thích ứng với đòi hỏi của hiện tại.

Liệu bóng đá Hàn Quốc có mang được niềm vui này từ sân chơi Olympic tới World Cup?- Ảnh Getty
Liệu bóng đá Hàn Quốc có mang được niềm vui này từ sân chơi Olympic tới World Cup?- Ảnh Getty

Các huấn luyện viên châu Âu từng làm việc tại đây, như trường hợp của Philippe Troussier và Ivica Osim, đều phàn nàn về thứ “bóng đá máy móc” trong tư duy của các cầu thủ Nhật Bản, điều khiến họ chỉ có thể áp dụng những gì đã học được một cách cứng nhắc, nhưng không thể cảm nhận được trận đấu, giàu kỷ luật, nhưng thiếu sự sáng tạo. Thế hệ của Kensuke Nagai, Hiroshi Kiyotake, Yuki Otsu… đang lãnh trách nhiệm thay đổi điều đó, và họ đã đem lại hy vọng lớn sau màn trình diễn ở Olympic lần này. Thông minh và không hề biết sợ hãi, họ trực diện đối đầu, quật ngã cả Tây Ban Nha và lọt vào bán kết với thành tích trắng lưới sau bốn trận đã đấu. Hàn Quốc gây ấn tượng trên một khía cạnh khác, với khả năng tổ chức và lao động vô cùng chăm chỉ, chơi một thứ bóng đá kỷ luật đến khổ hạnh, chỉ ghi ba bàn và thủng lưới hai bàn sau bốn trận, và sự lỏng lẻo của Brazil từ đầu giải đến giờ có thể đem đến hy vọng lớn cho các cổ động viên Hàn Quốc.

Nhưng tương lai của bóng đá châu Á vẫn bị đặt trước một dấu hỏi, trong nỗi băn khoăn rằng một tấm huy chương Olympic liệu có thể để lại một di sản cho tương lai? Những gì mà Nigeria năm 1996 và Cameroon năm 2000 làm được là những thành tựu to lớn, nhưng không thể giúp cho bóng đá châu Phi vươn lên, trừ cảm giác hụt hẫng khi chuyển sang sân chơi lớn World Cup và vấp ngã. Bốn năm trước, Nigeria cũng đã đi đến trận đấu cuối cùng của Thế vận hội, trước khi thất bại dưới tay Argentina, và việc lọt vào đến tứ kết giải U20 thế giới năm ngoái có thể đánh dấu một sự phục hưng. Nhưng nên nhớ là đội hình dự tuyển Olympic năm ấy của họ chỉ có ba cầu thủ chơi ở một trong năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, Peter Odemwingie, Victor Anichebe và Chinedu Obasi. Và quan trọng nhất, với bốn kỳ World Cup đã tham dự trong hai thập niên qua, Nigeria không vượt qua vòng bảng lấy một lần.

Bóng đá châu Á, với hai ngọn cờ đầu là Hàn Quốc và Nhật Bản, rõ ràng đã thu hẹp khoảng cách đáng kể với bóng đá châu Phi, bất chấp sự thua kém về nền tảng và tố chất con người. Nhưng điều quan trọng nhất là liệu từ những thành tựu ấy (có thể là một huy chương vàng bóng đá nam ở Thế vận hội lần này?) một bệ phóng cho tương lai có được tạo dựng? Hy vọng là bóng đá châu Á sẽ không đi vào vết xe đổ của bóng đá châu Phi, và phí hoài những thế hệ tài năng.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast