Cần có một nhà bảo tàng xứng tầm với lịch sử - văn hóa Hà Tĩnh

Những năm qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh ta luôn được ngành VH-TT&DL quan tâm. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, kho báu cổ vô giá, biểu tượng của tinh hoa văn hóa xứ Hồng Lam vẫn đang nằm “đắp chiếu” trong kho bảo quản hiện vật vì chưa có một nhà trưng bày bảo tàng xứng tầm để phục vụ công chúng.

Kho tàng báu vật Hồng Lam

Bảo tàng Hà Tĩnh giữa những ngày hè nóng nực, trong ngôi nhà nhỏ 2 tầng chật chội, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hà Tĩnh vẫn kiên nhẫn bám bàn làm việc. Họ đang say sưa nghiên cứu, tập hợp, đánh dấu ký hiệu, phân loại hiện vật, cần mẫn bám kho, chăm lo bảo quản hiện vật văn hóa cổ.

Nhà bảo tàng Hà Tĩnh

Nhà bảo tàng Hà Tĩnh

Giám đốc Nguyễn Trí Sơn cho biết: Những năm qua, hoạt động bảo tàng của tỉnh ta còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ công tác sưu tầm, bảo quản hiện vật rất bất cập. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao của ngành VH-TT&DL, Bảo tàng Hà Tĩnh luôn bám sát nhiệm vụ chuyên môn, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa trên địa bàn. Toàn bộ hệ thống di tích trong toàn tỉnh được kiểm kê, đăng ký, lập hồ sơ khoa học và tiến hành các thủ tục đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa; tổ chức sưu tầm, bảo quản tốt các hiện vật văn hóa cổ, tích cực quảng bá, thu hút hàng triệu lượt du khách, bạn bè trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch, góp phần khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của dải đất Lam Hồng.

Những hiện vật cổ được chồng chất trong một không gian chật chội

Những hiện vật cổ được chồng chất trong một không gian chật chội

Tính đến nay, toàn tỉnh có 72 khu lưu niệm, di tích cấp quốc gia; 322 di tích cấp tỉnh được xếp hạng. Các khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú (Tùng Ảnh - Đức Thọ), Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên), Khu di tích đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du (Tiên Điền - Nghi Xuân), Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và nhiều công trình văn hóa vật thể trên địa bàn toàn tỉnh được duy tu, tôn tạo thường xuyên, hoạt động hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu học tập và là một trong những hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống thiết thực cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Ngoài hệ thống di tích và số hiện vật được trưng bày tại các khu lưu niệm ở các huyện, thị, thành, hiện nay, Bảo tàng Hà Tĩnh đang lưu giữ, bảo quản tại kho hơn 4.000 hiện vật gốc có niên đại từ hơn 4.000 năm trở lại nay. Đặc biệt, nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị như bộ hài cốt người Việt cổ, có niên đại 4.450 năm; bộ sưu tập súng thần công có niên đại tuyệt đối vào năm 1821 (thuộc triều vua Minh Mạng); bộ sưu tập các ngành nghề truyền thống; nhiều kỷ vật chiến tranh qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và nhiều bộ sưu tập, sắc phong của các triều đại Lê, Nguyễn có giá trị văn hóa lịch sử cao.

Những khẩu súng thần công phơi mình ngoài hành lang nhà bảo quản hiện vật

Những khẩu súng thần công phơi mình ngoài hành lang nhà bảo quản hiện vật

Hà Tĩnh không chỉ giàu bản sắc văn hóa phi vật thể mà còn là một địa chỉ mang đậm dấu ấn văn minh của người Việt cổ. Nhiều hiện vật quý thời tiền sử từng được phát hiện tại các khu di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc, Phôi Phối - Bãi Cọi với nhiều mẫu hiện vật của người sơ sử được chế tác bằng các chất liệu đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, sứ, sách cổ, trang phục cổ các dân tộc. Trong đó, có những bộ sưu tập cổ vật quý hiếm. Tiêu biểu như trống đồng các loại và thạp đồng, đỉnh đồng, dao găm đồng, mũi tên, rìu, chuông, chì lưới được chế tác tinh xảo với nhiều hình dáng, chủng loại phong phú, họa tiết trang trí nghệ thuật đặc sắc được người Việt cổ trên xứ đất Lam Hồng sáng tạo cách nay hàng ngàn năm liên quan mật thiết với các nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh.

Cần có một nhà trưng bày xứng tầm

Với kho tàng hiện vật cổ khá đồ sộ, song hoạt động bảo quản, trưng bày đang gặp muôn vàn khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhà kho bảo quản chật hẹp, đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Có dịp ngang qua Bảo tàng tỉnh, chúng ta không khỏi chạnh lòng với những khẩu súng thần công, những cổ vật quý hiếm… “phơi mình” ngoài hành lang nhà kho bảo quản hiện vật!

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Bảo tàng tỉnh đã có gần 30 năm gắn bó với ngành không khỏi chạnh lòng: “Sau gần 23 năm tách tỉnh, hệ thống cơ sở vật chất của Bảo tàng Hà Tĩnh hiện nay chỉ mới có một ngôi nhà nhỏ 2 tầng cũ, gồm cả phòng làm việc và kho bảo quản hiện vật. Tất cả còn quá tạm bợ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn thiếu thốn. Do không có nhà trưng bày, nhiều năm qua, toàn bộ hiện vật cổ khổng lồ, vô giá sau khi được phát hiện, sưu tầm về cũng chỉ xếp đống trong kho bảo quản, chưa thể đưa ra trưng bày phục vụ công chúng”.

Phòng làm việc tạm bợ của cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh.

Phòng làm việc tạm bợ của cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến công tác bảo quản hiện vật. Đặc biệt, các hiện vật văn hóa truyền thống, tư liệu giấy, phim ảnh, trang phục hay ẩm mốc (vẫn bảo quản theo hình thức thủ công), nếu không có hệ thống bảo quản đạt yêu cầu thì nguy cơ giảm “tuổi thọ” là khó tránh khỏi. Đặc biệt, trong điều kiện nóng, ẩm của khí hậu nhiệt đới ở tỉnh ta, hiện vật cổ rất dễ bị các vi sinh vật hủy hoại.

Để các hiện vật bảo tàng kéo dài tuổi thọ cần phải có một hệ thống kho bảo quản hiện vật quy mô, đủ diện tích và có phòng xử lý hóa chất; bổ sung cán bộ kỹ thuật chuyên ngành phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể một cách hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh cần kịp thời đầu tư xây dựng nhà trưng bày bảo tàng khang trang, xứng tầm nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bảo tàng chính là nơi để người dân quê hương, du khách xa gần đến tìm hiểu cội nguồn lịch sử, tinh hoa văn hóa của dải đất Lam Hồng. Nếu chúng ta có một nhà bảo tàng, trưng bày xứng tầm, sẽ góp phần phục vụ khách tham quan, quảng bá du lịch và đánh thức giá trị cổ vật; đồng thời góp phần quan trọng giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast