Câu chuyện về cách “làm bóng đá” ở Việt Nam…

Nhiều năm về trước, tôi có cơ hội nói chuyện với ông Alfred Riedl, cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam, ở một quán café. Tôi hỏi ông ấy nghĩ thế nào mà lại cấm trại cầu thủ và thu lại điện thoại di động, không cho phép họ sử dụng: “Tôi nghĩ họ là đàn ông, là con người, sao các ông lại cư xử như vậy, trong khi vẫn đòi hỏi họ cư xử như những quý ông (gentlemanly) với các ông và với khán giả”. Ông Riedl không trả lời câu hỏi của tôi, có lẽ vì không ai ở VFF đặt cho ông ấy câu hỏi ấy, còn tôi thì chỉ là một người hâm mộ.

Ông Michael Platini hẳn nhiên không thể gọi Zidane, Figo hay Beckham là “các cháu”, dù quyền lực của ông ấy hẳn là nghiêng trời ở UEFA, và quyền ấy lại gắn với những giải đấu mang lại nhiều tiền bạc nhất trên thế giới.

HN.T&T đón mừng chức vô địch V-League 2010 mà khán đài gần như không còn khán giả ở lại để chung vui
HN.T&T đón mừng chức vô địch V-League 2010 mà khán đài gần như không còn khán giả ở lại để chung vui

Hồi 2002-2003, khi chúng tôi nói chuyện về Văn Quyến, có vị lãnh đạo VFF nói với tôi là: “Cẩn thận không nó lại mắc bệnh ngôi sao”, tôi hỏi ông ấy bệnh ngôi sao là bệnh gì, thì ông ấy không cắt nghĩa được. Tôi mới thưa rằng: “Anh ạ, cậu ấy thật sự đang là ngôi sao, mà ngôi sao thì không phải là một loại bệnh. Vấn đề là nhiều khi cách ứng xử của người lớn, sự ghen tức với vị thế ngôi sao và sự yêu mến mà người hâm mộ dành cho một cầu thủ lớn, cũng góp phần làm các sao đổ bệnh.

Chẳng đâu như ở Việt Nam, Văn Quyến đi đóng phim quảng cáo về thì CLB xin mất một nửa tiền, hiện vật cũng vậy. Cư xử với cầu thủ như vậy, nhưng ai cũng đòi hỏi cầu thủ phải đối lại tử tế, thì thật là khó quá… Nhưng đấy chính là cách các cầu thủ Việt Nam đang bị đối xử và đang bị đòi hỏi đấy.

Ông bầu Đỗ Quang Hiển của HN.T&T và SHB.ĐN là người làm kinh doanh, chắc sẽ không bao giờ rình rang đi tuyên bố này nọ nếu chưa có gì làm bằng, như cách mà ông vẫn làm bấy nay với bóng đá, từ chuyện kết thân với Atletico Madrid dạo nào, đến chuyện Công Vinh hôm nay. Rồi cả cách ông trút sự phẫn nộ xuống đầu cầu thủ kiểu con cháu trong nhà, thật chẳng khác mấy với một số chú, bác ở VFF.

Giờ là chuyện các ông bầu kinh doanh đá bóng.

Ai cũng biết ông Hiển có đội bóng HN.T&T, nhưng thử hỏi xem, suốt mùa vừa rồi có bao nhiêu lượt người Hà Nội đến sân Hàng Đẫy xem đội bóng của ông đá? Về khía cạnh này, ông Hiển, ông Long, ông Kiên thật chả khác nhau là bao, đội bóng chủ yếu là thú vui của các ông bầu, chứ chưa hẳn là dành hết cho công chúng. Thử hỏi số tiền của mà các ông bầu đổ ra đã đem lại bao nhiêu lợi ích cho công chúng ?, trong khi cơ sở vật chất ngành thể thao Thủ đô chủ yếu được xây dựng bằng tiền thuế của dân (sân vận động).

Các ông bầu cũng thật khó đòi hỏi ở người dân sự trân trọng khi chỉ khư khư bắt đội bóng các ông ôm cái tên công ty của mình…

Một đội bóng không có CĐV là một đội bóng chết. Và khó có thể gọi cách làm hiện nay là đầu tư cho bóng đá hay kinh doanh bóng đá được.

Khi mà các CLB không có lấy một nhóm CĐV trung thành nào ngoài những người được tặng vé hoặc mời đến xem, cấp xe cộ để đến sân, mua trống cho người ta gõ, thì sao gọi là bóng đá được. Công chúng ít có người biết đến người thực sự đang điều hành CLB của các ông bầu, mà chỉ biết đến các ông, từ chuyện mua cầu thủ nào đến mắng trọng tài,… Nếu anh em nhà Glazer mà làm như vậy, hẳn M.U nay đã chẳng thể có được 16 triệu CĐV ở Việt Nam đâu…

Bóng đá cần sự minh bạch và sự đầu tư thực sự, mặc dù có thể tốn 5 năm, 10 năm mới có thể xây dựng được một đội bóng đúng nghĩa, với lực lượng CĐV trung thành và hùng hậu.

Lớn và nổi tiếng như M.U, hay mới nổi như Chelsea, thì bên cạnh Football Academy để đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp, cũng luôn luôn phải duy trì soccer school để trẻ em đến trả tiền học đá bóng và trở thành fan của đội bóng, thậm chí còn đưa soccer school đến tận Singapore, Hong Kong để tạo ra những CĐV trẻ có lẽ sẽ suốt đời trung thành với đội bóng.

Nếu cứ làm bóng đá như hiện nay, các ông bầu không chỉ tiếp tục tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả vẫn sẽ chẳng là bao, chưa kể còn mang tiếng là thiếu chuyên nghiệp.

Cho nên, cách mà ông Kiên đổi tên CLB của mình thành CLB Hà Nội, có thể làm le lói trong tôi và những người hâm mộ một hy vọng nhỏ nhoi, là có thể tới đây bóng đá sẽ trở lại với người dân. Tất nhiên, tôi cũng hy vọng ông Hiển sẽ bắt chước như thế, để mai này nếu đội bóng của ông có vô địch, thì đoàn rước Cúp của ông sẽ không còn cảm thấy lạc lõng giữa những đường phố Thủ đô…

Tất nhiên đấy là hy vọng, nhưng ai cấm chúng ta hy vọng…

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast