Cầu thủ ta không yêu nghề?

Không yêu nghề thì khó có tự trọng của người làm nghề và khó có thể giỏi được. Bạn nghĩ thế nào khi chúng tôi đặt cái tựa trên cho bài báo?

David Beckham năm nay đã 36 tuổi, gia sản cả dòng tộc ăn cả đời không hết, nhưng tiền vệ người Anh vẫn phải cày bừa trên sân, phải tha hương sang Mỹ đá cho CLB LA Galaxy. David Beckham không phải là trường hợp cá biệt.

Không biện giải nào thuyết phục hơn ngoài hai chữ: Yêu nghề. Nói đến tình yêu nghề là nói đến tình cảm sâu đậm. Vì yêu nghề, người ta sẵn sàng chấp nhận thử thách, hy sinh quyền lợi lẫn địa vị xã hội. Vì yêu nghề, nhiều người đã đạt đến đỉnh cao, nhưng họ vẫn miệt mài lao động để được thỏa lòng đam mê của mình với nghề. Họ trân trọng nghề, giữ gìn thương hiệu như kẻ đi trên lớp băng mỏng. Nhà báo lão thành Hữu Thọ từng nói rằng: Phải biết sợ mới thực sự yêu nghề.

Dưới cái nắng thiêu đốt nhưng các nữ nhi vẫn chân trần rèn sức trên bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Hữu Quý
Dưới cái nắng thiêu đốt nhưng các nữ nhi vẫn chân trần rèn sức trên bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Hữu Quý

Cầu thủ cũng là một nghề, thậm chí nghề hái ra tiền. Thế mà, thời điểm này, tuổi thọ nghề nghiệp lẫn sự yêu nghề được coi không bằng các thế hệ trước. Họ chỉ mới dừng lại ở mức thích được đá bóng, nhưng điều đó không đồng nghĩa là đã yêu cái nghề đá bóng.

Căn cứ thứ nhất: 10 năm lên chuyên, đã rất nhiều cầu thủ bán mình vì những đồng tiền nhơ nhớp. Họ không biết “sợ” phẩm giá của mình sẽ bị nhuốm đen trước những hành vi phản bội, không chỉ với nghề nuôi sống mình.

Căn cứ thứ hai: Thời điểm này, để tìm ra 5 ngôi sao thực sự chuyên nghiệp, luôn đam mê chơi bóng, được sự nhất trí cao của dư luận, quá khó. Thế nên, dù chưa bầu bán nhưng tiền vệ Nguyễn Minh Phương đã được số đông ủng hộ. Trớ trêu ở chỗ, những người như Minh Phương, Tài Em, Tấn Tài... đều bị coi là gàn, như những người từ ngoài hành tinh khác đến.

Căn cứ thứ 3: Nhiều cầu thủ thuộc hàng sao sẵn sàng đá giải hạng Nhất, đi đến những đội bóng tỉnh lẻ, mục đích chủ yếu là được trả nhiều tiền. Lòng tự trọng nghề nghiệp của họ để ở đâu?

Căn cứ thứ tư: Quá nhiều bản hợp đồng đắt giá sau lượt đi đã biến thành nỗi thất vọng, kể cả ngoại binh như Lee Nguyễn, Leandro. Nhìn lại quá trình dài, chúng ta có thể thấy V-League đã biến một cầu thủ có tính chuyên nghiệp cao như Lee Nguyễn thành một người nổi tiếng ăn chơi và vô dụng tốc độ nhanh đến mức nào?

V-League 2011 sắp bước vào lượt về. Sự thành công của Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đồng Tháp được nhìn nhận không phải do cầu thủ tài quá. Nhiều đội bóng khác lực lượng không kém, điển hình là Bình Dương. Có điều, niềm đam mê chơi bóng, lòng tự trọng nghề của cầu thủ Bình Dương đã bị những toan tính cá nhân bao phủ. Nhìn lượt đi, sự quyến rũ không do các ngôi sao được kỳ vọng mang lại, mà là sức trẻ của một số đội bóng đậm chất địa phương.

Thật là nghịch lý, khi sự biệt đãi về vật chất đã không giúp cho cầu thủ ta yêu quý nghề mình hơn, đá tử tế hơn. Mấy ngày nay, thấy các tuyển thủ nữ quốc gia trần mình dưới nắng gió ở Đà Nẵng mà thương. Họ leo núi, chạy bộ chân trần dưới cát. Kem dưỡng da bôi lên lập tức bay biến ngay. Thu nhập của chị em thấp, sự đối xử còn bất công, hy vọng chỉ mỗi được đi đá SEA Games, thì năm nay chủ nhà Indonesia không đưa vào nội dung thi đấu.

Mới đây, đọc bài báo về gia cảnh cơ cực và nỗi cô đơn hiện tại của mẹ Văn Quyến, cám cảnh quá, chua chát như một lời ru buồn.

Trách nhiệm với gia đình, với xã hội cũng là thứ mà cầu thủ ta gặp nhiều tai tiếng.

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast