Chàng họa sĩ khuyết tật và khao khát gửi hồn vào cây cọ

Bị khuyết tật bẩm sinh, chân tay co quắp, Lê Quang Lĩnh (Trần Phú, Hà Tĩnh) đã tìm đến hội họa để trải lòng cùng với niềm đam mê tột bậc cho nghệ thuật. Và ở đó, anh đã thành công bằng chính nỗ lực của bản thân mình.

Nỗ lực

Lê Quang Lĩnh - Cây cọ luôn khát vọng cháy hết mình
Lê Quang Lĩnh - Cây cọ luôn khát vọng cháy hết mình

Tôi biết đến Lĩnh vào một dịp rất tình cờ. Để rồi, khi trở thành những người bạn của nhau, tôi lại càng có nhiều cơ hội để hiểu thêm về chàng họa sĩ đa tài này. Thân thể bị khiếm khuyết, Lĩnh không có cơ hội được đến trường, nhưng anh đã đã nhận ra mình đặc biệt có năng khiếu vẽ. Bắt đầu cầm bút vẽ từ năm 1998 từ những bức tranh dở dang, chưa đầy đủ…Lĩnh đã tâm sự với tôi là lúc đó, anh đã phải vượt qua cả chính bản thân mình, vượt qua sự mệt mỏi của những lúc cầm bút vẽ mà vẽ không đúng ý…

Rồi cơ hội đến khi những cuộc thi cùng với những giải thưởng đến với Lĩnh, động viên Lĩnh tiếp bước theo con đường mà mình đang lựa chọn. Cũng thời điểm này, nguồn chi của gia đình nuôi đứa con tật nguyền với ước mơ chân chính đã dần cạn kiệt. Lĩnh đã phải sử dụng đến những vật liệu rẻ tiền hơn để hoàn thành các tác phẩm của mình. Không muốn tiếp tục làm phiền đến gia đình, Lĩnh bắt đầu loay hoay tìm hướng để kiếm tiền và tiếp tục được thỏa đam mê cùng cây cọ.

Nung nấu một ý định được mở triển lãm tranh dành cho những người khuyết tật như mình, để các tác phẩm của những người như anh có cơ hội được tiếp cận với những người yêu nghệ thuật. Lĩnh đã gửi rất nhiều bức thư, cho rất nhiều diễn đàn và các cơ quan ngôn luận. Không có phản hồi, bản thân tôi là người song hành cùng anh những ngày đó cũng đã thấy nản lòng. Nhưng không, dù không được học hành nhiều, nhưng những dòng chữ giản dị, không màu mè và có đôi chỗ còn vụng của Lĩnh vẫn tiếp tục được gửi đi. Và như một điều ước cổ tích được trở thành hiện thực, vào một ngày tháng 5 vừa rồi, Lĩnh mày mò tìm được chỗ ở của tôi và hồ hởi khoe về một triển lãm sắp được tổ chức.

Ngồi tiếp chuyện Lĩnh, nhìn hai cánh tay khua mù mịt vừa nói trọ trẹ vừa ra dấu cho tôi những chỗ không hiểu, trên tay cầm tờ giấy thông báo nhận tài trợ buổi triễn lãm của Tạp chí Sông Hương, trên gương mặt Lĩnh lúc đó, cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, có niềm vui nào lớn hơn thế nữa! Cũng như đã bao lần tôi tự hỏi sao dưới một hình hài khiếm khuyết như Lĩnh lại làm được nhiều điều lớn lao đến vậy!

Và thu hoạch

Tôi đi cùng Lĩnh vào dự buổi họp báo chuẩn bị cho ngày triển lãm, rồi lại phải về ngay do bận việc riêng. Nhìn nụ cười bẽn lẽn, pha chút ngượng ngùng khi được nhắc tên như là một người đứng đầu cho buổi triển lãm, tôi không còn thấy một chút lo lắng, bất an nào trên khuôn mặt với cái nhìn luôn thẳng thắn đầy thiện cảm của Lĩnh mà chỉ thấy ngập tràn một niềm vui thánh thiện. Phòng tranh với 25 bức của 6 họa sĩ khuyết tật trong đó 7 bức của Lĩnh được bắt đầu vào chiều ngày 28.06 và kết thúc vào ngày 05.07.

Chủ đề mang của triển lãm mang tên “Khát vọng”, cũng là tên của một trong những bức tranh Lĩnh đã vẽ, gần như lột tả hết những khao khát của những con người tàn nhưng không phế này. Về đến nhà, đúng sau gần một tiếng tôi tính buổi triễn lãm được bắt đầu, tôi nghe như tiếng Lĩnh vỡ òa trong điện thoại, một bức tranh của Lĩnh trong số 6 bức của anh đã được mua, buổi triễn lãm khác xa so với lo lắng đầu của mọi người là sẽ có ít người tham gia, thì phòng tranh chật cứng người và là một thế giới trái ngược so với vẻ bình yên thường ngày của thành phố Huế. Tôi biết, đây là lần đầu tiên Lĩnh bán được tranh của mình, tôi chưa nói đến số tiền, nhưng kết quả này đã cổ vũ cho Lĩnh nhiều lắm sau những nỗ lực của một thời gian dài mong muốn được tự khẳng định mình. Nếu nói là có tương lai thì e vẫn còn là quá sớm, nhưng đây là thành công khởi đầu của Lĩnh trên con đường chinh phục những người yêu nghệ thuật vẽ. Sau cuộc triễn lãm tranh lần này, Lĩnh lại tiếp tục chuẩn bị cho 2 cuộc triễn lãm tranh nữa và cũng như cuộc triển lãm tranh lần này, những dòng chữ trong bức thư với khát khao cháy bỏng của Lĩnh đã đánh động được hai mạnh thường quân khác.

Xin được dẫn những tâm sự của Lĩnh làm đoạn kết cho bài này: “Chưa bao giờ mình nguôi ý định được tiếp tục vẽ, được thể hiện suy nghĩ qua những bức tranh..” Tôi tin, anh sẽ thành công

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast