Chảy bỏng btình yêu nguồn cội...

Được tổ chức lần đầu tiên, liên hoan dân ca ví, dặm toàn tỉnh với sự tham gia của 12 CLB dân ca đến từ các huyện, thị, thành đã gặt hái được những thành công nhất định. Tại sân khấu này, người ta đã thấy sự hồi sinh mãnh mẽ của các loại hình dân ca cổ Hà Tĩnh trong trái tim nhân dân và cả trong sinh hoạt thường nhật. Không chỉ có thế, liên hoan còn tạo động lực thúc đẩy nhiều hoạt động ở cơ sở nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân ca ví, dặm Xứ Nghệ….

Xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa đã sinh ra nhiều bậc hiền tài nổi tiếng. Cùng với dòng chảy miên viễn của thời gian, từ trong cuộc sống lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, người dân nơi đây đã sớm sáng tạo và lưu giữ được một di sản dân ca ví, dặm độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Từ xa xưa, dân ca đã trở thành món ăn tinh thần, là dòng sữa ngọt góp phần hình thành và nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn bao thế hệ người dân xứ Nghệ. Các loại hình dân ca với giai điệu trữ tình, đằm thắm, với lời ca sâu sắc đã góp phần to lớn trong việc giáo dục phẩm chất, đạo đức, lẽ sống, tình yêu và ý chí của nhiều tầng lớp nhân dân. Dân ca không chỉ gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất, với không gian diễn xướng của nhân dân mà còn gắn bó với những cuộc đấu tranh kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống hiện đại với những đổi thay chóng mặt đã dần đẩy dân ca xa rời với những sinh hoạt hàng ngày khiến các loại hình diễn xướng dân ca dần bị mai một. Sự thành lập các CLB dân ca tại các xã là một trong những động thái tích cực của ngành văn hóa nhằm khôi phục lại phần nào niềm yêu mến những khúc hát dân ca trong lòng nhân dân. Và liên hoan dân ca ví, dặm toàn tỉnh lần này là sự ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của các CLB.

Tiết mục hát đối giao duyên của CLB dân ca xã Thạch Thanh (Thạch Hà)
Tiết mục hát đối giao duyên của CLB dân ca xã Thạch Thanh (Thạch Hà)

12 CLB đến từ các huyện, thị, thành phố đã mang đến liên hoan 12 chương trình dân ca độc đáo, phản ánh sự đa dạng của các thể loại dân ca trên dải đất hẹp Hà Tĩnh. Cùng với những điệu hát cổ như đối giao duyên, xẩm, hát đối Kẻ Dua, hò Thạch Khê, hát ví phường vải, phường nón, trèo non, sắc bùa, ca trù… là những khúc hát được soạn lời mới thể hiện sự quyện thấm giữa văn hóa cổ và cuộc sống hiện đại. Các tiết mục tham gia liên hoan đều thể hiện sự đầu tư kỹ càng về trang phục cũng nhưn giọng hát, phản ánh tinh thần tập luyện nghiêm túc của các CLB. Anh Phan Đăng Thuận – diễn viên CLB dân ca Kỳ Thư (Kỳ Anh) cho biết: “Tôi và đội của mình rất háo hức khi tham gia liên hoan. Trong xu thế dân ca đang bị lãng quên thì đây là một hoạt động đáng quý vì nó góp phần vực dậy được bản sắc văn hóa quê hương. Kỳ Anh chúng tôi nổi tiếng với ví Đan Du – Kẻ Dua, thông qua liên hoan này chúng tôi cũng muốn giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng toàn tỉnh cái hay cái đẹp của loại hình dân ca này”. Có lẽ tất cả các diễn viên tham gia liên hoan đều mang trong mình khát vọng chung ấy. Và họ với trái tim nồng đượm một tình yêu dân ca chắc chắn sẽ truyền được ngọn lửa ấy đến với những trái tim khác. Không chỉ có thành viên các CLB mới háo hức mà khán giả cũng rất nhiệt tình. Có những người đã khăn gói xuống thành phố ở mấy ngày để cổ vũ cho đội nhà. Một nông dân ở xã Thạch Thanh cho biết: “liên hoan diễn ra đúng vụ mùa, bận lắm nhưng buổi tối tôi cũng tranh thủ thời gian chạy xe xuống xem và cổ vũ cho hàng xóm của mình”.

Tiết mục dân ca lời mới "Khúc hát dâng Người" của CLB dân ca phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh)
Tiết mục dân ca lời mới "Khúc hát dâng Người" của CLB dân ca phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh)

Thông qua nhiều tiết mục đặc sắc như: “Hát đối đáp giao duyên lời cổ” (CLB xã Thạch Thanh – Thạch Hà), “Hát dặm tìm hoa” (CLB xã Đức Lâm – Đức Thọ), “Hát đối Kẻ Dua” (CLB xã Kỳ Thư – Kỳ Anh), “O lục soạn” (CLB thị trấn Phố Châu – Hương Sơn), “Làn điệu xẩm thuốc” (CLB xã Cương Gián – Nghi Xuân) … và một số tiết mục soạn lời mới như “Vũ Quang ngày mới” (CLB xã Đức Lĩnh – Vũ Quang), “Khúc hát dâng người” (CLB phường Đại Nài – TP Hà Tĩnh)… khán giả đã tìm thấy sự quyến rũ bởi nét nhân văn, triết lý trong những câu hát ân tình mộc mạc, dung dị. Và hơn hết là những tiết mục ấy đã góp phần khơi dậy tấm lòng nhân ái, đoàn kết trong cộng đồng, khơi dậy những tình cảm gia đình truyền thống…. Bên cạnh những thành công đó, nhạc sỹ Lê Hàm – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Xứ Nghệ cũng chỉ ra những điều cần phải rút kinh nghiệm như: Các CLB chưa biết chọn chủ đề cũng như loại hình đặc sắc của địa phương mình mà còn ôm đồm khiến các chương trình có sự pha tạp, loãng; Cách hát dân ca của một số diễn viên chưa được chính xác, chưa lột tả hết hồn cốt của thể loại tạo ra nét mờ giữa các điệu ví khiến khán giả không cảm nhận được nét riêng của từng làn điệu; Về hình tượng, tình cảm, trang phục cũng chưa được các đội chú trọng tìm hiểu dẫn đến những cái sai không đáng có…

Với gần 40 tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, liên hoan đã tập trung giới thiệu với công chúng những trò diễn xướng dân gian trên các không gian sông nước, đồng ruộng, làng nghề… ở các địa phương nhằm dựng lại tập quán sinh hoạt vất vả mà nên thơ, mộc mạc mà sâu đậm nghĩa tình, giản dị mà thấm đượm ý nghĩa nhân văn của cha ông. Đặc biệt đã thức dậy trong lòng công chúng niềm yêu mến những khúc hát dân ca…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast