Chuyện ít biết về những con tem

Dù ngành bưu điện ở nhiều nước, trong đó có Việt nam, đang bị eo hẹp nhanh chóng bởi sự xâm lấn của các tiện ích internet và kỹ thuật số, nhưng các bộ tem hay phong bì ngày đầu tiên thì vẫn còn phát hành. Gần đây nhất, ngày 15/7/2013, Bộ TT&TT cho phát hành bộ tem Nhạc cụ dân tộc Việt Nam (bộ 1), với 3 giá bìa là 2.000đ, 4.500đ và 12.000đ. Tem thư ngày nay được phát hành chủ yếu để kỷ/lưu niệm và dành cho giới sưu tập nhiều hơn là mở ra một cột mốc giao dịch qua con đường thư từ.

Cũng xin nhắc lại, giữa tháng 9/2012 Hội Tem Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) đã gửi công văn đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT cho phép công nhận ngày 27/8 là ngày tem Việt Nam. Sau gần một năm, lời đề nghị này vẫn còn phải chờ các quyết định cuối cùng.

Trên thế giới hiện có hàng trăm triệu người sưu tập tem, được xác định là đông áp đảo nếu so số người sưu tập về tiền xưa, đồng hồ, đồ cổ, tranh họa... Bởi vì tem khá nhiều, gần như 100% quốc gia hiện tại đều có, giá cả thường khá rẻ, nên dễ sưu tập.

Trong thuật ngữ quốc tế ngày nay (chủ yếu tiếng Anh) có khoảng 150 từ/cụm từ riêng biệt để chỉ hoạt động của tem thư. Điều này cho thấy con tem dù bé nhỏ như vậy, nhưng văn hóa và quan niệm quanh nó thì khá phong phú.

Chuyện ít biết về những con tem ảnh 1

Đại hội Đình Bảng ngày 3/3/1946 với con tem in đè Indochine cũng được giới sưu tập xem là tem thư ngày đầu xem.

Từ con tem ngày đầu

Tem thư (là phong bì có dán tem) ngày đầu tiên (tiếng Anh: first day cover, viết tắt: FDC) thường chỉ có giá trị khi nó được dán những con tem ngày phát hành đầu tiên và đóng dấu hủy. Trên phong bì này (thường phía sau) có ghi thông tin về mẫu tem, cơ quan phát hành, họa sĩ thiết kế, giá bán, chủ đề...

Phần lớn tem thư ngày đầu tiên ở Việt Nam thời trước được hiểu là phong bì (in lúc nào cũng được) có dán con tem trong ngày phát hành đầu tiên. Bưu điện Quốc gia Việt Nam chính thức phát hành phong bì ngày đầu tiên vào ngày 21/12/1952, nhân dịp phát hành mẫu tem Giúp thương binh. Ðây là phong bì có hai màu đen và nâu, được in tại cơ sở Thomas de la Rue (London, Anh), khổ 9,5 x 16,5 cm, phát hành 10.000 cái, có đánh số, giá 10 đồng.

Ví dụ trong tháng 9/2013 này, ngày 12 sẽ phát hành bộ tem chung Việt Nam - Singapore: Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2013). Ngày 13, bộ tem Kỷ niệm 100 năm sinh Trần Đại Nghĩa (1913-1997). Ngày 20, bộ tem phát hành chung Việt Nam - Pháp: Kỷ niệm 150 năm sinh Alexandre Yersin (1863-1943). Ngày 29, bộ tem Kỷ niệm 100 năm mất Rudolf Diesel (1858-1913). Những ngày này sẽ có những tem thư ngày đầu tiên được phát hành, nó phải có dấu hủy của bưu điện để xác lập việc gửi.

Sau ngày đầu tiên này, phần còn lại của lượng tem đã in sẽ có một quãng thời gian lưu hành nhất định trong hệ thống bưu chính - tạm gọi thời gian sống của tem. Để đến một ngày, sẽ xuất hiện những tem thư ngày cuối cùng (last day cover - LDC), nghĩa là con tem “chết”, hết giá trị sử dụng trong hệ thống bưu chính. Ví dụ như bộ tem chung Việt Nam - Singapore sắp phát hành với số lượng dự kiến là 5.000 con và 1.000 phong bì ngày đầu tiên sẽ hết hạn cung ứng trên hệ thống bưu chính vào ngày 30/6/2015.

Hiện nay, khái niệm ngày đầu tiên cũng bao hàm cả những tem thư có tính kỷ niệm đặc biệt hoặc gần như độc nhất, quý hiếm. Ví dụ những tem thư đã gửi trước năm 1900 tại Việt Nam cũng được gọi là “ngày đầu tiên”, dù thực tế thì không phải như vậy. Hay như các bộ tem đắt giá bậc nhất Việt Nam (ví dụ Mạc Thị Bưởi), hầu hết các phong bì có dán tem này đều được gọi là “ngày đầu tiên”, theo nghĩa tem thư thời kỳ đầu, đắt giá.

Một tem thư kỷ niệm (có tính đầu tiên) thời vua Bảo Đại
Một tem thư kỷ niệm (có tính đầu tiên) thời vua Bảo Đại



Đến con tem ngày cuối

Khi bưu điện vẫn còn giữ thế thượng phong trong việc chuyển phát và truyền gửi thông tin thì những tem thư ngày đầu tiên thường thu hút giới sưu tập. Ngày nay, giới sưu tập ít còn chú ý đến việc phát hành tem thư ngày đầu tiên, mà tập trung vào các bộ tem theo chủ đề, theo sự kiện mà mình đang theo đuổi. Từ năm 2005, tình trạng đóng cửa bưu điện diễn ra ở hầu hết các nước có truyền thống về thư từ như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Ý…; tại Việt Nam, ngành bưu điện cũng rất khó khăn, hầu như hàng ngàn bưu điện văn hóa xã đã và đang đóng cửa do vắng khách hoàn toàn, các bưu điện huyện, tỉnh, thành phố… thì ít khách.

Thế nên gần đây giới chơi tem chuyển hướng sang tem thư ngày cuối cùng, vì tình trạng sa sút và phá sản ngày một phổ biến. Ngày hoạt động cuối cùng của một bưu điện nào đó thành ngày mà giới sưu tập quan tâm, họ tranh thủ đóng dấu tem thư. Để sau ngày này, tem thư đó sẽ trở thành vật chứng của bưu điện “sống và chết”; thành hiếm hoi, khó gặp.

Khi còn cực thịnh, nhiều bộ tem phát hành hàng triệu con, bây giờ chỉ còn hàng ngàn, hoặc vài trăm con, chủ yếu là để duy trì hoạt động theo hướng tuyên truyền và lưu niệm. Thậm chí vài bộ tem sau ngày phát hành đầu tiên chỉ còn biết nằm chờ cho đến ngày cuối cùng.

Tem thư ngày đầu tiên thời VNCH
Tem thư ngày đầu tiên thời VNCH
Tem thư ngày đầu tiên thời VNCH

Mỗi góc nhìn, mỗi cột mốc

Hình thức chuyển phát bưu phẩm, thư từ, công văn, bố cáo, yết thị… vốn xuất hiện từ thời cổ đại, từ Đông sang Tây đều có. Ở Việt Nam, suốt thời kỳ phong kiến cũng vậy; thời Vua Lý Thái Tông (1028-1054) rất mặn mà điều này, ông đã cho dựng nhà trạm để làm nơi trung chuyển công văn giấy tờ.

Các bộ tem theo qua các thời kỳ ở Việt Nam:

- Tem Đông Dương, từ năm 1889 đến 1949, có đứt quãng nhiều năm.

- Tem Đông Dương in đè (tem tạm thời): 1945,1946.

- Tem Việt Nam DCCH, từ 1946 đến 1976, có đứt quãng vài năm.

- Tem CHXHCN Việt Nam, liên tục mỗi năm từ 1976 đến 2013.

- Tem Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, liên tục mỗi năm từ 1963 đến 1969.

- Tem Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, từ 1970 đến 1976, có đứt quãng vài năm.

- Tem Quốc gia Việt Nam (tem Bảo Đại), liên tục mỗi năm từ 1951 đến 1954.

- Tem VNCH: liên tục mỗi năm từ 1955 đến 1975 (năm này không phát hành).

- Ngoài ra còn có các bộ tem chỉ dành cho sưu tập (tem chơi) thời CHXHCN Việt Nam (8 bộ) và thời VNCH.

Tất nhiên tem thư về sau thì khác khá nhiều, nhất là ở việc trả tiền tem theo từng quãng đường quy định. Bưu điện Anh được cho là nơi phát hành thư có dán tem đầu tiên, vào ngày 6/5/1840, với con tem hình Nữ hoàng Victoria đệ nhất, giá 1 penny trên nền đen; ngày 8/5/1840 với loại 2 penny trên nền xanh nước biển.

Nhiều ý kiến cho rằng tem thư theo chân người Pháp vào Việt Nam (ngay sau cuộc đổ bộ vào cảng Đà Nẵng ngày 31/8/1858), nhưng cũng có vài ý kiến cho rằng nó đã được những nhà hàng hải và thương buôn Hà Lan, Bồ Đào Nha đem đến Hội An trước đó vài năm. Lúc này chưa có bưu điện, chủ yếu hoạt động qua đường thư tay, có dán tem và trả cước.

Ngày 11/11/1860, Bưu điện Sài Gòn được thành lập. Ngày 13/1/1863, Sở Dây thép Sài Gòn khánh thành và phát hành “con cò” (người Sài Gòn xưa thường gọi con tem là con cò) đầu tiên. Tem này mang hình con đại bàng, dùng chung cho các nước thuộc địa Pháp, phân biệt bằng dấu hủy riêng tại mỗi nước. Cho nên, nếu nhìn theo lối truy tầm gốc tích thì 13/1/1863 cũng có thể ngày tem thư của Việt Nam, cách đây 150 năm.

Còn theo công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT đã đề cập ở trên, VietnamPost nêu rõ 27/8/1946 là ngày Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 172/SL cho phép Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem bưu chính Kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945) và ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/9/1945). Bộ tem đầu tiên này gồm 5 mẫu, vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, với kích thước 26 x 41 mm, do họa sĩ Nguyễn Sáng thiết kế. Lấy 27/8 làm ngày tem thư của Việt Nam cũng được.

Bên cạnh đó, Quốc gia Việt Nam 1949-1955 cũng cho phát hành nhiều bộ tem thư. Từ ngày 10/1/1951, người Pháp giao toàn bộ Sở Bưu chính Đông Dương cho người Việt và đổi tên thành Sở Bưu điện Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, các thư từ vẫn còn sử dụng con tem Đông Dương cho đến ngày cuối cùng là 6/6/1951, cũng là ngày đầu tiên khi con tem mang hình Vua Bảo Đại phát hành.

Riêng việc thống kê về lượng bộ tem thư và tem thư phát hành ngày đầu tiên của Việt Nam là rất khó, hiện chưa có con số nhất quán. Từ năm 1889 đến năm 1945, Pháp phát hành khoảng 75 bộ tem Đông Dương với 493 mẫu tem và 1 block. Từ 6/6/1951 đến ngày 15/6/1954, Quốc gia Việt Nam phát hành 14 bộ tem với 26 mẫu. Từ 2/9/1946 đến 24/6/1976, Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát hành 312 bộ tem với 922 mẫu. Từ 6/6/1955 đến 25/4/1975, VNCH phát hành 195 bộ tem với 584 mẫu và 21 tem không phát hành. Từ 20/12/1963 đến năm 1969, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát hành 8 bộ tem với 22 mẫu. Từ 22/4/1970 đến 24/6/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát hành 14 bộ tem với 48 mẫu. Từ ngày 27/7/1976 cho đến ngày 31/12/2007, CHXHCN Việt Nam đã phát hành 653 bộ tem với 2.220 mẫu và 142 block. Nhưng cũng có cách tính khác cho thấy đến 30/8/2005, Bưu điện VN đã phát hành 941 bộ tem, gồm 3.384 mẫu và 148 block.

Bộ tem Mạc Thị Bưởi do Bưu chính Việt Nam phát hành ngày đầu tiên 3/11/1956, gồm 4 mẫu, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế, in offset 1 màu tại nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đây được xem là một trong những bộ tem đắt giá nhất của Việt Nam. Giá tem sống có răng theo Danh mục Tem bưu chính Việt Nam 2005 là 9.280.000 đồng/con. Giá tem sống có răng theo Danh mục Scott 2009 (Hoa Kỳ) là 650 USD; giá tem chết thực gửi có răng là 700 USD/con. Số tiền giao dịch sẽ leo thang chóng mặt nếu như ai đó có tem thư (phong bì có dán tem) Mạc Thị Bưởi thực gửi ngày 3/11/1956 mà muốn bán. Nhiều phân tích cho thấy trên các mạng lớn như eBay vẫn có bán khá nhiều tem Mạc Thị Bưởi giả.
Bộ tem Mạc Thị Bưởi do Bưu chính Việt Nam phát hành ngày đầu tiên 3/11/1956, gồm 4 mẫu, do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế, in offset 1 màu tại nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đây được xem là một trong những bộ tem đắt giá nhất của Việt Nam. Giá tem sống có răng theo Danh mục Tem bưu chính Việt Nam 2005 là 9.280.000 đồng/con. Giá tem sống có răng theo Danh mục Scott 2009 (Hoa Kỳ) là 650 USD; giá tem chết thực gửi có răng là 700 USD/con. Số tiền giao dịch sẽ leo thang chóng mặt nếu như ai đó có tem thư (phong bì có dán tem) Mạc Thị Bưởi thực gửi ngày 3/11/1956 mà muốn bán. Nhiều phân tích cho thấy trên các mạng lớn như eBay vẫn có bán khá nhiều tem Mạc Thị Bưởi giả.
Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast