Cơ hội mong manh của các đội châu Á tại World Cup 2010

Đều rơi vào những bảng đấu khá mạnh, cơ hội để Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và đặc biệt là Triều Tiên đi tiếp cực kỳ mong manh. Nhưng họ vẫn phải giữ vững niềm tin và mơ về cơ hội làm nên lịch sử như Hàn Quốc tại World Cup 2002.

Lần đầu tiên kể từ khi World Cup chuyển sang thể thức có 32 đội bóng tham dự, bóng đá Tây Á lại vắng bóng ở ngày hội lớn nhất hành tình. Ả rập xê-út cùng Iran đã sa sút khá nhanh trong khi ĐKVĐ Iraq lại chưa đủ tầm để vươn đến đỉnh cao. “Hiện tượng” Bahrain đã vào đến trận play-off nhưng lại cay đắng để New Zealand giành suất cuối cùng đến Nam Phi.

Australia sẽ gặp nhiều khó khăn khi rơi vào bảng đấu rất mạnh

Các đại diện Đông Á tiếp tục thể hiện sức mạnh của mình khi Nhật Bản cùng Hàn Quốc vẫn là lá cờ đầu trên đấu trường quốc tế. Triều Tiên cũng đã vươn mình mạnh mẽ thời gian gần đây để xuất sắc có tên tại Nam Phi, trong khi Australia đã vượt qua vòng loại dễ dàng trong lần đầu gia nhập “ngôi nhà” Á châu.

Dĩ nhiên, đội bóng đến từ xứ sở Kangaroo được coi là niềm hy vọng số 1 của bóng đá châu Á tại World Cup 2010, dù họ chỉ là thành viên mới. Thành công ở kỳ World Cup trước (lọt vào vòng 1/8, bị loại bởi nhà vô địch Italia) sẽ giúp Australia tự tin hơn trong cuộc chơi tại Nam Phi.

Đoàn quân HLV Pim Verbeek đang sở hữu một đội ngũ hùng hậu với hàng loạt cầu thủ đang chinh chiến khắp châu Âu như Tim Cahill, Harry Kewell, Lucas Neill hay Mark Schwarzer. Đẳng cấp là điều người Australia có thể tự hào, cái thiếu là họ chưa thực sự có được bản lĩnh ở những trận đấu lớn.

Sức mạnh của “Socceroos” dựa trên một hàng thủ cơ bắp, tuyến giữa sở hữu nhưng cầu thủ có trình độ kỹ thuật điêu luyện như Harry Kewell, Tim Cahill hay Bresciano. Mặc dù vậy, trong tay HLV Pim Verbeek lại thiếu một chân sút lợi hại như Mark Viduka trước đây và đó là hạn chế lớn nhất của họ tại giải lần này.

Việc rơi vào bảng D với các đối thủ sừng sỏ như Đức, Serbia và Ghana khiến cơ hội của Australia khá mờ mịt. “Cỗ xe tăng” Đức là ƯCV cho chức vô địch, Serbia sở hữu một đội hình đầy chất lượng còn Ghana cũng không phải đối thủ dễ chơi. Mục tiêu có mặt tại tứ kết của HLV Pim Verbeek khó có thể hiện thực hóa, thậm chí họ khó thoát khỏi nguy cơ là đội “lót đường” ở bảng đấu này.

Nakamura vẫn là niềm hy vọng số 1 của bóng đá Nhật Bản

Nhật Bản cũng đặt không ít kỳ vọng ở giải lần này nhưng số phận đã đưa đẩy họ vào một bảng đấu khá mạnh với Hà Lan, Cameroon và Đan Mạch. Hà Lan luôn ở một đẳng cấp khác, Cameroon sở hữu lối chơi giàu thể lực với đầu tàu Eto’o còn Đan Mạch luôn dày dạn kinh nghiệm ở các trận đấu lớn.

Về lực lượng, Nhật Bản đang sở hữu Nakamura và Endo, hai tiền vệ xuất sắc nhất của bóng đá châu Á hiện nay, không thua gì những đàn anh Nakata, Nanami hay Ono trước đấy. Trung vệ đội trưởng Nakazawa cùng “lá chắn thép” Tulio Tanaka cũng là chỗ dựa đáng tin cậy ở hàng phòng ngự.

Tuy nhiên, giống như Australia, đội quân HLV Takeshi Okada lại thiếu một trung phong đẳng cấp cỡ Muira hay Suzuki như ở các kỳ World Cup trước. Lối chơi của họ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhạc trưởng Nakamura, người đã có một mùa giải tồi tệ cùng Espanyol.

Lối chơi kỹ thuật, giàu chất Latin của Nhật Bản khó có thể so bì được Hà Lan trong khi xét về kinh nghiệm, họ khó bì được với Cameroon hay Đan Mạch. Cơ hội vượt qua vòng bảng là khá nhỏ, dù HLV Okada mạnh miệng tuyên bố rằng đội bóng của ông đặt chỉ tiêu vào... bán kết.

Hàn Quốc có lẽ là đội bóng rơi vào bảng đấu dễ thở hơn cả so với các đội bóng châu Á. Ngoài Argentina quá mạnh, nếu quyết tâm và chơi với “tinh thần Hiddink” như ở World Cup 2002, họ hoàn toàn có thể gây bất ngờ khi cả Nigeria lẫn Hy Lạp không phải là những đối thủ không thể đánh bại.

Hàn Quốc mơ mộng tái lặp kỳ tích như World Cup 2002

Hy Lạp chỉ còn là cái bóng chính mình sau khi đăng quang tại Euro 2004, Nigeria cũng không đáng sợ như thế hệ Kanu, Amokachi hay Sunday Oliseh trước đây. Ngoài Park Ji Sung đang chơi cực hay trong sắc áo MU, Hàn Quốc còn nhiều lính đánh thuê có hạng ở châu Âu như Park Chu Young (Monaco), Lee Chung Yong (Bolton).

Tiếp nối thành công từ thời Guus Hiddink hay Dick Advoccat trước đấy, HLV Huh Jung-Moo xây dựng đội tuyển dựa trên nền tảng thể lực dồi dào theo phong cách châu Âu. Park Ji Sung vẫn là linh hồn trong lối chơi của “Sư tử phương Đông”, bên cạnh những chiến binh dày dạn trận mạc như Lee Won Jae hay Lee Young Pyo.

Hàn Quốc khó hy vọng tái lặp kỳ tích vĩ đại như hồi năm 2002, giải đấu mà họ có được sự giúp sức từ giới cầm còi nhưng nếu chơi với 200% thực lực, Park Ji Sung cùng đồng đội hoàn toàn có thể lọt vào vòng knock-out. Và hiện tại, họ là đại diện bóng đá châu Á có hy vọng tiến xa nhất tại World Cup 2010.

Sau 44 năm chờ đợi, Triều Tiên lại hiện diện ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Nhưng số phận đã đưa đẩy họ rơi vào bảng tử thần, nơi hiện diện hai đại gia Brazil và Bồ Đào Nhà. Đội bóng còn lại Bờ Biển Ngà được coi là đội bóng số 1 châu Phi hiện nay với Drogba, anh em nhà Toure và Kalou.

Tại Anh năm 1966, Triều Tiên đã tạo cơn địa chấn lớn khi đánh bại Italia 1-0 nhưng với dàn cầu thủ thiếu kinh nghiệm, lại chỉ chơi ở giải nội địa, mục tiêu thiết thực của họ chỉ là tránh bị coi là “rổ đựng bóng” tại bảng G. Dù sao, việc có mặt tại Nam Phi cũng là thành công quá lớn với đội bóng này.

Nguồn: Dântrí.com

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast