Con thuyền và không gian văn hóa

(Baohatinh.vn) - Sách xưa từng khái quát ngắn gọn về sự đi lại giữa Việt Nam và Trung Hoa: “Nam di chu, Bắc di mã” (Nam đi thuyền, Bắc đi ngựa). Theo đó, nếu người Trung Hoa với bản chất gốc du mục, coi cỗ xe tam mã, tứ mã là hình ảnh đẹp thì người Việt lại coi thuyền rồng là biểu tượng của sức mạnh, quyền uy. Từ cuộc sống bám sông, bám biển, ngay cả việc xin đi nhờ xe cũng gọi là “quá giang”, người Việt đã làm nên thuyền và gửi gắm vào nó nhiều nỗi niềm, tình cảm.

Từ con thuyền đến cảng thị

Việt Nam xưa là nước tiểu nông khá khép kín, đến nỗi làng này và làng khác còn khu biệt, tách bạch nhau. Với điều kiện tự nhiên nhiều sông, lắm suối, sự chia cắt địa hình như một lý do căn bản làm cho giao thông đường bộ kém phát triển, từ đó, ít nhiều tạo nên sự tự trị của các ngôi làng. Mãi đến thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, các tuyến đường giao thông mới phát triển, nối mạch vùng này với vùng khác. Trong bối cảnh đó, người Việt xưa đã sử dụng đường thủy làm con đường chính để di chuyển, giao lưu, trao đổi. Con thuyền, vì thế trở thành phương tiện vô cùng quan trọng.

Người Việt đã gửi gắm nhiều ước vọng vào con thuyền

Người Việt đã gửi gắm nhiều ước vọng vào con thuyền

Người Việt đã gửi gắm nhiều ước vọng vào con thuyền, chuyển tải nỗi niềm của cư dân sông nước, thậm chí, thuyền còn được coi là có linh hồn như con người. Tục vẽ mắt thuyền được truyền từ nhiều đời nay đã phản ảnh rõ nét vẻ đẹp tín ngưỡng có gốc gác ấy. Người ta quan niệm, mắt thuyền với ý nghĩa chỉ sự sáng suốt, sẽ giúp thuyền tìm được cách tránh sóng, tránh gió, giúp bạn thuyền tìm được lợi nhuận trong mỗi chuyến đi.

Bám sông và hướng ra biển, người Việt đã linh hoạt trong việc làm ra các loại thuyền. Từ con thuyền độc mộc đến thuyền nhiều mảnh gỗ ghép, kích thước đa dạng, phù hợp với từng vùng sông nước. Sử xưa ghi lại, thời Đông Sơn, tổ tiên đã đóng những con thuyền có sức chở lớn, có loại bọc đồng. Vào thời Lê, thuyền hạng nặng thường dài khoảng 26-30m, rộng 3,6-5m. Người phương Tây khi có mặt ở Đông Dương đã đánh giá rất cao kỹ thuật đóng thuyền của người Việt. Hồi ký của A. de Rhodes ghi lại lời đánh giá của một người Hà Lan về các thuyền chiến của chúa Trịnh, chúa Nguyễn: “Có thể đánh bại các thuyền lớn của Hà Lan, từng được coi là chủ nhân của Ấn Độ Dương”.

Từ con thuyền giao lưu, gặp gỡ, trao đổi hàng hóa, người Việt đã hình thành nên cảng thị từ rất sớm. Điều đáng nói là cảng thị trong lịch sử Việt Nam chủ yếu hình thành từ các cảng sông, cảng biển như: Thăng Long, Phố Hiến, Vân Đồn, Hội An, Quy Nhơn… Ở Hà Tĩnh, theo sử sách, đã từng xuất hiện một số cảng lớn, tấp nập tàu thuyền, có cả thuyền thương gia nước ngoài lui tới như tại Cửa Sót, Đan Nhai - Hội Thống. Đặc biệt, từ cửa Đan Nhai - Hội Thống, tàu thuyền từ phía biển hướng về phố cổ Phù Thạch thuộc địa phận xã Vĩnh Đại, tổng Thịnh Quả, huyện La Sơn (nay là xã Đức Vịnh - Đức Thọ) trao đổi sản vật, giao thương hàng hóa. Đó là lý do để hình thành giả thuyết về con đường tơ lụa trên biển Đông theo dọc các cửa sông tại Hà Tĩnh.

Lan tỏa nhiều giá trị văn hóa

Tại Hà Tĩnh, hiện còn lưu giữ dấu ấn đậm nét cư dân Bồ Lô ở lưu vực Cửa Sót (Thạch Kim), Cửa Nhượng (Cẩm Nhượng) với đặc điểm coi thuyền là nhà, bám khơi xa đánh bắt hải sản. Theo Phạm Thanh Tịnh trong luận án tiến sĩ “Văn hóa dân gian người Bồ Lô ven biển Hà Tĩnh”: “Cư dân Bồ Lô là một cộng đồng cư dân Việt xuất phát từ Xuân Hồi, Quảng Bình (…) tới vùng đất đầy tiềm năng Thanh Nghệ Tĩnh định cư và từ đó, xây dựng một cộng đồng như dân biển có khá nhiều khác biệt với cư dân bản địa”.

Sự giao tiếp giữa người trên thuyền, kẻ dưới bến tại biển Thạch Kim hôm nay gợi nhắc sự giao thoa văn hóa giữa người Bồ Lô với cư dân bản địa trong quá khứ.

Sự giao tiếp giữa người trên thuyền, kẻ dưới bến tại biển Thạch Kim hôm nay gợi nhắc sự giao thoa văn hóa giữa người Bồ Lô với cư dân bản địa trong quá khứ.

Sống bám biển, lấy thuyền làm nhà, cư dân Bồ Lô coi biển là không gian sinh tồn và tổ chức cuộc sống theo cách thức khá riêng biệt. Từ những con thuyền lênh đênh, cư dân nơi này đã lưu truyền những kinh nghiệm về xác định luồng nước, luồng cá. Nhiều nơi ở vùng Thạch Kim (Lộc Hà), Thạch Hải, Thạch Trị (Thạch Hà) vẫn còn xuất hiện những lão ngư làm nghề xác định luồng cá. Sống “theo đuôi con cá”, “ăn sóng, nói gió”, cư dân vùng này tập trung chủ yếu trên thuyền. Mỗi gia đình thường cư trú trên một con thuyền. Nhiều gia đình kết hợp thành vạn. Ở Cửa Sót ngày trước có vạn Kỳ Xuyên; Cửa Nhượng có vạn Nôốc câu. Người dân đã hình thành nhiều tri thức dân gian về nghề biển cũng như phong tục, tín ngưỡng trong tang ma, cưới xin và tục húy kỵ. Những đặc điểm này dầu có nét riêng nhưng vẫn nằm trong tâm thức sông, biển của người Việt. Điều này có thể thấy khi người Việt gọi cõi âm là “chín suối”, làm đám ma thì có tục cho ngậm tiền đi đò, nói về lòng chung thủy thì dùng hình ảnh thuyền và bến, về nghị lực thì “chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo”… Sau 1945, nhất là sau 1954, Hà Tĩnh triển khai hợp tác hóa nông nghiệp, cư dân Bồ Lô có cơ hội định cư trên bờ: “thượng gia, hạ thuyền”.

Ngày nay, bộ mặt của vùng ven biển Thạch Kim, Cẩm Nhượng đã có nhiều thay đổi, song, các tri thức dân gian và tín ngưỡng vẫn được lưu truyền. Đặc biệt, con thuyền vẫn hằn in rõ nét trong tính cách của mỗi người, gắn bó sâu sắc với biển, từ đó, lan tỏa không gian văn hóa trong sự pha trộn với cư dân bản địa, định cư ở trên bờ. Điều này được thể hiện rõ nét trong các lễ hội dân gian và các hoạt động thể thao như thi đua thuyền, đi cà kheo.

Ngoài những nơi như Thạch Kim, Cẩm Nhượng, một số làng chài nằm sâu trong đất liền, kể cả làng ven sông Cụt thuộc TP Hà Tĩnh cũng có chung nét tín ngưỡng, quan niệm. Sống bám thuyền, nổi nênh trên nước, vì thế, không gian con thuyền trở thành không gian văn hóa trong mối quan hệ bên trong (các thành viên trên thuyền) và ngoài thuyền, rõ nhất là cách mà trước đây trai gái dễ dàng tìm đến nhau rồi thành chồng vợ.

Thuyền là phương tiện chủ yếu, một thời tấp nập trên sông, vì thế, từ không gian con thuyền lan tỏa không gian văn hóa trên dòng sông, kết nối sông và biển, biển và đất liền. Sự hòa hợp giữa cư dân Bồ Lô với cư dân bản địa là một vẻ đẹp. Sự hình thành các làn điệu dân ca ví, giặm, hò vè lại là một vẻ đẹp khác. Theo nhiều nhà nghiên cứu và các nghệ nhân, trong di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm có ví đò đưa, đó là loại hình ví mà người hát phải hát giọng cao; khác với ví phường vải, do không gian hẹp nên cách hát trầm và chậm, gắn với thao tác dệt cửi. Ví trên sông lúc này được nhiều người giải thích là “với”. Ở đây có thể “với” giữa người đi thuyền và người trên bờ, cũng có thể “với” giữa thuyền này và thuyền khác. Không gian văn hóa vì thế vừa đậm tính sông nước, vừa đậm đà chất bản địa, gắn với tính cách, tâm hồn, khí chất con người. Ngoài ra, do sản sinh trong lao động sông nước nên một số làn điệu dân ca phải có sự phù hợp về cách hát, cách tổ chức lời và nhạc điệu.

Con thuyền với đặc tính mũi chếch lên, hướng về phía trước đã gợi nhắc đến lịch sử chinh phục tự nhiên, mở mang bờ cõi của tổ tiên. Cùng với vó ngựa và thanh gươm như Huỳnh Văn Nghệ mô tả, con thuyền là phương tiện để các vương triều xưa mở rộng bờ cõi, vượt Đèo Ngang và tiến sâu vào vùng đất cực Nam. Ở hướng khác, từ Tây sang Đông, các chúa Nguyễn đã sớm tổ chức các đội Hoàng Sa vào trước thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1647-1687) và đội Bắc Hải vào khoảng năm 1697, hoạt động từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX với nhiệm vụ đo đạc thủy trình, khai thác tài nguyên, cắm cột mốc khẳng định chủ quyền (*).

Trước đó, học hỏi kinh nghiệm của người Chăm, chúa Nguyễn Hoàng đã sớm chăm lo xây dựng các đội thuyền, mở rộng buôn bán với các nước và chuẩn bị những bước tiến đầu tiên cho việc chiếm lĩnh các quần đảo giữa biển Đông. Lùi về lịch sử, con thuyền cũng là phương tiện để triều đình phong kiến tổ chức các trận thủy chiến, đánh đuổi ngoại xâm như thời Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Mai Thúc Loan, Ngô Quyền, Lê Hoàn... Từ lịch sử sôi động, hào hùng, gắn với nhiều công sức, trí tuệ và cả máu xương, con thuyền đã nghiễm nhiên gợi lại không khí các thời đại, tái hiện các không gian trong lịch sử, từ đó, gợi nhắc nhiều bài học quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền.

Lịch sử là lắng đọng của thời gian. Từ con thuyền thô mộc của cư dân Đông Sơn đến con thuyền thời hiện đại dẫu thể hiện trình độ phát triển nhưng vẫn lưu dấu các giá trị vĩnh cửu. Hình ảnh người chèo thuyền trên trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, trên thạp Đào Thịnh, Hợp Minh không chỉ lưu lại trên nó một giá trị văn hóa vật thể, mà còn gợi nhắc đến cội nguồn về một dân tộc bám sông, hướng biển. Từ đây, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể được hình thành, hun đúc nên tinh thần của con người Việt Nam, tạo thành dòng chảy liên tục trong văn hóa dân tộc và văn hóa từng tiểu vùng.

__________

(*) Theo PGS.TS Trần Nam Tiến trong sách: Đội Hoàng Sa trong lịch sử xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2014.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast