Công nghệ cao có cần trong bóng đá?

Trong bộ truyện tranh “Doraemon bóng chày”, tác giả đã vẽ ra một thế giới thể thao mà trong đó ngoài việc thi đấu, máy móc làm thay con người tất cả mọi thứ từ khâu tổ chức, trọng tài cho tới hậu cần bóng đá. Có lẽ những nhà làm bóng đá sẽ thích điều này nhưng những người hâm mộ chưa hẳn đã thích.

Công nghệ goal-line (công nghệ xác định bàn thắng), vạch kẻ sơn tự biến mất trong ít phút là những sản phẩm công nghệ cao nổi bật ở kỳ World Cup lần này. Quả bóng giờ không đơn giản chỉ là một khối bằng da, chiếc áo thi đấu không đơn giản là một tấm vải bình thường. Không thể phủ nhận công nghệ giúp ích cho bóng đá rất nhiều.

Nhưng liệu bóng đá với công nghệ cao có thực sự mang lại sự phấn khích tột cùng?
Nhưng liệu bóng đá với công nghệ cao có thực sự mang lại sự phấn khích tột cùng?

Cách đây vài năm, Chủ tịch LĐBĐ Âu Michael Platini đã lên tiếng phản đối goal-line và gọi nó là một sai lầm của lịch sử. Ông cho rằng goal-line chỉ giải quyết được một phần nhỏ trong vấn đề gọi là “bóng ma tiêu cực”, rằng nó sẽ làm mất đi một phần hấp dẫn của bóng đá. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với điều này.

Tôi nghĩ chính sự không rõ ràng trong bóng đá là chất xúc tác cực mạnh đẩy người hâm mộ tới cao trào của hỉ nộ ái ố.

Xin lấy một ví dụ vui, nếu goal-line được áp dụng vào kỳ World Cup 1966, thì bàn thắng của Bobby Moore vào lưới CHLB Đức trong trận chung kết có thể sẽ không được công nhận, người Anh nhiều khả năng thất bại trước người Đức.

Khoảnh khắc Diego Maradona với “bàn tay của Chúa” trở thành hình ảnh bất tử ở Mexico 1986. Bóng đá không công nghệ, bóng đá của cảm tính chẳng phải rất giàu cảm xúc đó sao? Bóng đá mà sau mỗi tình huống nhạy cảm lại có thể khiến hàng triệu con tim vỡ òa và cũng có thể khiến cả triệu người ấm ức rơi lệ.

Đành rằng có goal-line, sai lầm và sự ấm ức của cả triệu người về một tình huống nhạy cảm có thể được giải quyết nhưng goal-line sẽ dần làm mai một cảm xúc tức thì của người xem và sẽ không còn nữa những tranh cãi dài mãi theo thời gian. Tranh cãi, một trong những điều không thể thiếu và làm nên sức hấp dẫn cho bóng đá.

Pha phạm lỗi ấy có thể xứng đáng chịu penalty? Tình huống tấn công đã việt vị hay chưa? Quả bóng đã qua vạch vôi chưa?

Đôi khi hãy để những câu hỏi đó mãi không bao giờ có câu trả lời xác đáng. Đó mới là bóng đá, đó mới là môn thể thao của con người đích thực.

Theo Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast