Cuộc chiến giữa FIFA, UEFA và các CLB: Bao giờ cách mạng diễn ra?

Viễn cảnh một giải Super League ở châu Âu lại được vẽ ra sau khi những bất đồng giữa các CLB đại gia và những nhà điều hành các giải đấu lớn với các tổ chức quyền lực bóng đá như LĐBĐ châu Âu (UEFA) và LĐBĐ thế giới (FIFA) ngày càng trở nên sâu sắc.

Tuần trước, khi ông Karl-Heinz Rummenigge nói về việc các CLB đang mất dần lòng tin vào FIFA và sẽ chiến đấu để chống lại sự bất công và thiếu minh bạch của tổ chức này, tiếng nói của ông có sức nặng gấp đôi. Huyền thoại bóng đá người Đức vừa là CEO của CLB Bayern Munich, vừa là Chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA), một nhóm vận động hành lang đại diện cho 197 đội bóng hàng đầu châu lục.

Ý tưởng về một cuộc cách mạng đang được ông Karl-Heinz Rummenigge, CEO của Bayern kiêm Chủ tịch ECA, thúc đẩy
Ý tưởng về một cuộc cách mạng đang được ông Karl-Heinz Rummenigge, CEO của Bayern kiêm Chủ tịch ECA, thúc đẩy

Lời kêu gọi của ông Rummenigge được hưởng ứng gần như ngay lập tức khi thứ Tư tuần này, Giám đốc điều hành Premier League, Richard Scudamore, lớn tiếng vận động cho một “cuộc cách mạng” để làm thay đổi cơ chế quản lý cũng như đòi hỏi FIFA phải mở cuộc thảo luận công khai về những trục trặc mà họ đang đe dọa bóng đá.

“Tôi không cho rằng cách diễn đạt của Rummenigge là xây dựng, nhưng nếu bỏ qua chuyện cảm xúc, tôi cho rằng ông ấy đã đúng”, Scudamore nói. “FIFA cần phải chú ý hơn đến quan tâm và lợi ích của các bên liên quan và phải lắng nghe họ. Rốt cuộc thì chúng ta cùng nhau theo đuổi một mục tiêu và chia sẻ cùng những giá trị... Những căng thẳng gần đây trở nên quá lớn đến mức chúng ta phải sớm hành động. Năm 2007, FIFA đã thành lập một ủy ban chiến lược bao gồm đại diện các liên đoàn, hiệp hội, các giải đấu, CLB và cầu thủ, điều này rất tích cực. Nhưng không hiểu sao từ năm 2008 đến giờ họ không gặp mặt và không làm gì cả”.

Không phải ngẫu nhiên mà mùa Hè này sức nóng lại gia tăng đến như vậy ở trụ sở FIFA tại Zurich và UEFA ở Nyon. Để hiểu được mục đích của những tuyên bố bất ngờ đó, phải nhìn lại trò chơi mà Bayern, và hầu hết các CLB giàu có hùng mạnh khác ở châu Âu, đang chơi.

Cuối tuần này, giải Bundesliga lần thứ 49 trong lịch sử sẽ khởi tranh. Áp lực đang đặt nặng lên Bayern, hiện là đội lắm tiền và thành công nhất ở Đức. Họ phải giành lại chức vô địch mất vào tay Borussia Dortmund mùa trước. Với tư cách là đội đã giành 21 chức vô địch trong lịch sử, nhiều hơn tổng số của 5 đội xếp sau họ cộng lại, Bayern phải nhanh chóng có câu trả lời.

Họ đã thay HLV, đã chi thêm 41,3 triệu euro tăng cường thêm 5 cầu thủ mới, đã đè bẹp Eintracht Braunschweig 3-0 ở Cúp quốc gia Đức ngày thứ Hai và mở màn Bundesliga với trận gặp Borussia Monchengladbach Chủ nhật này. Nhưng sau đó hầu hết các cầu thủ Đức trong đội hình Bayern sẽ tham gia trận giao hữu với Brazil vào ngày 10/8 ở sân Mercedes-Benz Arena, Stuttgart.

Cũng trong ngày thứ Tư đó, 70 nước sẽ tận dụng lịch thi đấu được sắp xếp lại của FIFA trong mùa giải mới để chơi các trận giao hữu trên toàn thế giới. Đó chính là lý do cuộc tranh cãi bùng nổ. Các CLB hàng đầu châu Âu trả lương cho cầu thủ và vào lúc họ phải tập hợp lại để chuẩn bị cho mùa giải mới, thì lại bị các đội tuyển quốc gia triệu tập, đứng trước nguy cơ dính những chấn thương dài hạn và không kịp hòa nhập cùng đội bóng cho mùa giải mới.

Bayern là một trong những đội bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với việc có tới 8 tuyển thủ quốc gia Đức trong đội hình, chưa kể các cam kết của họ với 27 nhà tài trợ và đối tác kinh doanh, gắn với những tên tuổi lớn của đội bóng, như thủ thành Manuel Neuer, mới chuyển đến từ Schalke vào mùa Hè. Ngoài ra, Bayern còn có 3 tuyển thủ Brazil, một người Pháp, một Hà Lan, một Ukraina một Áo, một Bỉ, một Nhật Bản và 2 người Croatia.

Tất cả, hoặc hầu như tất cả, sẽ vắng mặt trong hầu hết tuần lễ tập trung thứ hai của đội bóng ngay trước khi Bundesliga bắt đầu vì lịch giao hữu quốc tế ngày 10/8 của FIFA. “FIFA là một cỗ máy in tiền”, Rummenigge bức xúc. Chắc chắn là như thế, nhưng có lẽ Bayern cũng không khác. Thu nhập của đội bóng Đức vượt xa các đối thủ ở Bundesliga, thậm chí cả khi so với Schalke, với nguồn tài trợ từ dầu mỏ của tập đoàn Nga Gazprom. Sự nổi tiếng của đội bóng áo sọc đỏ xanh cũng khiến họ có được khoản thu từ bản quyền truyền hình hời hơn nhiều so với những đội khác trong giải đấu.

Khắp châu Âu, tình hình cũng tương tự như thế, với Barcelona và Real Madrid ở Tây Ban Nha, Man United, Chelsea và Arsenal ở Premier League, AC Milan, Inter Milan và Juventus ở Serie A. Tất cả những cái tên đó đủ sức làm một cuộc cách mạng, bởi lẽ nói về sức mạnh tiền bạc, họ hiện giờ vốn dĩ đang ở một đẳng cấp khác.

“Chúng tôi chưa bao giờ chính thức nhắc đến ý tưởng đó, chỉ có truyền thông đồn thổi”, Marc Schmidgall, giám đốc tiếp thị và thông tin của ECA nói. “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm kiếm một giải pháp với FIFA và UEFA, nhưng tới giờ, vẫn còn xa mới có thể nhắc đến một giải Super League”.

Riêng ở Anh, ý tưởng này không thực sự được ủng hộ, do sự bảo thủ và thực tế là trong 20 năm qua, Premier League, với 20 đội, đã vươn lên mạnh mẽ và hiện đang là giải đấu kiếm được nhiều tiền nhất thế giới. Một phần của thành công dựa trên nguyên tắc tương đối công bằng ở Premier League hơn so với một số giải đấu khác, như Serie A hay La Liga. Tiền bản quyền được chia sẻ bằng nhau giữa các đội.

Dễ hiểu là cuộc vận động cho Super League xuất phát từ những nơi khác, như Bayern, hay AC Milan. Thật ra, lần gần nhất người ta nhắc đến một giải đấu như thế ở châu Âu, Silvio Berlusconi là nhân vật chủ chốt trong mọi kế hoạch. 13 năm trước, Thủ tướng Italia đã nêu ra ý tưởng này, với cuộc tranh cãi nổi tiếng về G14 và phần còn lại của châu Âu.

UEFA từng có những nhượng bộ với nhóm này, đến mức họ tổ chức Champions League thành tận hai vòng bảng, chỉ với mục đích là tăng doanh thu. Nhưng cách làm phản cảm với người hâm mộ này đã chấm dứt không lâu sau đó.

Cuộc chiến giờ đây có lẽ nhắm sang FIFA. Tổ chức này không chỉ vắt kiệt mọi khoản tiền có thể từ các kỳ World Cup, mà đã tổ chức ngày càng nhiều các giải đấu cấp đội tuyển quốc gia trong những năm qua, Cúp Liên đoàn, các giải U20, U21, U17, sử dụng những cầu thủ được CLB trả tiền để tăng doanh thu cho FIFA, và để tranh thủ phiếu của các LĐBĐ thành viên. Một cách ngắn gọn, đó là một vòng quay phức tạp mà các lợi ích đan xen, đối kháng, chằng chịt lấy nhau.

“Bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia rất quan trọng”, Scudamore kết luận. “Nhưng năm ngoái UEFA đã thay đổi thể thức ở Champions League với các trận tứ kết kéo dài 4 tuần thay vì 2… Điều đó khiến lịch thi đấu trở nên quá tải. Với chúng tôi, những trận đá lại Cúp FA và giải League Cup khiến tình hình thêm phức tạp”.

Chung quy lại, cuộc tranh cãi vẫn chỉ là lịch thi đấu, và cùng với đó là tiền bạc kiếm được từ những trận đấu mà thôi.

Theo theothaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast