Dàn xếp tỉ số trong bóng đá Đông Âu

Cách đây không lâu, cả FIFA lẫn UEFA đều lên tiếng bày tỏ quan ngại về thực trạng bóng đá ở Đông Âu.

Ở những vùng đất mà bóng đá vẫn còn mang sắc màu chính trị như Đông Âu, chuyện thắng thua của một trận đấu được hình thành trên bàn giấy là lẽ thường tình…

Một lịch sử đầy ung nhọt

Dường như, đã có một sự học hỏi lẫn nhau hay nói theo kiểu công kích một chút là đua đòi lẫn nhau trong cái cách tổ chức và điều hành bóng đá ở Liên Xô và khối Đông Âu trước đây. Trong giai đoạn đó, ở các giải bóng đá thuộc các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũng như tại các nước Đông Âu, luôn luôn có những đội bóng đối nghịch mà sự thù hằn giữa đôi bên không hẳn vì bóng đá thuần túy.

Ivan Lekov - PCT Ủy ban quốc gia về Thể thao và Thanh thiếu niên Bulgaria bị bắt
Ivan Lekov - PCT Ủy ban quốc gia về Thể thao và Thanh thiếu niên Bulgaria bị bắt

Ở cuộc đua vô địch, họ là những ứng viên nặng ký nhất. Còn ở các cuộc chiến tay đôi, trận đấu giữa họ luôn thu hút được sự chú ý nhiều nhất. Dĩ nhiên, không đơn giản vì… bóng đá. Ví dụ, Liên Xô có Spartak Moscow, Dinamo Moscow, Zenit và Dinamo Kiev. Bulgaria có Levski Sofia và CSKA Sofia. Hay Romania có Steaua Bucarest và Dinamo Bucarest…

Sự không bình thường nằm ở chỗ, giới lãnh đạo quốc gia thường gắn sự nghiệp chính trị của mình với một đội bóng, coi đó là tình yêu, là lá bùa hộ mệnh cho hình ảnh chính trị, và vì thế, họ sẵn sàng làm mọi thứ cốt làm sao mang đến thành công cho CLB của mình. Nạn dàn xếp tỉ số theo quan hệ, theo mệnh lệnh từ cấp trên hay nói chung là mang sắc màu chính trị bắt nguồn từ đó.

Tất nhiên, bởi đã mang màu sắc chính trị, nên vấn đề ấy chẳng bao giờ bị phanh phui. Dần dần, nó trở thành một thứ ung nhọt trong bóng đá Liên Xô và khối Đông Âu. Để đến bây giờ, khi Liên Xô đã tan rã và các nước Đông Âu phải tự tìm lối đi cho riêng mình, những nền bóng đá này lâm vào cảnh bối rối, bế tắc.

Thực tại với những nghi án không lời đáp

Trước đây, nạn dàn xếp tỉ số trong bóng đá Liên Xô và khối Đông Âu hầu như chỉ mang màu sắc chính trị.

Bây giờ, chuyện ấy vẫn còn nhưng chỉ là thiểu số. Đơn cử như tháng 10/2008, bóng đá Bulgaria rúng động trước tin ông Ivan Lekov - PCT Ủy ban quốc gia về Thể thao và Thanh thiếu niên của nước này bị bắt giữ.

Nguyên nhân được xác định là bởi ông Lekov đã lạm dụng quyền lực của mình tác động lên các trọng tài điều hành giải VĐQG Bulgaria nhằm dàn xếp kết quả một số trận bóng đá theo ý mình. Kế hoạch này sở dĩ bị bại lộ vì nhóm trọng tài kia đã trình báo vụ việc với cơ quan chức năng.

Ngày nay, thống kê của cơ quan điều tra cho biết, nạn cá độ, bán độ và dàn xếp tỉ số trong bóng đá Đông Âu (bao gồm cả các nước thuộc Liên Xô trước đây) đã trở nên tinh vi hơn, hướng tới các mục đích khác nhau và với số lượng ngày càng nhiều. Nếu trước kia yếu tố chính trị được đặt lên hàng đầu với sự hậu thuẫn của giới lãnh đạo chóp bu thì giờ đây, vai trò của kinh tế mới quyết định. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đưa bóng đá lên truyền hình và internet. Kéo theo đó, nạn cá độ trên mạng internet xuất hiện và phát triển mạnh mẽ.

Ở góc độ quy mô, hầu như không có sự khác biệt nào giữa nạn dàn xếp tỉ số của bóng đá Đông Âu với các khu vực khác trên thế giới, khi các mạng lưới cá độ, bán độ tìm đến những giải đấu hạng thấp, lần mò tới những đội bóng, những cầu thủ đang gặp khó khăn về tài chính. Bởi với những đối tượng như thế, sức mạnh của đồng tiền sẽ đủ sức đánh gục họ. Và quan trọng hơn, những trận đấu ở những hạng đấu thấp tại các quốc gia Đông Âu vốn có nền bóng đá đang đi xuống, thì thông tin trực tiếp hay gián tiếp về chúng khá ít.

Nhưng về tầm vóc, có lẽ hiếm nơi nào mà vòi bạch tuộc dàn xếp tỉ số dám liều lĩnh và tự tin thâm nhập như ở bóng đá Đông Âu. Người ta từng đặt câu hỏi có hay không chuyện Zenit mua độ Bayern Munich rồi Glasgow Rangers năm 2008 để trở thành nhà vô địch UEFA Cup? Người ta cũng nêu giả thiết, liệu kết quả các trận đấu giữa ĐT Nga và Armenia thuộc vòng loại EURO 2012 mới đây có bị sắp đặt trước? Và còn nữa, tại sao trận giao hữu cấp độ ĐTQG giữa Estonia và Bulgaria hồi đầu năm nay có tới 4 bàn thắng đều từ chấm 11m?

Thật là lạ, bởi dù đã có vô vàn nghi vấn được đưa ra, trong đó có những vụ động trời đủ tạo thành một scandal đình đám ví như vụ Zenit vô địch UEFA Cup 2008, thì giới điều tra cũng chẳng có động thái tìm hiểu câu chuyện cho ra ngọn ngành. Đằng sau tín hiệu được phát đi của báo giới, cơ quan quản lý như FIFA, UEFA và thậm chí cả cảnh sát từng tuyên bố này nọ. Song rốt cuộc họ chỉ giơ cao đánh khẽ. Kết quả là chẳng ai bị trừng phạt, chẳng đội bóng nào có tội. Tất cả như thể cũng đã được lập trình, khiến rộ lên nhiều nguồn tin rằng giới mafia đứng đằng sau những sự vụ đình đám đó.

Bức tranh bạo lực & bàn tay Mafia

Trong thế giới ngầm, người ta đã thừa nhận rằng giới mafia Đông Âu mà cụ thể là mafia Nga, Bulgaria hay Romania là những tổ chức quy mô, tinh vi và tàn bạo nhất. Mở rộng lãnh địa làm ăn, các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở Đông Âu coi bóng đá là một điểm đến lý tưởng với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, ngoài lợi nhuận cực lớn từ những vụ mua bán độ thành công, bóng đá cũng chính là nơi chúng rửa tiền, lăng xê hình ảnh bản thân.

Cách đây không lâu, Bóng đá & Cuộc sống cũng đã đăng tải chuyên đề về giới tội phạm Bulgaria dính dáng tới bóng đá. Đúng là không thể hiểu nổi vì sao, trong chỉ 12 năm mà có tới tận 15 vị chủ tịch của 6 CLB khác nhau bị sát hại. Nếu nói đó là những tai nạn thì chẳng lẽ, làm bóng đá lại lắm tai nạn vậy sao? Nhưng thực ra không phải. Rất nhiều ông chủ của các CLB bóng đá ở Đông Âu là trùm xã hội đen hoặc có quan hệ làm ăn với mafia. Mà đã sống trong thế giới của mafia, người ta buộc phải chấp nhận cả rủi ro về tính mạng. Chuyện các chủ tịch CLB ở Bulgaria bị sát hại chắc có lẽ chỉ đủ miêu tả một phần bức tranh vốn nhuốm màu bạo lực của bóng đá Đông Âu.

Nghịch lý nằm ở chỗ, trong khi phải đối mặt hàng ngày với cảnh báo về những nguy hiểm có khả năng gặp phải khi dấn thân vào bóng đá, bóng đá Đông Âu nói chung và bóng đá Nga nói riêng vẫn xuất hiện ngày một nhiều đại gia. Sự góp mặt của những tỉ phú như Abramovich hay Berezovsky… đương nhiên khiến cho bộ mặt của bóng đá khu vực này trở nên sáng sủa, với những đầu tư thiết thực về vật chất. Nhưng câu hỏi ngược lại có lẽ đáng lưu tâm hơn. Đó là các tài phiệt đầu tư vào bóng đá để làm gì, khi họ thừa biết rủi ro của ngành kinh doanh này? Câu trả lời, chắc chỉ chính họ mới biết rõ nhất.

Cách đây không lâu, cả FIFA lẫn UEFA đều lên tiếng bày tỏ quan ngại về thực trạng bóng đá ở Đông Âu.

Trong khi chất lượng nền bóng đá quốc nội cũng như ĐTQG của các nước trong khu vực này có chiều hướng sa sút thậm tệ, thì mặt trái của nó là cá độ, bán độ và dàn xếp tỉ số lại phát triển rầm rộ, đến mức không thể kiểm soát. Báo động được đưa ra khi hàng loạt trận đấu, cả ở cấp ĐTQG bị tình nghi có mùi. Có điều, nạn dịch này thật khó để giải quyết. Bởi đơn giản, bóng đá Đông Âu vẫn nơm nớp nỗi lo từ sự hăm dọa của mafia.

Theo bongdaplus.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast