Dấu ấn văn hóa Nghi Xuân, Can Lộc trong hồn thơ Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Phẩm chất của Nguyễn Du là sự hội tụ của nhiều giá trị, trong đó, nổi bật là giá trị miền Kinh Bắc văn vật quê mẹ và vùng văn hóa lưu vực sông Lam quê cha. Trong quãng đời của mình, dầu thời gian ở quê cha không nhiều (tính vỏn vẹn khoảng 8 năm) nhưng ảnh hưởng của vùng đất tổ vẫn rất sâu đậm. Sự ảnh hưởng này được hội tụ từ nhiều đặc điểm, trong đó, có phong thổ Nghi Xuân, dòng tộc Nguyễn Tiên Điền.

Dấu ấn văn hóa Nghi Xuân, Can Lộc trong hồn thơ Nguyễn Du ảnh 1
CLB Ca trù Nghi Xuân trình diễn trong Ngày thơ Việt Nam 2015 tổ chức tại Khu Di tích Đại thi hào Nguyễn Du.

Đầu năm 1796, Nguyễn Du về Tiên Điền, kết thúc 10 năm gió bụi ở Thái Bình và ở đây cho đến năm 1802. Đây là lần nhà thơ ở Tiên Điền lâu nhất, hơn 6 năm. Cũng có tài liệu chép là Nguyễn Du về Tiên Điền vào năm 1794. Tiên Điền là đất lắm quan nhưng “địa bạc, dân bần”, nông dân nghèo khổ. Trong thơ Nguyễn Du viết:

Quê nhà nắng sớm mưa mai

Đã buồn giở đến lịp tơi càng buồn.

Dựng ngôi nhà nhỏ ở xóm Tiền Giáp để cùng vợ con trú thân, Nguyễn Du sống trong cảnh đói cơm, rách áo: Trong bếp suốt ngày không có lửa. Bế tắc, bi quan, Nguyễn Du giao du với các nhà sư, với những người am hiểu Phật, Lão; tiếp xúc với nhiều tao nhân, mặc khách, đi lại trao đổi thư từ, đồng thời cũng gần gũi với đám bình dân. Sách Giai thoại và tư liệu về Nguyễn Du – Truyện Kiều do Thái Kim Đỉnh biên soạn có kể lại lời của các cụ Tiên Điền xưa: Nguyễn thường đi vào hàng xóm chuyện trò, hỏi han, hoặc thơ thẩn ngoài đồng, có khi ngồi với đám trẻ chăn trâu, có khi lại nghe các cô gái làng đến gánh nước nói chuyện, có khi ra bờ sông ngắm cảnh, có khi lang thang trong làng tới khuya mới về, hoặc mượn chiếc thuyền con, xuống nằm ngủ đến sáng.

Những chi tiết này, theo phán đoán, đã để lại những dấu ấn trong thơ Nguyễn Du, nhất là các cảnh huống chậm, buồn, gợi sự hiu hắt trong Truyện Kiều giống thực cảnh ở Nghi Xuân như: Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia, Mịt mù dặm cát đồi cây. Cũng vì thế, nhiều giả thuyết đã cho rằng, các câu thơ như: Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa, Triều lên nổi sóng đùng đùng, Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi là cảnh huống Nguyễn Du mô tả cửa Hội Thống quê nhà.

Tâm trạng buồn chán, Nguyễn Du tìm đến việc đi săn và câu cá như một thú vui. Vì thế, ngoài hiệu Thanh Hiên, Nguyễn Du còn có biệt hiệu Nam hải điếu đồ (gã câu cá bể Nam) và Hồng sơn liệp hộ (gã đi săn Ngàn Hống). Sách xưa kể lại: suốt chín mươi chín ngọn Hồng Lĩnh không có nơi nào là Nguyễn không đặt chân đến, Nguyễn thuộc từng con khe, cái động, cùng ăn cơm với phường săn. Dĩ nhiên, như đã nói, đi săn đối với Nguyễn Du vẫn là chuyện ứng xử với nhân thế. Điều đó được thể hiện trong bài thơ Liệp (Đi săn):

Kẻ đạt quan trường chí đỉnh mây,

Còn ta vui thú với hươu nai.

Cốt lòng thư thái không mong được,

Không hại điều nhân diệt các loài.

Xạ ngủ cỏ thơm hương ướt ẩm,

Núi xa, chó sủa tiếng ngoài tai.

Thú vui phù thế âu tùy thích,

Xe đón lộng che ấy những ai?

(Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhất Uyên dịch)

Không gian bên ngoài và tâm trạng của Nguyễn Du lúc bấy giờ cũng đã tác động đến tình và cảnh trong các bài thơ như Hành lạc từ phản ánh cái an vui thanh thản của nhà nho ngày xưa; bài Lam giang tả cảnh sông Lam hùng tráng gắn với tâm trạng sợ hãi:

Ta trông đầu sông Lam,

Lòng thường lo áy náy,

Nếu không may sẩy chân,

Hẳn chìm sâu tận đáy.

(Nhất Uyên dịch)

Là con người đa tài, đa tình, khi được về quê cha, hơn nữa lại là vùng của miền ví, giặm, Nguyễn Du đã được thả hồn mình trong những làn điệu dân ca, say mê đối đáp, gặp gỡ với những người con gái đẹp. Làng Trường Lưu, quê nhà thông gia Nguyễn Du cách Tiên Điền một con sông có chuyến đò ngang ở bến đò Cài và cái truông Hống. Đây là đất của hát phường vải, những câu ví giao duyên. Giai thoại kể các cuộc đi hát của Nguyễn Du cũng như những sự gặp gỡ hiện vẫn còn khá nhiều. Có chuyện kể rằng, một chiều nọ, Nguyễn Du đến bến đò Cài để qua sông thì gặp mưa. Lúc ấy, vì mến tài tình của Nguyễn, cô lái đò đã không quản hiểm nguy, một mình lái đò sang đón. Cô vừa xông pha trong mưa gió, vừa hát:

Sóng to thuyền bé khó sang

Em nguyện thiên địa giúp chàng một phen.

Lại có chuyện chép lại sự ứng đối mang tính trào lộng, vừa tài tình, vừa duyên dáng giữa trai gái phường Trường Lưu, có sự tham gia của Nguyễn. Chuyện kể, cô Cúc là người nhan sắc và đẹp nết nhưng muộn chồng, vì thế, có chàng trai hát ví:

Trăm hoa đua nở ngày xuân

Cớ sao cúc lại muộn mằn về thu.

Ai cũng hiểu câu ấy có ý châm chọc, tức là nói chuyện muộn chồng, con. Trong vai người “gà” chuyện, Nguyễn “gà” cho cô gái:

Vì chưng ham chút nhụy vàng

Cho nên cúc phải muộn màng về thu.

Ở Trường Lưu còn lưu lại nhiều câu chuyện liên quan đến hát ví, trong đó, có chuyện Nguyễn Du sang chơi, dự buổi hát phường vải nên đã có tình ý với một cô gái Trường Lưu, sau đó, về Tiên Điền, lâu ngày không sang. Cô gái tương tư thành bệnh, bỏ cả nghề bông vải. Một danh sĩ trong họ Nguyễn Huy (có tài liệu chép là Nguyễn Huy Quýnh) biết chuyện nên viết bài Thác lời phường vải Trường Lưu theo thể lục bát để giãi bày nỗi niềm cho cô gái. Bài thơ có câu:

Tim gan để hắt ra ngoài

Trông theo truông Hống đò Cài biết đâu.

Nhận được thư, hiểu được tâm tình, Nguyễn Du cảm động viết bài Thác lời trai phường nón để trả lời, trong đó, có câu:

Hồng Sơn cao ngất mấy trùng

Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.

Dấu ấn văn hóa Nghi Xuân, Can Lộc trong hồn thơ Nguyễn Du ảnh 2
CLB Dân ca Ví, Giặm Trường Lưu thực hành diễn xướng. Ảnh: Công Tường

Cũng từ hát ví, nói đúng hơn, từ sự tiếc rẻ cô Uy, cô Sạ giỏi hát ví nay đã đi lấy chồng, làng Trường Lưu thiếu đi nét tươi mới trong hát ví nên Nguyễn Du đã viết Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ. Chuyện Nguyễn Du với việc hát ví làng Trường Lưu, giai thoại trong dân gian còn kể nhiều, nhiều chuyện được đưa vào sách, có nhiều chuyện tình tiết không giống nhau. Ở làng Trường Lưu ngày nay vẫn còn lưu lại những câu thơ như là niềm tự hào của người dân nơi này:

Trường Lưu làng xóm thanh bình

Nguyễn Du xưa vốn nặng tình nơi đây

Nổi danh gái sắc trai tài

Nghìn năm văn vật ngời ngời sử xanh.

Không chỉ mê say hát ví, Nguyễn Du còn mê hát ả đào. Các cụ già ở Nghi Xuân trước đây có kể lại chuyện tình giữa Nguyễn và nàng Nguyệt danh ca tài sắc đất Cổ Đạm, cách Tiên Điền nửa ngày đường.

Những chi tiết trong đời thực của Nguyễn Du gắn với những cô gái đã được nhiều nhà nghiên cứu coi đó là cơ sở để có những sự tương liên với nàng Cầm trong Long thành cầm giả ca, Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh ký, nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh.

Những nét văn hóa Nghệ Tĩnh, nhất là ở vùng sôi động thuộc Nghi Xuân, Can Lộc ngày nay còn để lại sâu đậm trong tác phẩm Truyện Kiều bất hủ. Đối với Truyện Kiều, theo học giả Hoàng Xuân Hãn trong Nguồn gốc Truyện Kiều đăng trên báo Thanh Nghị số 32, tháng 3/1943: “Ông Nguyễn Huy Hổ tác giả Mai đình mộng ký chắc chắn đã thuộc lòng Hoa tiên (tác giả là Nguyễn Huy Tự, con cụ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh ở làng Trường Lưu, là con rể cụ Tiến sĩ Nguyễn Khản, anh ruột cụ Nguyễn Du - tác giả) trước lúc làm bài ký ấy và cụ Nguyễn Du cũng đã thuộc lòng Hoa tiên và Mai đình mộng ký trước lúc làm tập Đoạn trường tân thanh”.

Cũng theo Hoàng Xuân Hãn trong bài Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều đăng trên Tạp chí Văn học, số 3, năm 1997 còn nhận xét: “Cụ Nguyễn Du tuy ở Bắc nhiều - mẹ người Bắc - nhưng cái gốc Nghệ cũng không khỏi được. Cho nên tiếng Nghệ instinctivement (bản năng - PV) tự nhiên Cụ viết ra, nhiều khi Cụ viết ra những tiếng dùng ở Nghệ chứ ở ngoài Bắc người ta ít dùng lắm. Tuy phần lớn văn Kiều là tiếng Bắc đấy, nhưng có những tiếng như thế”. Đó là các trường hợp mà cụ Hoàng Xuân Hãn đọc các câu: Sắc đành trọi một, tài đành họa hai, câu Mày râu nhẵn trụi, áo quần bảnh bao, Sở Khanh đã trẹ dây cương lối nào.

Ngày nay, đọc Truyện Kiều chúng ta – những người Nghệ Tĩnh không khó để nhận ra những sắc thái từ địa phương xuất hiện với tần số cao như; ả, mụ, chi.. Những từ ngữ này được Nguyễn Du sắp đặt rất điêu luyện, phù hợp với ngữ cảnh, làm nên giá trị thông điệp – thẩm mỹ tuyệt vời. Có thể thấy điều này qua các câu như: Lầu xanh có mụ Tú Bà (từ “mụ” chỉ người đàn bà thiếu nhân cách, tỏ rõ sự khinh miệt); Ra tuồng trên bộc trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi (từ chi trong ngữ cảnh này rất phù hợp với khẩu ngữ, là ngôn ngữ đối thoại, tự chất vấn của nhân vật); Đầu lòng hai ả tố nga (từ ả rất phù hợp với cách kể chuyện nôm na, mách qué ở Nghệ Tĩnh). Hoặc từ mo trong câu: Mặt mo đã thấy Sở Khanh lẻn vào mượn hình ảnh vỏ mo rất quen thuộc ngày trước để chỉ bản chất lật lọng, vô liêm sỉ của Sở Khanh. Từ địa phương trong Truyện Kiều là một vấn đề lớn, đã gây ra một số cuộc tranh cãi, do Truyện Kiều có nhiều dị bản. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng, những từ địa phương ở một số trường hợp là do việc chép lại của người đọc mà thành.

Quê hương tác động tới thơ ca của Đại thi hào là điều tất yếu. Nếu ứng chiếu lý thuyết phân tâm học thì điều này không chỉ do chỗ tiếp xúc trực tiếp (tức là việc Nguyễn Du về sống tại Tiên Điền) mà còn nằm trong vô thức. Từ đây giải thích tại sao mỗi vùng đất thường mang theo một đặc điểm tính cách, khí chất của con người, trong đó, dễ nhận thấy là khí chất người Nghệ Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast