Đầu năm đi lễ và câu chuyện ý thức

(Baohatinh.vn) - Đi lễ chùa ngày đầu năm cũng chính là dịp để du xuân, vãn cảnh, tìm sự thư thái, yên bình trong tâm hồn, để cầu mong cho gia đình, người thân những điều tốt đẹp. Thế nhưng, không ít lễ hội ngày càng mất đi vẻ đẹp văn hóa truyền thống do ý thức, lối hành xử của chính mỗi người dân.

Ý thức của người dân - “biết rồi, khổ lắm…!”

Hà Tĩnh có rất nhiều đình chùa, miếu mạo... với rất nhiều lễ hội trong năm, chủ yếu tập trung vào dịp đầu năm mới âm lịch. Tuy nhiên, ở nhiều nơi vẫn còn diễn ra cảnh bát nháo, lộn xộn, chen chúc nhau để đặt lễ, dâng hương, tấu sớ…

Xin ấn tại đền Lộc Hoa công chúa
Xin ấn tại đền Lộc Hoa công chúa

Tại đền thờ Mẫu Thượng ngàn - Lộc Hoa công chúa ở Truông Bát (Ngọc Sơn, Thạch Hà), trong những ngày đầu năm mới, tôi đã được chứng kiến cảnh tượng người dân chen lấn để xin xăm, xin ấn. Không thấy sự có mặt của BQL nên việc thắp hương của du khách thỏa sức theo ý muốn khiến không gian mịt mù khói. Một số lư hương ngoài trời do người dân thắp quá nhiều và tiết trời hanh khô nên đã bùng cháy. Cảnh tượng đó khiến không ít người xuýt xoa cho rằng, hóa hương là điềm tốt, là đã được chứng giám lòng thành. Tại điểm xin ấn - một khung cảnh chen lấn, xô đẩy lộn xộn khiến người phát ấn phải nổi cáu ngăn các thiện nam, tín nữ: “Cướp như thế là không thiêng đâu!”. Bà Nguyễn Thị Hiền - người dân ở Hương Khê chia sẻ: “Tôi cũng không biết việc xin ấn ở đền Bà có từ lúc nào, chỉ thấy mọi người chen lấn, xô đẩy nhau để xin thì tôi cũng xin. Nhưng nghe nói rằng, có ấn này mang theo thì sẽ được bình an và may mắn”.

Cũng trong chuyến du xuân đầu năm mới, chúng tôi về thắp hương tại đền Chợ Củi - Xuân Hồng (Nghi Xuân). Cảnh tượng ở đây cũng có nhiều điều đáng nói. Ngay từ ngoài cổng đến tận cửa đền là một dãy dài đến cả trăm người bán vàng mã, hương hoa, tiền gieo quẻ, đồ lễ… với số lượng rất lớn và chủng loại cũng vô cùng phong phú lấn ra cả đường đi. Rất nhiều người ăn xin ngồi dọc các lối đi, ngửa mũ hoặc thùng các-tông nhỏ, thấy khách đi qua thì cất tiếng van cầu. Do lượng du khách vào làm lễ quá đông nên trong đền rất lộn xộn. Mặc dù đã có loa thông báo về việc BQL đã thắp hương vòng tại các điện thờ, ban thờ, nhưng việc thắp hương của các du khách vẫn không được hạn chế. Hương được đốt quá nhiều, biến lư hương thành một lò than rực lửa, nhiều du khách còn cắm hương vào gốc cây, cành cây…

Đình chùa là chốn linh thiêng, việc ăn mặc khi đi đền chùa dẫu không có quy định nhưng phải kín đáo, nghiêm túc. Thế nhưng, không ít tín nữ vẫn “hồn nhiên” mặc váy ngắn đi lễ, cũng vào điện thắp hương, sì sụp khấn vái. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Thu Hà đến từ Hà Nội cho biết: “Đầu năm cùng gia đình, bạn bè du xuân, việc ăn mặc, chúng tôi cũng không để ý lắm. Nghe người bà con ở Vinh nói về sự linh thiêng của đền Ông Hoàng Mười (đền Chợ Củi), chúng tôi sang dâng lễ, thắp hương nên cũng chẳng kịp thay trang phục. Thực sự cũng e ngại nhưng sang đây mới thấy, không riêng gì tôi mà nhiều người khác cũng mặc váy ngắn đi lễ chùa”.

Cùng với ý thức của người dân, việc thương mại hóa các dịch vụ ở đền Chợ Củi vẫn còn tồn tại. Chọn một người viết sớ có khuôn mặt ưa nhìn đang đon đả mời chào khách, với 20 ngàn đồng, mỗi gia đình chúng tôi nhanh chóng có được lá sớ nhưng khi viết xong, ông thầy dặn: “Mỗi sớ đọc xong phải trả cho thầy 50 ngàn đồng em nhé!”. Tại lò đốt hương, không khí cũng nhộn nhịp không kém bởi với quan niệm hóa càng nhiều vàng mã càng được lộc nhiều nên lò hóa vàng hoạt động hết công suất. Ngoài hòm công đức được đặt tại nơi hóa vàng, chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ bởi sau khi hóa xong còn xuất hiện thêm một người đến xin lộc (tiền) và thậm chí còn xin cả hoa quả mà chúng tôi đã dâng lễ.

Nạn ăn xin tại đền Chợ Củi
Nạn ăn xin tại đền Chợ Củi

Đến không ít lễ hội, cảnh tượng chung là người người khấn vái, có nhiều người viết hẳn ra giấy những “đề xuất” để “đọc cho… Thánh nghe”! Một người làm, hàng trăm người làm theo. Cả một đám đông khấn vái hùi hụi như tranh như cướp, sợ Thánh nghe và nhận lời người khác trước khi nhận lời của mình! Lại có người mang cả thịt lên chùa cúng Phật. Có nơi, bất chấp biển cấm: “Không được mang hương vào đền!”, người dân vẫn mang từng bó lớn nghi ngút đi khắp các gian đền làm khói cay xè cả mắt mũi… Sự mê tín thái quá cùng với ý thức kém của một số người dân khi tham gia lễ hội, đặc biệt là án mạng ngay từ ngày đầu năm mới tại chùa Hương Tích (Thiên Lộc – Can Lộc) đã thực sự là mảng màu xám, những góc khuất làm giảm vẻ đẹp, sự tôn nghiêm của những lễ hội đầu năm.

Tăng cường công tác quản lý

Giữ gìn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, truyền thống của các lễ hội là mong muốn không của riêng ai. Chính vì thế, thời gian qua, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cũng đang nỗ lực để lễ hội đầu năm thực sự là nét đẹp văn hóa tâm linh của mỗi người dân. Và những nỗ lực đó cũng đã bắt đầu mang lại những chuyển biến đáng ghi nhận. Cụ thể, tại đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu ở Kỳ Ninh (Kỳ Anh) đã có cuộc thi tuyển thầy lễ với các tiêu chí khắt khe. Sự vào cuộc quyết liệt của BQL đền, chính quyền địa phương trong việc siết chặt công tác quản lý, nhắc nhở du khách cùng với cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp nên dù mỗi ngày đón tiếp hàng ngàn lượt người dân khắp cả nước nhưng không khí trang nghiêm, môi trường sạch đẹp và nét văn hóa trong việc tế lễ, cầu an, ý thức của người dân trong việc dâng hương… đã để lại ấn tượng tốt đẹp về ngôi đền thiêng ở vùng cửa biển.

Thực tế cho thấy, việc siết chặt kỷ cương, công tác quản lý tại các địa chỉ tâm linh để trả lại nét đẹp văn hóa truyền thống cho các lễ hội là điều không dễ nhưng không phải là không thể. Vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người khi tham gia lễ hội nhưng cũng cần sự tăng cường quản lý của các lực lượng chức năng mới mong đưa các hoạt động tâm linh của người dân đi vào nền nếp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast