Đề cử Oscar 2015 bị chỉ trích vì phân biệt chủng tộc

Người hâm mộ cho rằng lễ trao giải vào tối 22/2 tới đây sẽ là giải Oscar “trắng” nhất kể từ năm 1998, lại xoáy vào vấn đề phân biệt chủng tộc ở Hollywood.

Bà Isaacs, người là chủ tịch da màu đầu tiên của Viện Hàn lâm, đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin AP hôm thứ Sáu (16/1), quanh các đề cử giải Oscar và những chỉ trích rằng có quá nhiều người da trắng góp mặt trong danh sách đề cử.

Tất cả đề cử đều xứng đáng

Những lời chỉ trích xoay quanh việc tất cả 20 người đua giải trong các hạng mục về diễn xuất đều là dân da trắng. Ngoài ra không có người phụ nữ nào được đề cử ở các hạng mục liên quan đến biên kịch.

Sau khi danh sách đề cử được chính thức công bố vào sáng thứ Năm ( 8 giờ 30, giờ địa phương tại Mỹ), hashtag (tạm dịch là "đánh dấu) #OscarsSoWhite (Oscars dành cho người da trắng) đã ngay lập tức trở thành trào lưu, được nhiều người trên mạng xã hội Twitter sử dụng, nhằm thể hiện sự bất bình.

Hiệp hội truyền thông Mỹ - Châu Á Thái Bình Dương đã ra một tuyên bố hôm 16/1, nói rằng các đề cử Oscars năm nay “phản ánh rõ nét sự thiếu đa dạng của hoạt động bầu chọn, cũng như của các bộ phim tham gia tranh giải".

Tuy nhiên bà Boone Isaacs vẫn một mực khẳng định rằng Viện Hàn lâm “đã thực hiện quá trình bầu chọn nghiêm túc để tìm ra những quan điểm và cách thể hiện đa đạng nhất trong điện ảnh". Bà cũng nói rằng Viện Hàn lâm đã chú ý tới sự cống hiến của các diễn viên là nữ giới và người da màu. Bà còn cho biết Viện Hàn lâm đã tăng cường bổ sung các thành viên mới mang tính đại diện lớn hơn cho nhiều nhóm sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp...

Bà từ chối trả lời câu hỏi liệu mình và Viện Hàn lâm có cảm thấy xấu hổ, khi đưa ra một danh sách đề cử toàn người da trắng. Thay vào đó, nữ chủ tịch khẳng định bà tự hào về tất cả các đề cử, rằng những con người và bộ phim nằm trong danh sách đều xứng đáng được công nhận.

Bà giải thích, mỗi hạng mục có những tiêu chuẩn riêng về sự xuất sắc và chính những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh sẽ đề cử các đồng nghiệp của họ. Ví dụ, chỉ có các đạo diễn mới được đề cử giải Đạo diễn xuất sắc nhất và chỉ có các nam diễn viên mới được quyền đưa ra ý kiến trong hạng mục giải thưởng của mình. Tất cả cả các phiếu bầu đều chứa quan điểm cá nhân và mang tính bí mật, để đảm bảo việc có một kết quả bầu chọn khách quan nhất.

Đề cử Oscar Phim hay nhất đã là phần thưởng lớn

Với tất cả những sự ủng hộ mà Selma, bộ phim chính kịch về đề tài quyền dân sự, nhận được từ sau khi công chiếu vào dịp Giáng sinh, một số người cảm thấy việc đạo diễn Ava DuVernay hay diễn viên David Oyelowo không nhận được đề cử ở hạng mục của họ đã phản ánh một sự thiên vị mang tính phân biệt chủng tộc.

Bà Boone Isaacs đã lý giải về điều này: “Cần nhớ một điều quan trọng để tránh có cái nhìn sai lệch về Selma, một phim tuyệt vời đã được đề cử tranh giải Phim hay nhất năm nay, là hạng mục Phim hay nhất được chọn lựa bởi toàn bộ 7000 thành viên của Viện Hàn lâm.”

Ngoài giải Phim hay nhất, Selma chỉ nhận được thêm một đề cử cho giải Ca khúc trong phim hay nhất. Tuy nhiên, bà Isaacs cho rằng người ta không nên đánh giá một bộ phim chỉ dựa theo số lượng đề cử giải Oscar mà nó nhận được. “Bộ phim đã nhận được đề cử giải Oscar Phim hay nhất. Đó là một phần thưởng đáng quý, thể hiện sự thừa nhận tài năng của tất cả ekip thực hiện Selma” - bà nói.

Bà Isaacs khẳng định rằng cả 5 đề cử trong danh sách rút gọn hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc bao gồm Bradley Cooper (American Sniper), Steve Carell (Foxcatcher), Benedict Cumberbatch (The Imitation Game), Eddie Redmayne (The Theory of Everything) và Michael Keaton (Birdman) đều "là những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực của họ”. "Năm nay có khá ít nam diễn viên nổi trội hẳn ở hạng mục của họ” – bà nói – “Có 5 đề cử được chọn trong năm nay, và họ chính là 5 cá nhân xứng đáng nhất.”

Tính đa dạng của đề cử giải Oscars nằm ở đâu?

Theo bà Isaacs, sự đa dạng thể hiện ở việc Viện Hàn lâm đã lập ra tới 17 hạng mục giải thưởng Oscar, xuất phát từ những những kiến nghị về việc cần có thêm hạng mục giải thưởng mới.

“Đây là một tổ chức với nhiều thành viên, vì vậy chúng tôi đều tham gia vào quá trình bàn luận và đẩy mạnh sự đa dạng hóa” – bà nói thêm - “Việc chúng tôi tiếp tục mở rộng số lượng thành viên cũng như công nhận các tài năng mới là vô cùng quan trọng.”

Trong tuyên bố hôm 16/1, Hiệp hội Châu Á-Thái Bình Dương cũng nhắc tới việc Viện Hàn lâm phải có trách nhiệm nâng cao sự đa dạng trong điện ảnh. Bà Isaacs đồng ý với nhận định này.

“Một lần nữa, chúng ta cần chú ý rằng sự đa dạng về quan điểm và kinh nghiệm làm phim không hề đi xuống, không mất đi mà đang tiến xa hơn” – bà nói – “Tuy nhiên các đề cử năm nay còn nhiều điều đáng xem xét hơn là việc chỉ xoáy sâu vào vấn đề này".

Theo Vân Anh/TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast