Đền Bà Hải từ thư tịch đến tục thờ cúng

Bà Hải, mỹ tự là Chế Thắng phu nhân, danh xưng được tôn vinh là Loan Nương thánh mẫu được thờ tại 2 ngôi đền thuộc xã Kỳ Lợi và xã Kỳ Ninh (Kỳ Anh). Cũng như các vị nữ hải thần khác, Bà Hải, theo truyền thuyết, là một nhân vật bước ra từ những khung cảnh lịch sử có thật.

Một nghi thức trong lễ hội tế giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu
Một nghi thức trong lễ hội tế giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu

Truyền thuyết kể rằng, Bà Hải tên thật là Nguyễn Cơ, tự Bích Châu, một cung phi thông minh, tài giỏi, có tài thao lược, được vua Trần Duệ Tông (1337-1377) yêu quý. Tuy nhiên, tên của vị cung phi này tuyệt nhiên không xuất hiện trong các bộ sử, mà chỉ hiện lên qua những áng văn thơ và các truyền ngôn.

Có 2 nguồn tư liệu nhắc đến bà: thứ nhất là truyền thuyết dân gian lưu hành ở địa phương kể rằng: Bích Châu đã tử nạn nơi chiến địa khi đang cưỡi ngựa đánh giặc bảo vệ nhà vua. Nhà vua bại trận và cũng bị tử nạn trong trận chiến đó. Linh cữu nhà vua được đưa về kinh thành Thăng Long bằng đường bộ, còn linh cữu nàng được đưa về bằng đường biển. Khi đi qua cửa khẩu Kỳ Hoa, gặp sóng to, gió lớn, thuyền phải quay lại. Quan quân lên bờ làm lễ mai táng nàng ngay bên bờ biển. Đền thờ nàng cũng được lập ở đó.

Nguồn tư liệu thứ 2 là 3 tác phẩm văn học thành văn: bài Hà Hoa hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Hà Hoa) trong tập Minh lương cẩm tú (tập thơ này được cho là của Lê Thánh Tông sáng tác trong chuyến vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành năm 1470); truyện Hải Khẩu linh từ trong tập Truyền kỳ tân phả của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1749); truyện Bích Châu du tiên mạn ký (Nàng Bích Châu đi chơi cõi tiên) được rút ra từ tập Gia phả của dòng họ Nguyễn Huy và được cho là của Nguyễn Huy Hổ.

Theo các tác phẩm trên, Bà Hải là người thông tuệ mà vị tha và đầy bản lĩnh. Khí phách của bà lấn át và làm lu mờ các đấng tu mi nam tử, cho dù họ là bậc minh quân, là loài thủy quái hay là những nhân vật đời thường. Đối nghịch với vua Trần Duệ Tông do dự và mềm yếu, nàng Bích Châu tỏa sáng bởi sự thông tuệ và quyết đoán. Trong tác phẩm của Đoàn Thị Điểm, Bích Châu còn là người nữ tài sắc vẹn toàn và có chí khí, quyết sống chết với tấc lòng trung quân ái quốc. Một điều lí thú ở đây là, trong thế đối chọi với tên thủy thần dâm ác, Đoàn Thị Điểm đã lấy tinh thần nho giáo để diệt loại thần nhảm nhí nhưng trong mạch tự sự, tinh thần nữ quyền của nhà văn đã đẩy nhân vật nữ thoát khỏi khung khổ nho giáo của truyện kể, để trở thành một trang liệt nữ, dám và đủ sức đối chọi với cả một thành trì vững chắc của trật tự phong kiến.

Nhìn từ góc độ người tham gia vào việc kể chuyện, sáng tác, thực hành nghi lễ, có thể thấy yếu tố nữ có vai trò đáng kể trong quá trình hình thành tục thờ và thực hành nghi lễ. Đoàn Thị Điểm, như tất cả chúng ta đều biết, là nữ sĩ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam thời trung đại. Trong cuộc đời bà, các giai thoại đều nhấn mạnh tính vượt trội của tài năng, sắc đẹp và bản lĩnh của bà so với các trang tu mi nam tử. Và trong tác phẩm nổi tiếng của mình, bà Đoàn Thị Điểm đã hoàn toàn viết về những tấm gương liệt nữ của nước Nam. Các truyện của bà nằm hoàn toàn trong khuynh hướng nữ quyền ở chỗ đề cao người phụ nữ trên tất cả các phương diện: đạo đức, tài năng, sự phóng khoáng và bản lĩnh mà trong đó, bản lĩnh tự khẳng định mình của họ được đề cao nhất.

Với Hải Khẩu linh từ, vai trò cá nhân của bà là hết sức quan trọng trong việc cố định hóa một cốt kể về Bà Hải đã lưu hành tản mạn trong dân gian, định hình hóa một nhân cách cho vị thần chủ đền thờ thần biển mà ảnh hưởng của nó tới sự lan truyền trở lại trong dân gian sau đó là điều có thể thấy rõ.

Nhìn từ góc độ ý nghĩa của việc thực hành nghi lễ, các truyền thuyết về các vị nữ thần biển hầu hết đều mang nỗi oan ức và việc thực hành nghi lễ, trong ý nghĩa sâu xa đều mang ý nghĩa giải oan cho các bà. Ta biết rằng, nỗi oan ức, trong xã hội phong kiến chỉ tập trung vào các tầng lớp dưới và đặc biệt là phụ nữ. Nỗi oan sừng sững của người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam đã được Nguyễn Dữ (?-? - thời Lê sơ - Mạc) miêu tả một cách sinh động trong truyện Người con gái Nam Xương.

Khác với người con gái Nam Xương, Bà Hải chịu đựng một nỗi oan mang tính đẳng cấp xã hội. Truyền kỳ tân phả đã khắc sâu vào tâm khảm người dân địa phương và những ai biết đến ngôi đền này việc Giao Long hiện lên đòi hiến một mạng nữ tì. Bích Châu là người xuất sắc của những nữ tì theo hầu vua, nàng đã tình nguyện. Một quyết định đầy tính quyết đoán dẫn tới một kết cục quá bi thương: người con gái tài sắc, liễu yếu đào tơ phải gieo mình vào sóng dữ để sóng yên biển lặng và chủ yếu là để yên lòng ba quân. Một cái chết thể hiện lòng trung quân ái quốc nhưng vẫn là một cái chết mang âm hưởng oan nghiệt. Các nghi lễ tiếp theo (vua Duệ Tông đọc văn tế chiêu hồn nàng, quan quân khóc lóc như mưa, vua Lê Thánh Tông xót thương, lập kế “cứu” xác nàng, ngợi ca nàng, cho lập đền thờ…) cũng là để bày tỏ sự giải oan cho nàng một cách muộn màng. Người dân lập đền thờ quanh năm cúng tế cũng chính là cách tẩy đi cho bà nỗi oan nghiệt năm xưa.

Đến đây, có thể nhìn nhận vấn đề người nữ bị hàm oan trong tục thờ nữ thần biển ở Việt Nam theo một hướng khác nữa đó là: biển khơi, trong con mắt của người dân Việt chứa đầy tai ương, hiểm họa nhưng biển khơi đã từng không ngăn nổi bước chân của người Việt tiến về phương nam trong một nỗ lực làm yên và mở mang bờ cõi và người Việt đã nhiều phen chứng kiến sự thất bại. Tuy nhiên, con người đã hòa giải với thiên nhiên để tiến tới những cột mốc xa hơn trong đích đi tới của mình.

Sự minh oan cho các nhân vật nữ, việc phong thần và thờ cúng họ, suy cho cùng, chính là sự hòa giải với thiên nhiên, một thiên nhiên đẹp đẽ nên thơ nhưng cũng tráo trở khôn lường, một thiên nhiên mang đến cho con người nguồn lợi dồi dào nhưng cũng sẵn sàng nhấn chìm con người trong các cuộc phong ba dữ dội. Việc sử dụng hình ảnh nhân vật nữ cho các cuộc hy sinh thể hiện cái nhìn định kiến về người phụ nữ trong đời sống xã hội và đời sống chính trị của triều đại phong kiến. Nhưng việc phong thần cho họ, việc gắn các nhân vật nữ bị hàm oan vào các vương triều trong nỗ lực nho giáo hóa điện thờ nhằm dùng cái nhìn tôn ti của trật tự hành chính để xóa đi cái nhìn phân biệt nam nữ trong trật tự xã hội chính là cách thức nhằm tăng quyền cho phụ nữ ngay trong lòng cái chế độ miệt thị vai trò của họ. Cách nhìn này bắt nguồn từ việc đề cao vị trí người phụ nữ có từ trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á và vẫn “sống” trong những điều kiện ngặt nghèo của chế độ phong kiến, nhất là chế độ chính trị nho giáo cực thịnh từ đời Lê trở đi.

Nhìn trong sự so sánh với hệ thống nam thần biển, hệ thống nữ thần biển mang những nét đặc trưng riêng biệt. Các nam thần biển như vua cha Bát Hải (thờ ở đền Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), Đông Hải đại vương Trần Quốc Nghiễn (thời Trần, đền thờ ở TP Hồng Gai), Đông Hải đại vương Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng (thời Trần - đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh), Đông Hải đại vương Đoàn Thượng (cuối Lý đầu Trần), Đông Hải đại vương Nguyễn Phục (đời Lê)… là một hệ thống khác. Hệ thống này cho thấy vào thời Trần, Lê, việc hướng ra chinh phục biển khơi của cha ông ta tỏ ra đã khá mạnh mẽ. Và công việc này sẽ được tiếp tục bởi các chúa Nguyễn và vua Nguyễn mà sử sách đã ghi. Hệ thống này thể hiện sức mạnh chinh phục, gắn với các trận chiến đấu, thể hiện tính nam trong khi hệ thống nữ thần biển, thể hiện sự hòa giải, sự thích ứng, sự phù hộ độ trì cho không chỉ cư dân biển mà còn cư dân của các miền vũ trụ, sự thích ứng mềm mại trước các biến động của tự nhiên, chính trị và xã hội ở mọi thời đại và đó là tính nữ của một tục thờ.

Nhìn vào sự phát triển của tục thờ nữ thần biển, nhìn vào số lượng các đền thờ và khách hành lễ ngày một tăng, nhìn vào sự tăng lên, sự thiết tha của các nhu cầu đang gửi vào nơi cửa Mẫu vốn là nữ thần biển, ta có thể thấy sự tăng lên không ngừng của quyền lực các vị thần, điều này chứng tỏ tính năng động của một tục thờ cúng. Như là nước vậy, không hình dạng mà có thể thích ứng với muôn hình dạng; không cứng rắn mà làm mài mòn và chảy trôi biết bao định kiến và thành trì; yếu đuối và nhẫn nhịn mà ứng hợp với lòng người trong biết bao bể dâu của thời cuộc, đặc biệt từ điểm nhìn của những đổi thay nhanh chóng của đời sống đương đại hôm nay.

PGS.TS Trần Thị An (Viện Khoa học xã hội Việt Nam)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast