Đến Nhật đừng quên “tắm tiên”

Cả nam và nữ đều thoáng trong chuyện khỏa thân tắm suối. Đó còn là cách giao tiếp đặc biệt trong văn hóa của người Nhật. Khách du lịch thường rỉ tai nhau: “Đến Nhật Bản mà chưa tắm onsen thì mới chỉ coi như đang ở biên giới”.

Cũng có người cho rằng Onsen giống Sentou, đều là tắm thật sạch sẽ rồi mới vào ngâm mình trong bồn, khác mỗi cái là được ngâm ngoài trời.

Thực chất thì không giống đâu, chỉ là về hình thức thì hơi hơi giống. Sentou là nước nóng được đun lên rồi đổ vào bồn, còn Onsen là suối nước nóng tự nhiên hình thành từ những ngọn núi lửa đã không còn hoặc vẫn đang hoạt động, nước ở đây là nước khoáng nguyên chất đấy, rất tốt cho sức khoẻ. Vì thế, người Nhật đến Onsen không chỉ để thư giãn hay nuôi dưỡng tinh thần mà còn để chữa bệnh và chăm sóc cơ thể nữa.

Truyền thống Onsen thường được để lộ thiên (nhà tắm lộ thiên tiếng Nhật là rotenburo hoặc notenburo), nhưng ngày nay kiểu nhà tắm trong nhà lại rất thịnh hành, hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan địa phương hoặc của tư nhân (uchiyu) - thường là khách sạn, ryokan hoặc nhà trọ tư nhân (minshuku - chỉ phục vụ chỗ ngủ và bữa sáng cho khách trọ), đặc trưng của những nhà trọ kiểu này là người đứng đầu thường là bà chủ okamisan.

Onsen chủ yếu xuất hiện ở vùng nông thôn, nên những đôi tình nhân, vợ chồng con cái hoặc cả công ty sau những giờ làm việc học tập căng thẳng, hoặc đơn giản chỉ muốn tìm một nơi lãng mạn và mới lạ thường lặn lội đi tàu từ thành phố về vùng quê hẻo lánh để nghỉ ngơi thư giãn và tâm tình dưới làn nước nóng ấm.

Trước khi ngâm mình vào bể nước nóng, mọi người đều tắm gội sạch sẽ bằng vòi hoa sen, sau đó mới xuống bồn ngâm. Ở các khu tắm Onsen vẫn có qui định là du khách không được mặc quần áo khi tắm và khi di chuyển đến bồn tắm thì cần mặc bộ kimono mỏng gọi là yukata.

Người Nhật cho rằng giao tiếp khi đang ở trần khiến con người trở nên ngang hàng, đồng cảm và thân thiết hơn, phá bỏ mọi rào cản về vị trí, chức tước, nghề nghiệp.

Với những du khách không phả người Nhật, bạn sẽ được HDV giải thích rất cặn kẽ về cách tắm và cách ăn mặc, cách cư xử trong phòng tắm, để khách không phải bỡ ngỡ. Bước vào không gian onsen, người ta không chỉ trút bỏ trang phục- không còn phân biệt đẳng cấp, mà còn trút bỏ cả những định kiến về đạo đức, về giới tính, để hoàn toàn thơ ngây và thánh thiện như khi con người mới bước chân vào cuộc đời…

Khi cơ thể chìm giữa làn nước nóng bốc hơi nghi ngút giữa nhiệt độ ngoài trời chỉ dưới 10 độ C (thậm chí là độ âm), tay có thể chạm vào cây lá, mũi ngửi thấy mùi hoa lạ, tai nghe tiếng con sông đổ ầm ầm như thác – con người và con người, con người và thiên nhiên không một ngăn cách, dù chỉ là một lớp quần áo mỏng nhất, dù chỉ là một chút ngượng ngùng, e ngại – khi ấy bạn sẽ hiểu vì sao trong những khoảnh khắc chơi vơi nhất.

Ngoài ra ở các địa điểm tắm suối nước nóng, người ta còn cho phục vụ thêm các hình thức kèm theo như: sauna (tắm hơi trong phòng kín), hồ bơi, nhà hàng, nhà nghỉ, … một số còn nâng cấp thêm thành một khu du lịch với đầy đủ các dịch vụ phong phú như: phòng họp, khách sạn, phòng internet, sân tennis, bóng bàn, thậm chí còn có cả sân golf.

Theo Dân trí

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast