Đền Tam Lang - nét văn hóa đặc sắc

"Ai về mòi chợ mà coi/ Trên đền, dưới chợ, hai voi phục chầu", câu ca này đã trở nên quen thuộc với người dân xã Xuân Lộc (Can Lộc) vì gợi tới niềm tự hào về một di tích ghi lại dấu ấn lịch sử, cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây - đền Tam Lang (hay còn gọi là đền Voi Ngựa).

Theo lời kể của những bậc cao niên trong địa phương kết hợp với các tư liệu lịch sử, đền Tam Lang được xây dựng vào triều đại nhà Trần, khoảng niên hiệu Kiến Tân (1398 – 1400).

Đền thờ thần Tam Lang (Thần Rắn) - một nét tín ngưỡng của dân tộc ta mà hiện nay tại Hà Tĩnh chỉ tồn tại ở một số nơi như: Đền Cả (Hậu Lộc - Lộc Hà), Miếu Ao (Thạch Trị - Thạch Hà), Đền Phúc Lai (Sơn Bằng - Hương Sơn).

Kiến trúc đền khá hoàn chỉnh với hệ thống nghi môn gồm cổng chính, nhà quan tả, quan hữu, quạt nanh, nhà che ngựa, tắc môn nối liền nhau thành một khối liên hoàn và bố trí cân đối với nhau; hệ thống đền thờ có nhà trung điện và thượng điện theo kiểu chữ tam, xây trên sườn núi, khoảng cách 3,3 m so với nghi môn và xung quanh có hệ thống móng, tường kiên cố.

Đền Tam Lang

Đền Tam Lang

Đền gắn với lịch sử chống quân xâm lược của dân tộc. Tương truyền trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, trước khi đem quân lên mở cuộc tấn công ở Đỗ Gia (Hương sơn) năm 1424, nghĩa quân Lê Lợi đã dừng chân ở chốn này. Đêm đó, bỗng dưng voi biến mất. Lê Lợi đã thắp hương lễ tế. Thế là, nghĩa quân tìm lại được voi ở Đồi Trọc. Thắng giặc trở về, vua cho đúc 2 tượng voi chầu hai bên trước nghi môn và 2 con ngựa chiến để thờ. Cũng chính từ đó, đền có thêm tên mới - đền Voi Ngựa.

Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực đền rất trù mật, cây cối rậm rạp với nhiều cây cổ thụ là nơi tổ chức Hội nghị chi bộ xứ Trung Kỳ do đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chủ trì. Đền là địa điểm tập hợp lực lượng khởi nghĩa trong phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Năm 1940 – 1945, là nơi họp bàn kế hoach cướp chính quyền của quân và dân Nghệ Tĩnh. Và cũng là địa điểm tập kết, huấn luyện dân quân du kích, huấn luyện bắn cung nỏ, súng kíp, súng trường phục vụ kháng chiến những năm 1946 – 1947.

Kháng chiến chống Mỹ, đền và khu vực lân cận là nơi trú ngụ của bộ đội, tập kết pháo cao xạ, tên lửa, đạn dược, ra đa, thực phẩm... cung ứng cho chiến trường.

Đền Tam Lang đã trở thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương từ bao đời nay. Ngoài thờ thần Tam Lang, đền còn thờ tự nhiều vị thần khác: Đại càn quốc gia Nam Hải, Tam Tòa thành hoàng, Quán quân mạnh lang hoàng minh tự Tô Đại Liêu, song đồng Ngọc Nữ công chúa, Đương Cảnh thành hoàng, đô đốc phủ thái bảo Ngô quận công và những người có công với đất nước.

Dưới triều đại nhà Lê, cứ vào dịp tế xuân (Lễ Khai hạ) và Lễ Kỳ phúc, triều đình lại sai trấn thần về chủ trì lễ thần, nhân dân trong vùng nô nức về đây tế lễ. Đặc biệt, Lễ Kỳ phúc hàng năm được nhân dân địa phương tổ chức rất long trọng, dân làng giết mổ trâu bò dâng tế thần linh cầu nguyện cho mọi người dân yên ổn làm ăn, thoát khỏi hoạn nạn, cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nét đẹp văn hóa ấy đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác và ngày càng được cải biến phù hợp với nếp nghĩ, nếp sống của người dân.

Hằng năm, nhân dân địa phương và các khu vực lân cận lại náo nức về tham dự các lễ lớn được tổ chức tại đền: lễ Khai hạ (7/1), lễ Kỳ phúc (15/6), lễ Xá tội vong linh (15/7 âm lịch), lễ Sắp ấm (25/12 âm lịch), Lễ trừ tịch và Nguyên đán tế vào giao thừa và tổ chức những trò chơi dân gian quen thuộc vào mỗi độ tết đến, xuân về.

Ngót 6 thế kỉ trôi qua, trước sự biến thiên của lịch sử, sự bào mòn của thiên nhiên khắc nghiệt cùng sự tàn phá của chiến tranh, kiến trúc đền ít nhiều cũng bị xuống cấp nhưng một số bộ phận vẫn giữ được dáng vẻ kiên trúc cổ ban đầu của nó. Nghệ thuật chạm khắc trên gỗ ở Thượng điện, kỹ thuật và vật liệu xây dựng cổ, hệ thống sắc phong... là những tư liệu quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Năm 2001, nhân dân địa phương Thượng Xuân gồm: Mai Hoa, Mai Long, Sơn Phượng đóng góp sức người và sức của cùng sự quan tâm của chính quyền xã, huyện đã tôn tạo lại khuôn viên và kiến trúc Trung điện, hệ thống tường bao. Với những giá trị đó, năm 2006, đền Tam Lang được Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh.

Đền cũ, người nay, song những nét đẹp văn hóa của ngôi đền và suy nghĩ của người dân về đền Voi Ngựa vẫn còn đó. Đền Tam Lang mãi làdi tích văn hóa – lịch sử, là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân Xuân Lộc và một số địa phương lân cận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast