Điểm sáng văn hóa Thạch Châu

Với 100% làng đạt làng văn hóa cấp tỉnh, hơn 80 % số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, Thạch Châu (Lộc Hà) trở thành điểm sáng văn hóa, dẫn đầu tỉnh Hà Tĩnh.

Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Tám cho biết: Thạch Châu dựa vào thế mạnh là bề dày truyền thống. Khơi dậy truyền thống văn hóa được xem là chìa khóa để Thạch Châu sớm thoát khỏi đói nghèo để không hổ thẹn với truyền thống của ông cha.

Về thôn Thanh Tân, nơi có dòng họ “Phan Huy” nổi tiếng được xã chọn làm điểm. Tại đây, cả hệ thống chính trị kết hợp với dòng họ được huy động vào cuộc để triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cứ mỗi đoàn thể phụ trách một tổ, nhóm dân cư và thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn vận động bà con. Huy động nội lực là chính, xã “kích cầu” đầu tư xây “vỏ” hội quán - Nhà văn hóa (NVH) với phương châm nhân dân góp “ruột” đạt chuẩn. Chỉ sau một thời gian, NVH Thanh Tân trở thành điểm sinh hoạt không thể thiếu được của người nông dân vốn chỉ quen tay lấm, chân bùn. Nơi đây, vào buổi sáng, các cụ lão tập dưỡng sinh, chơi cờ, đọc sách báo; chiều là những trận bóng đá, bóng chuyền của thanh thiếu niên; tối chị em tập văn nghệ...

Đọc đã trở thành thói quen trong sinh hoạt văn hóa của người dân Thạch Châu
Đọc đã trở thành thói quen trong sinh hoạt văn hóa của người dân Thạch Châu

Xóm trưởng Thanh Tân, Phan Huy Anh nói: Hôm đưa NVH vào hoạt động, đội văn nghệ biểu diễn sôi nổi, các thôn khác đến dự đều “nóng máy” với câu hỏi Thanh Tân làm được vậy sao thôn ta không làm được?. Từ đó yêu cầu xã cho cơ chế để họ vận động xây NVH thôn như Thanh Tân. Cùng đó, Thanh Tân còn vận động bà con hàng xóm, anh em họ tộc và con em thành đạt ở xa cùng với sự hỗ trợ của chính quyền để góp tiền của, công sức xóa hết một lúc mấy chục nhà tranh tre dột nát và cứng hóa giao thông trong toàn thôn.

Theo xóm trưởng Phan Huy Anh, từ việc hoàn thành xóa nhà tranh tre dột nát, đường bê tông nội thôn, tình làng nghĩa xóm ở Thanh Tân càng được thắt chặt hơn. Trong 3 năm (1999 - 2002, thôn Thanh Tân đã hoàn thành các tiêu chí công nhận làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên của xã Thạch Châu.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Tám, từ thành công mô hình Thanh Tân, việc nhân rộng mô hình xây dựng làng văn hóa và xóa nhà tranh tre dột nát trong xã cũng diễn ra khá thuận lợi. Ngoài việc quy hoạch địa điểm xây dựng NVH, sân thể thao… cho các thôn, Thạch Châu tập trung kêu gọi đóng góp từ nội lực trong nhân dân, con em ở xa quê, các nhà hảo tâm…và lồng ghép các chương trình dự án khác để đầu tư đúng mức cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa cơ sở... Hiện nay hầu hết ở Thạch Châu đã có hệ thống sân chơi, bãi tập, thành lập các câu lạc bộ, thư viện thôn, hình thành các điểm đọc báo và tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh… Thông qua hoạt động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hôn nhân gia đình, sinh đẻ có kế hoạch, công tác hòa giải và phong trào thể dục thể thao, văn nghệ... đã thu hút hàng ngàn người tham gia, tập luyện thường xuyên.

Qua cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở Thạch Châu, các quy ước, hương ước làng xã được điều chỉnh lại cho phù hợp với Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, nhất là việc hiếu hỉ, tang lễ... Đến nay đã thành nếp, các cặp vợ chồng trẻ đến đăng ký kết hôn tại UBND xã đều mang theo cây xanh đến trồng tại khuôn viên xã, tượng đài liệt sỹ, trường học; ký cam kết thực hiện kế hoạch hóa gia đình và khuyến khích tổ chức đám cưới tại CLB thôn. Hiện đã có nhiều cặp vợ chồng tổ chức đám cưới tại CLB thôn, chi phí giảm 30-40% so với tổ chức tại gia đình. Tại Thạch Châu cũng không còn cảnh cúng đơm, ăn uống linh đình, loạn trướng, hoa trong các tang lễ…

Thư viện xã Thạch Châu với hàng ngàn đầu sách các loại luôn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham khảo của người dân
Thư viện xã Thạch Châu với hàng ngàn đầu sách các loại luôn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham khảo của người dân

Để duy trì và phát triển phong trào theo hướng xã hội hóa, hàng năm, các thôn đều phát động việc đóng góp bổ sung cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa ở cơ sở. Ngoài việc huy động tại địa phương còn có đóng góp đáng kể của con em Thạch Châu ở mọi miền đất nước.

Anh Phan Huy Hòa, thôn Bằng Châu đang công tác ở Vũng Tàu, ngoài phần tài trợ còn cho thôn ứng trước hàng trăm triệu đồng để xây dựng NVH. Ở Thạch Châu, còn nhiều mạnh thường quân như anh Hòa đóng góp xây dựng quê hương. Trong tổng số 30 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở Thạch Châu thời gian qua, xã hội hóa chiếm khoảng một phần ba. Việc xây dựng nhà NVH thôn, thiết chế văn hóa cơ sở trị giá nhiều tỷ đồng cùng với việc duy trì hoạt động thường xuyên quỹ khuyến học tại 52 dòng họ, 11/11 chi hội khuyến học, quỹ người cao tuổi…đều do sự đóng góp của người dân, dòng họ và con cháu từ mọi miền đất nước.

Đời sống vật chất, tinh thần và sự đoàn kết gắn bó của nhân dân Thạch Châu được từng bước được nâng lên rõ rệt. Từ những kết quả đó càng khích lệ người dân trong xã hăng say lao động sản xuất, tích cực xây dựng các thiết chế văn hóa và phong trào xây dựng làng xã văn hóa cùng việc xóa nhà tranh tre dột nát trên địa bàn lại rầm rộ trở thành phong trào thi đua giữa các làng và dòng họ với nhau. Đến năm 2006, Thạch Châu đã cơ bản xóa xong nhà dột nát trong toàn xã, tỷ lệ ngói hóa đạt 99,8%; đồng thời 11/11 thôn được công nhân đạt làng văn hóa cấp tỉnh; 100% số dòng họ đã đi vào thực hiện hương ước, quy ước làng xã…

Việc đạt được danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh đã khó nhưng việc giữ được danh hiệu lại càng khó hơn. Từ đó cấp ủy, chính quyền luôn xác định việc xây dựng và quản lý làng văn hóa là nhiệm vụ và trách nhiệm thường xuyên của người dân Thạch Châu và luôn phải tăng cường công tác quản lý đối với từng thôn xóm. Hiện nay, toàn xã đã thành lập được 75 dòng họ tự quản, 77 tổ tự quản liên gia thường xuyên hoạt động. Từ đó, các mâu thuẫn lớn, nhỏ nảy sinh trong gia đình, trong nhân dân được giải quyết thấu đáo ngay từ gốc mà bà con còn giúp nhau làm ăn, xóa đói giảm nghèo.

Về giáo dục, y tế, hiện nay, Thạch Châu có 3 trường học và trạm xá đều đạt chuẩn quốc gia; trường tiểu học và mầm non đạt chuẩn mức 2; Các trường trong xã liên tục đạt trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh nhiều năm liền; hàng năm có 40-45 cháu thi đậu các trường đại học và cao đẳng. Xã còn có một thư viện có 5 nghìn đầu sách, dưới đó còn có 11 thư viện thôn với nhiều loại sách, báo, hàng ngày có cả trăm lượt người đến đọc, nghiên cứu… Cũng nhờ đọc và làm theo sách báo, ở Thạch Châu xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất giỏi, trồng đậu, lạc cho giá trị và năng xuất cao.

Để trở thành điểm sáng Thạch Châu như hôm nay, có sự đóng góp lớn của 75 dòng họ, trong đó có nhiều dòng họ lớn như: Lê Xuân, Lê Văn, Nguyễn Đình, Lê Quang… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là dòng họ Phan Huy. Theo Bách khoa toàn thư: Dòng họ Phan Huy ở xã Thạch Châu – một dòng họ văn hóa của thế kỷ 18 và 19, mở rộng ra cả Bắc Hà. Dòng họ này các tên tuổi lớn như: Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Phan Huy Ôn, Phan Huy Quát, Phan Huy Lê… Hiện ở thôn Thanh Tân có nhà thờ Phan Huy từ thế kỷ 18 – di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây còn lưu giữ 22 sắc phong của các triều đại cho những người con của dòng họ đỗ đạt cao và có công với nước. Con cháu dòng họ đã quyên góp xây dựng nhà truyền thống dòng họ Phan Huy.

Theo bác Phan Huy Xương (79 tuổi): Người lớn tuổi trong dòng học không chỉ sống gương mẫu mà còn có trách nhiệm giáo dục con cháu phải biết phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhờ có truyền thống và khát vọng vươn lên mà em Phan Huy Tú (26 tuổi) bị liệt và tật cả tay chân vẫn quyết chí vươn lên học giỏi (hiện nay Tú là sinh viên Khoa Công nghệ, trường Đại học Vinh) cùng với có nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nhờ sự tiếp sức của dòng họ mà các con cháu đều học giỏi, thi đậu các trường đại học và cao đẳng.

Theo thống kế chưa đầy đủ, hiện nay, dòng họ Phan Huy đã có 16 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và hàng trăm kỹ sư, bác sỹ... Cùng nhiều họ tộc khác trong xã, dòng họ Phan Huy đã góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa Thạch Châu.

Nói về Thạch Châu hôm nay trong niềm tự hào, Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thị Nữ Y cho biết: Thành công về xây dựng văn hóa tạo đà cho Thạch Châu phát triển kinh tế. Việc xây dựng làng văn hóa góp phần tích cực vào chương trình cải cách hành chính, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn. Thạch Châu được chọn là một trong 12 xã điểm xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh. Đến nay, Thạch châu đã lập xong đề án xây dựng xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2013) và Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, sẽ tập trung phát triển sản xuất nông lâm, thủy sản hàng hóa tập trung mà tập trung chủ yếu vào cây rau, hoa, lạc và nuôi trồng thủy sản, và chăn nuôi tập trung để phục vụ cho thành phố Hà Tĩnh và khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Thạch Châu đang phát triển mạnh theo hướng phát triển dịch vụ, thương mại… phấn đấu đến năm 2013 hoàn thành xây dựng NTM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast