Đình Thanh Lương - Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa

Lộc Hà là vùng đất “giàu” lễ hội truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Mặc dù đang bị nhiều tác động từ nền kinh tế thị trường nhưng ngành văn hóa và các tầng lớp nhân dân nơi đây vẫn nỗ lực gìn giữ được rất nhiều lễ hội, di tích, hiện vật quý hiếm, hàm chứa những giá trị tinh thần và nhân văn sâu sắc. Đình Thanh Lương ở xã Phù Lưu là một trong số đó.

Đình Thanh Lương là di tích tọa lạc trên vùng đất cao ráo của làng Thanh Lương, xã Phù Lưu (Lộc Hà). Đây là nơi thờ cúng danh thần Phan Thân (tên thường gọi là Phan Khắc Liên) – người có công lập làng Thanh Lương và giúp vua đánh giặc.

Gia phả của dòng họ và các tài liệu lịch sử ghi lại nhân vật lịch sử Phan Khắc Liên thuộc tầng lớp hào phú, tính tình hào hiệp, nghĩa khí và luôn có tinh thần chăm lo cho đời sống dân sinh, mở mang canh tác, xây dựng cơ nghiệp.

Trao Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho Đình Thanh Lương

Trao Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho Đình Thanh Lương

Theo tiến trình lịch sử, vào năm Kỷ Sửu (1469) vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem binh gây hấn vùng biên cương phía nam nên ngày 16 tháng 11 năm 1470, vua Lê Thánh Tông quyết định thân chinh đem thủy binh chinh phạt. Đến thượng tuần tháng 12 năm đó, quân ta đến khu vực Cổ Kênh (đò Cánh Cạn ngày nay) thì thiếu quân lương nên cuộc hành quân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Phan Khắc Liên đã cho người chẻ tre đan thành hình con voi, bên trong chứa lương thực đem đến cung cấp cho quân lính triều đình. Nhờ sự tiếp tế kịp thời nên đoàn quân chinh phạt đã có thể tiếp tục cuộc nam tiến và sớm bình xong giặc Chiêm.

Tháng 3 năm 1471, đoàn quân thắng trận trở về Cổ Kênh, Phan Khắc Liên đã được vua Lê đã khen ngợi và ghi danh. Sau khi ông mất, dân làng Thanh Lương đã lập đền thờ phụng và tôn làm thành Hoàng làng. Đến đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) ông được sắc phong làm phúc thần, truy tặng năm đôi chữ tôn vinh công đức: “Bảo an trấn tịnh hộ thiện đôn ngưng, tịnh hậu”.

Ban đầu, đình được xây tại vùng đất cao Nương Niệu với diện tích khoảng một mẫu. Sau đó, do sự phát triển của làng và theo nguyện vọng của nhân dân nên đình được chuyển về trung tâm của làng trên nền đất thoáng rộng hai mẫu, có nhiều cây cổ thụ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của gần 600 năm lịch, đình được khởi dựng từ thời phong kiến đã trở thành phế tích. Để gìn giữ các giá trị truyền thống, phục vụ nhu cầu văn hóa, tâm linh trong vùng, năm 2002 đình đã được xây dựng lại bằng xi măng, cốt thép giả gỗ.

Mặc dù mới được xây dựng lại nhưng đình vẫn đảm bảo được sự uy nghi, cổ kính và những nét kiến trúc độc đáo với nhiều hạng mục như: nghi môn, tắc môn, bái đường, tả vu, hữu vu, bàn thờ ngoài trời, thượng điện…. Bên trong có nhiều câu đối, hương án gỗ, đồ tế khí (bát hương, mâm chè, lọ hoa, cọc sáp, hạc) trống chiêng, long ngai bài vị, tượng Phan Khắc Liên, tượng Bác Hồ cùng nhiều nội thất và đồ trang trí khác.

Từ xa xưa, đình Thanh Lương đã là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, hành chính, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nơi đây là một trong những địa “chỉ đỏ” của phong trào cách mạng. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đình là nơi diễn ra các cuộc họp của các đảng viên Đảng cộng sản và những quần chúng trung kiên về việc diệt ác trừ gian, trấn áp bọn tay sai và khởi xướng các cuộc đấu tranh quần chúng chống sưu cao, thuế nặng, chống đàn áp bất công.

Trong cuộc cách mạng Tháng Tám (1945), đây là nơi diễn ra việc thu hồi ấn triện của bọn lý trưởng, hương hào, chức dịch và là nơi tuyên truyền chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Từ năm 1948 – 1952, đình lại là trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến Liên Việt và đoàn thể cách mạng của xã Triều Dương (nay là xã Bình Lộc, An Lộc và Phù Lưu)…..

Ngày nay, với ý thức trân trọng, tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, ngành văn hóa huyện Lộc Hà và nhân dân trong vùng đã tích cực huy động các nguồn lực để phục hồi, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Hàng năm, cứ đến ngày Lễ kỳ phúc (diễn ra từ ngày 10 - 12 tháng 6 âm lịch) nhân dân trong vùng lại tề tựu về đây thắp nén tâm nhang để tưởng nhớ đến công lao của vị thành hoàng làng. Ngoài tham gia các trò chơi các trò dân gian, về tham dự lễ hội, mọi người lại cầu nguyện các vị thần linh và các anh hùng liệt sỹ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng ấm no, nhà nhà an khang…..

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast