Đội tuyển Việt Nam đá với Man City để làm gì?

Nhận lời mời từ Liên đoàn bóng đá Philippines (PFF), đội tuyển Việt Nam sẽ có trận giao hữu với chủ nhà Philippines trên SVĐ Philippines Sports (ngày 3/9 tới). Trận cầu phát sinh này ra đời sau khi trận đấu giữa Tuyển Việt Nam và Indonesia trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á (theo lịch cũng vào ngày 3/9) bị huỷ bỏ, từ lệnh cấm của FIFA.

Trước đó, ngày 27/7, thầy trò HLV Toshiya Miura sẽ giao đấu với CLB Man City trên sân Mỹ Đình. Đây được xem là 2 cữ dợt lý tưởng, trước chuyến làm khách đến Đài Loan (Trung Quốc), ngày 8/9 và lần đón tiếp Iraq (ngày 8/10). Đấy chỉ là một cách nói…

Một khi nhà có cỗ…

Ngay khi Premier League mùa bóng 2014/2015 vừa kết thúc, nhà tân vô địch Chelsea FC đã tìm đến Thái Lan, chơi một trận đấu nặng tính thương mại với Tuyển các ngôi sao Thái Lan. Dựa trên các mối quan hệ hợp tác đôi ba bên cùng có lợi, hàng năm, người hâm mộ bóng đá Thái Lan có điều kiện lý tưởng để theo dõi các thần tượng bằng xương bằng thịt chơi bóng. Sau Chelsea, Các ngôi sao Thái Lan tiếp tục tiếp Tottenham, Reading, Liverpool…

Ở các số báo trước, chúng ta đã bàn nhiều đến các điều kiện cần và đủ, cho việc mời các CLB châu Âu đến du đấu mùa hè. Phí ra sân và việc phát triển thị phần, là những yếu tố quan trọng được ghi rõ ràng trong kế hoạch được gửi đi. Khi các đội bóng hàng đầu châu Âu luôn tìm đến Indonesia, Thái Lan, rồi Singapore và Malaysia…, đơn giản bởi họ đáp ứng các yêu cầu tốt hơn chúng ta. Những người láng giềng vốn dĩ đã quen với việc này, còn Việt Nam giờ mới bắt đầu.

Trận đấu với Man City là cơ hội quảng bá hình ảnh của đội tuyển Việt Nam

Cũng tựa như chuyến viếng thăm của Arsenal cách đây 2 năm, trước thời điểm ông bầu Đỗ Quang Hiển (chủ tịch HĐQT T&T group, Ngân hàng SHB…) tuyên bố đã đạt được thoả thuận đưa Man City đến Việt Nam (cách đây chưa đầy 1 tháng), không một ai trong số chúng ta biết được kế hoạch giao đấu này. Nền bóng đá vẫn giữ thói quen làm việc theo quý, thậm chí là theo tháng. Nói, bóng đá Việt Nam từ nhiều năm nay, luôn lệch múi giờ FIFA, đúng cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Vì không nắm được chương trình, cũng như các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, nên rất thường xuyên vào phút cuối, chúng ta mới biết đích xác được các cái tên có trong đội hình của đối thủ, khi họ… ra thông báo. Trong quá khứ, từ các giải đấu khách mời cho đến từng trận giao hữu đơn lẻ, nền bóng đá không thiếu lần ăn quả lừa, cũng là vì “nắm đằng lưỡi”. Nghiêm túc chỉ có Juventus (96), Olympic Brazil (2008) và Arsenal (2013). Khán giả vì thế mới phải thấp thỏm chờ đợi.

Một khi chưa thể chắc được sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi sao nào chơi bóng, thì người hâm mộ có quyền đưa ra những đòi hỏi cơ bản về giá vé mà nhà tổ chức rao bán! Nhưng có cảm giác như, việc tranh luận, thậm chí là tranh cãi, yêu sách, là chuyện của… CĐV, vé bán ra để phục vụ một nhóm thiểu số, chứ không phải tất cả.

… Màu tấm thiệp không phải là vấn đề

Trong một phát biểu mới đây, TTK VFF Lê Hoài Anh cho rằng, không nhất thiết phải thay đổi “màu tấm thiệp” và chúng ta sẽ vẫn giữ tên gọi ĐTQG, như những lần trước đây. Không phải nền bóng đá cố tình chống lệnh FIFA, mà từ thực tế, cái danh ĐTQG dễ bán được quảng cáo và bản quyền truyền hình hơn, kiểu như danh chính ngôn thuận. Nếu HLV Kiatisuk Senamuang vẫn “cầm” Tuyển các ngôi sao Thái Lan đá giao hữu với Chelsea, thì đội tuyển Việt Nam là Toshiya Miura.

FIFA đã khuyến cáo và đưa vào văn bản hẳn hoi, về việc các ĐTQG không được đá giao hữu với CLB, phục vụ yếu tố thương mại. Đó là lý do từ Thái Lan đến Singapore, rồi Malaysia đều dùng tên gọi Tuyển các ngôi sao (được tập hợp từ giải VĐQG, có cả các danh thủ và các tài năng trẻ), thay vì ĐTQG nước họ. Nhưng chiếu theo bản danh sách ĐTQG và Tuyển Các ngôi sao Thái Lan mới đây, kể cũng không khác mấy. Việc thay đổi “màu của tấm thiệp” như một cách lách luật mà thôi.

Trở lại với vấn đề mà chúng ta nêu ở đầu bài viết, rằng đá giao hữu với Man City, rồi Philippines, ngoài các giá trị về thương mại và giải trí, liệu có phục vụ tiêu chí chuẩn bị cho các trận đấu chính thức trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 gặp Đài Loan (Trung Quốc) và xa hơn là Iraq hay không? Dễ dàng nhận thấy, không có bất cứ sự tương đồng nào về mặt con người, lối chơi…, giữa các đối tác và đối thủ này cả. Các trận giao hữu sắp tới, đơn thuần chỉ là những “quả lẻ”.

Từ trận đấu với Olympic Brazil năm 2008, rồi Arsenal (2013), theo chia sẻ của các tuyển thủ quốc gia, đấy là những cơ hội tuyệt vời để họ được chơi bóng và… chụp ảnh với thần tượng. Thế mới có chuyện cựu tuyển thủ Nguyễn Minh Đức chạy theo Ronaldinho vào tận đường hầm để xin đổi áo, nhưng “Rô vẩu” không đồng ý, đến nay vẫn là câu chuyện thường được nhắc. Các cầu thủ Arsenal thì thân thiện hơn, khi họ xác định, đấy đơn thuần là một chuyến du lịch đến xứ nhiệt đới. Man City có lẽ cũng thế.

Hàng chục năm qua, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và thậm chí cả Trung Quốc…, vẫn không ngừng mở những bữa tiệc thịnh soạn đón đãi các CLB hàng đầu châu Âu và thế giới, nhưng nền bóng đá các nước này vẫn không thể nâng lên một tầm cao mới. Nó đơn thuần chỉ là những vụ làm ăn và vì thế, chúng ta cũng đừng kỳ vọng nhiều.

2. Đội tuyển Việt Nam sẽ có trận giao hữu với đội bóng thứ 2 thuộc Anh quốc, sau 2 năm. Trước khi bầu Hiển đem Man City qua Mỹ Đình lần này, năm 2013, một ông bầu đình đám khác là Đoàn Nguyên Đức cũng đã kéo cả giáo sư Arsene Wenger và dàn sao Arsenal tới đây. Sau 2 trận đấu với Man City và Philippines, TuyểnViệt Nam sẽ đã 2 trận chính thức ở vòng loại World Cup 2018 (gặp Đài Loan, Trung Quốc và Iraq).

4. Có ít nhất 4 mệnh giá được đưa ra để xem trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và CLB Man City tại Mỹ Đình vào ngày 27/7 tới đây. Rẻ nhất là 600 ngàn đồng/vé và cao nhất là 1,8 triệu đồng/vé, tuỳ thuộc vào khán đài và vị trí ghế ngồi. Kinh nghiệm cho thấy, vé xem các trận đấu kiểu này thường gây sốt ảo trên mạng hoặc các diễn đàn. Người hâm mộ nếu đủ kiên nhẫn vẫn có thể mua được vé giá gốc từ… chợ đen.

6. Man City sẽ là CLB châu Âu thứ 5 từng qua Việt Nam thi đấu với ĐTQG. Trước đó, năm 1996, Juventus sau khi giành chức vô địch Champions League đã ghé thăm Hàng Đẫy. Năm 2004, đến lượt Porto FC, một nhà vô địch châu Âu khác, tuy nhiên, đội hình của đại diện Bồ Đào Nha khi ấy tập hợp khá nhiều cầu thủ trẻ. Năm 2005 là Barca B; 2009 tới lượt Olympiakos và năm 2013 là Arsenal.

Theo TT&VH

Chủ đề Tuyển Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast