ĐT nữ Việt Nam: Mỗi tuần một chuyện - "Một - hai một - hai"

Trong khoảng thời gian có 6 tháng, bóng đá nữ Việt Nam đã 2 lần nếm “trái đắng” trước người Thái: một tại SEA Games 27 và một tại trận tranh suất dự World Cup. Thực tế nghiệt ngã này cho thấy, nếu không thay đổi mạnh mẽ, bóng đá nữ Việt Nam sẽ bị Thái Lan qua mặt dài dài.

Đà tiến của Việt Nam là bước đều bước, trong khi Thái Lan đã mạnh dạn làm mới bóng đá nữ để có sức bật mạnh mẽ trong thời gian gần đây
Đà tiến của Việt Nam là bước đều bước, trong khi Thái Lan đã mạnh dạn làm mới bóng đá nữ để có sức bật mạnh mẽ trong thời gian gần đây

Dù vậy, việc thất thế trước người Thái cũng chưa phải là cái gì đó theo kiểu “trời sập” như một số ý kiến khắt khe trên báo chí một vài ngày qua.

1. Trong 10 lần gặp nhau gần nhất (từ năm 2008), Việt Nam thắng 5, hòa 3, thua 2. Trong 5 lần đối đầu gần nhất (từ năm 2011), Việt Nam thắng 1, hòa 2, thua 2. Trong 2 lần gặp nhau gần nhất (từ năm 2013), Việt Nam thua cả 2 và đều với tỷ số 1-2

Nói bóng đá nữ Việt Nam thụt lùi là chưa hẳn… chính xác, vì chúng ta vẫn phát triển ổn định, nhưng là theo kiểu hành quân đều bước “một-hai” trong khi Thái Lan đã có sự bật vọt.

Sau trận chung kết tại SEA Games 2009 trên đất Lào thua Việt Nam 0-3 ở loạt sút luân lưu 11m, bóng đá nữ Thái Lan đã cải tổ mạnh mẽ. Và, những kết quả khả quan gần đây là thành quả tất yếu của quá trình đầu tư suốt 4,5 năm qua của họ.

Có 2 bằng chứng cho thấy sự đầu tư mạnh mẽ của bóng đá nữ Thái Lan. Thứ nhất, trong thành phần BHL của ĐT Thái Lan đến TP.HCM dự Asian Cup 2014 vừa rồi có 2 vị trí rất đặc biệt: một chuyên gia kỹ thuật người Nhật Bản và một chuyên gia thể lực người Đức. Thử tưởng tượng chi phí dành cho họ mỗi năm “ngốn” của Liên đoàn bóng đá Thái Lan bao nhiêu tiền và Việt Nam nếu muốn liệu có đủ năng lực tài chính để chi trả hay không (?!).

Thứ hai, với việc vượt qua Việt Nam, ĐT nữ Thái Lan trước mắt sẽ được thưởng 6,4 tỷ đồng riêng từ LĐBĐ Thái Lan, còn Quỹ phát triển thể thao Quốc gia chưa công bố chính thức nhưng con số dự kiến cũng khoảng 3,3 tỷ đồng. Còn nhớ khi giành HCV SEA Games 2013, mỗi cầu thủ Thái Lan đút túi 300 triệu đồng tiền thưởng.

Với trách nhiệm quản lý và điều hành, VFF khóa VII đã sớm nhận ra tiềm năng cũng như những bất cập của bóng đá nữ, trong đó có ĐTQG nữ. Không đợi đến khi trận Việt Nam - Thái Lan diễn ra, Hội nghị Ban Chấp hành lần 2 khóa VII đã phác thảo kế hoạch phát triển bóng đá nữ, trong đó nhấn mạnh đến 5 vấn đề then chốt: nâng chất giải VĐQG; tăng cường các giải trẻ lứa U19, U16; đổi mới phương thức tập huấn của các ĐTQG nữ; mời chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện cho các cựu tuyển thủ có mong muốn chuyển sang công tác huấn luyện; đẩy mạnh vận động tài chính, tài trợ.

2. Có một vấn đề ít được nhắc đến liên quan đến thất bại của ĐT nữ VN trong trận tranh vé vớt dự World Cup. Đó là trách nhiệm của HLV trưởng Trần Vân Phát. Trong bóng đá, ở bất kỳ nước nào, mỗi khi đội thất bại “thuyền trưởng” bao giờ cũng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Không ai có thể phủ nhận tâm huyết và đóng góp của HLV người Trung Quốc với ĐT nữ Việt Nam từ năm 2007 đến nay. Dù vậy, hợp đồng của ông với VFF cũng sắp đáo hạn và quan trọng hơn là việc tiếp tục trao trọng trách cho ông để nâng tầm ĐT nữ VN sẽ ảnh hưởng ít nhiều, nếu xét trên khía cạnh “thổi một làn gió mới” về tư duy bóng đá, quan điểm huấn luyện cũng như trẻ hóa lực lượng của ĐT nữ VN.

Một người rất am hiểu bóng đá nữ là ông Mai Đức Chung mới đây khi trả lời phỏng vấn Báo Bóng đá đưa ra quan điểm, đã đến lúc Việt Nam nên đẩy mạnh việc mời các đội bóng nước ngoài đến Việt Nam và hoặc đưa đội Việt Nam ra nước ngoài thi đấu để cọ xát, nâng cao trình độ, trong đó nên đặc biệt lưu ý đến Nhật Bản - một cường quốc bóng đá nữ.

Sự tiến bộ của bóng đá nữ Jordan sau khi mời nhà cầm quân Masahiko Okiyama người Nhật Bản chính là một trường hợp để các nhà hoạch định bóng đá nữ Việt Nam tham khảo. Bên cạnh đó, việc đưa về một HLV người Nhật Bản cho ĐT nữ Việt Nam cũng là bước đi thích hợp để đồng bộ hóa định hướng học tập toàn diện mô hình phát triển bóng đá Nhật Bản của VFF, sau khi đã có các ông Tanaka Koji, Toshiya Miura và sắp tới là một Giám đốc Kỹ thuật cũng đến từ Nhật Bản.

3. Câu chuyện học cách sống chung với thất bại trong mấy ngày qua cũng là vấn đề… đáng nói. Thái Lan và Myanmar luôn đặc biệt quan tâm đến bóng đá nữ nhưng Myanmar hàng chục năm nay vẫn lẹt đẹt còn Thái Lan suốt 4 năm ròng sống dưới cái bóng của Việt Nam. Do đó, 2 thất bại trong 6 tháng qua trước Thái Lan rất đáng buồn song dù gì cũng chưa thể là “thảm họa” với bóng đá nữ Việt Nam.

Nói như người trong cuộc - tiền đạo, tuyển thủ Nguyễn Thị Minh Nguyệt - thì “không nên quá bi quan về tương lai” vì thật ra sự chênh lệch giữa bóng đá nữ Việt Nam và Thái Lan không nhiều, đặc biệt khi ĐT nữ Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, và rằng “hãy tin tưởng vào những Thanh Hương, Nguyễn Thị Nguyệt, Tuyết Dung, Nguyễn Thị Liễu, Chương Thị Kiều, Huỳnh Như, Vũ Thị Nhung, Nguyễn Thị Xuyến…, những trụ cột thời gian tới của ĐT nữ Việt Nam”.

CON SỐ 8 - Tính cả lần vượt qua Việt Nam tại trận play-off tranh vé đi World Cup 2015 vừa qua, Thái Lan đã có trận thắng thứ 8 trong 23 lần chạm trán Việt Nam. Thành tích đối đầu với Thái Lan của Việt Nam tính từ năm 1997 là: thắng 9 hòa 6 thua 8, ghi 29 bàn để lọt lưới 30 bàn.

GÓC ẢNH:

Dù rất thất vọng sau thất bại đau đớn trước đối thủ Thái Lan, qua đó đánh mất cơ hội tham dự World Cup quý giá, nhưng Kim Hồng và đồng đội vẫn đi vòng quanh sân để cảm ơn sự cổ vũ cuồng nhiệt của hội CĐV Việt Nam.

Nguồn: Bongda+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast