Đưa dân ca vào trường học - Còn đâu thời sôi nổi

Là địa phương có nhiều làn điệu dân ca đặc sắc, huyện Nghi Xuân đã có nhiều động thái tích cực nhằm khôi phục vốn quý văn hóa này. Cùng với thành lập các CLB dân ca, phong trào đưa dân ca vào trường học cũng tạo được những kết quả khả quan, có tác động khá mạnh mẽ đến phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì nhiều nguyên nhân phong trào này không còn sôi nổi như trước khiến sức sống dân ca trong đời sống nhân dân có phần giảm sút…

Một thời sôi nổi

Năm 1998, sau hội thảo ca trù Cổ Đạm, trung tâm văn hóa huyện Nghi Xuân đã thành lập CLB ca trù nhằm tạo sự phối hợp, giúp đỡ giữa CLB nhà nước và các CLB đã có ở các địa phương. Cũng từ đó, ngành văn hóa phối hợp với ngành giáo dục tạo ra phong trào đưa dân ca vào trường học dưới hình thức các tiết học ngoại khóa và lồng vào một số tiết học dân ca địa phương.

Ca nương nhí Thu Hà - một phát hiện đặc biệt từ phong trào đưa dân ca vào trường học

Ca nương nhí Thu Hà - một phát hiện đặc biệt từ phong trào đưa dân ca vào trường học

Thời kỳ đó, cứ 2 năm (về sau là 3 năm) một lần, huyện lại tổ chức hội thi tiếng hát học đường. Tại sân khấu đó, các em học sinh đã thể hiện khả năng hát dân ca của mình một cách rất đa dạng. Đã có rất nhiều em đạt giải cao từ cuộc thi này về sau đã trở thành ca sỹ, nghệ sỹ chuyên nghiệp như Bùi Lê Mận, Hoàng Anh… nhiều em đã đạt giải cao trong liên hoan toàn quốc như Phương Anh (huy chương vàng liên hoan ca trù toàn quốc năm 2008), Thu Hà (giải giọng ca triển vọng tại liên hoan ca trù toàn quốc), hoặc trở thành những hạt nhân xuất sắc phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Có thể nói, chính những hội thi, hội diễn như thế đã tạo động lực to lớn cho sự phát triển của phong trào hát dân ca trong các trường học, từ đó cũng tạo ảnh hưởng đến phong trào văn nghệ quần chúng ở các địa phương.

Nhằm đưa phong trào phát triển mạnh mẽ hơn, trung tâm VHTT huyện Nghi Xuân đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật hát và viết lời mới trên làn điệu dân ca cũ cho đội ngũ giáo viên nhạc và những người có năng khiếu trong các trường học. Qua đó, trong các hội thi hội diễn, các trường học đều có tiết mục tự biên rất xuất sắc. Nổi bật về khả năng viết lời mới cho dân ca là cô Trần Thị Viện, Phan Thị Kim Oanh ở trường THCS Thành Mỹ, nhiều bài hát của các cô đã trở thành bài hát phổ biến ở các địa phương được nhiều người thuộc và được sử dụng trong nhiều chương trình văn nghệ quần chúng.

Nhờ những người tâm huyết với dân ca như vậy nên phong trào hát dân ca trong các trường học thời gian này diễn ra rất sôi nổi, rầm rộ. Điển hình là các trường: Tiểu học Xuân Đan, Xuân Liên, Xuân Hồng 1, THCS Nguyễn Trãi, Hoa Liên, Thành Mỹ, Cương Gián, PTTH Nguyễn Du, PTTH bán công Nghi Xuân v.v…

Từ chỗ hiểu rõ các làn điệu và biết nghe dân ca, các em đã yêu và có thể hát thành thạo các loại hình dân ca cổ. Ngoài những hạt nhân xuất sắc thì đa số học sinh đều biết hát dân ca, ít nhất là những điệu đơn giản như ví, hò khoan đi đường, hò bơi thuyền… Từ những kiến thức đã được học, các em cũng đã truyền lại cho các thành viên khác trong gia đình. Chính vì thế, có một thời ở Nghi Xuân người người hát dân ca, nhà nhà đều hát dân ca.

Và thực tại chìm lắng...

Sôi nổi là thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, những hội thi, hội diễn tiếng hát học đường không còn được tổ chức nữa nên phong trào học và hát dân ca có phần giảm sút. Tuy các trường học vẫn duy trì các tiết học ngoại khóa nhưng sự hào hứng ở học trò đã không còn như trước. Nếu như trước đây tất cả học sinh trong các trường học đều say mê tìm hiểu các làn điệu dân ca thì nay điều đó đã không còn. Nếu như trước đây có nhiều hạt nhân văn nghệ xuất sắc, có thể bồi dưỡng thành tài và thành danh tại các hội thi, hội diễn cấp cao thì nay điều đó đã trở nên khó khăn hơn.

Cũng theo cấp độ đi xuống đó, sức ảnh hưởng của phong trào tới các hoạt động văn hóa văn nghệ địa phương cũng bị giảm rất nhiều. Thay cho các tiết mục dân ca và dân ca tự biên trong các chương trình văn nghệ quần chúng là nhiều bài hát mới, dễ hát và dễ dàn dựng hơn. Trước tình hình khó khăn đó, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở Nghi Xuân đã tìm nhiều giải pháp để duy trì sức sống của dân ca trong sinh hoạt của nhân dân.

Chị Trần Thị Cảnh – Phó GĐ TT VHTT huyện cho biết: “Để duy trì sức sống dân ca, trong các hội thi, hội diễn của các ngành tôi đều đề xuất quy chế phải có phần chào hỏi bằng dân ca. Ngoài ra, hiện nay chúng tôi cũng đang tích cực hành động, khuyến khích các đội văn nghệ quần chúng, các CLB dân ca của các xã tuyên truyền nông thôn mới bằng dân ca”.

Tuy phong trào học và hát dân ca trong các trường học hiện nay đang tạm lắng xuống nhưng chiều sâu thì vẫn còn. Những cán bộ văn hóa và đội ngũ giáo viên tâm huyết với văn hóa truyền thống của quê hương vẫn luôn luôn trăn trở tìm hướng đi mới cho phong trào này. Hy vọng, trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Nghi Xuân cũng sẽ có những chủ trương mới nhằm khôi phục phong trào này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast