Facebook - “con dao hai lưỡi”

(Baohatinh.vn) - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, facebook và các trang mạng xã hội khác đang ngày càng trở nên phổ biến và thu hút đông đảo người tham gia, nhất là giới trẻ.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Không thể phủ nhận những ích lợi mà facebook mang lại như góp phần đưa con người đến gần nhau hơn; nơi chia sẻ tâm tư, tình cảm với bạn bè, người thân, những kinh nghiệm trong cuộc sống; truyền tải khối lượng thông tin lớn, đa dạng và nhanh chóng. Facebook cũng là kênh truyền thông vô cùng tích cực cho các công ty, cửa hàng, câu lạc bộ - đội – nhóm... Nhưng song hành với đó, facebook như là “con dao hai lưỡi” ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng.Facebook - “con dao hai lưỡi”.

Lê N. N. - học sinh Trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) đã sớm được bố mẹ sắm cho một chiếc điện thoại có thể kết nối mạng và dĩ nhiên, N. khai thác tối đa tốc độ truyền mạng cho facebook. Danh sách bạn bè hơn 2.000 người, trong khi người bạn thật sự N. có thể quen biết chỉ chiếm phần nhỏ. Mỗi bức ảnh N. tải lên nhận được hàng trăm lượt like (thích). Chụp ảnh đủ mọi kiểu, đếm lượt like và chat là công việc hàng ngày không thể rời tay của N. Mọi hoạt động trường, lớp tổ chức N. đến đầy đủ nhưng chẳng phải để tham gia mà chỉ nhằm chụp ảnh “khoe” face.

Không những N. mà nhiều bạn trẻ hiện nay sử dụng facebook không đúng mục đích, trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian học tập, sinh hoạt, giao tiếp xã hội bên ngoài của các em. Nhiều lúc mải mê facebook, N. quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập.

N. tâm sự: “Sau khi quay lại bàn học, em vẫn “lưu luyến” với ảnh face, trạng thái face, nút like... mà không thể tập trung gây ảnh hưởng đến việc học tập. Chưa kể đến thị lực giảm khi dành cả tiếng đồng hồ, thậm chí là vài tiếng để cắm cúi nhìn màn hình máy tính, điện thoại di động. Vì thế, bố mẹ em đã tịch thu điện thoại”.

Trần Mạnh H. (sinh viên năm 2 – Đại học Hà Tĩnh) tâm sự: “Bọn em đang trong thời gian nghỉ ôn thi, bạn bè không gặp nhau nên lên facebook vừa cập nhật thông tin, vừa hỏi thêm được các kiến thức học ôn”. “Có chắc là học ôn qua facebook hiệu quả không em?! - Tôi hỏi. H. cười thật thà: “Thường thì chat face (trò chuyện qua tin nhắn facebook) tới khuya rồi ngủ chị ạ. Cứ lên face là tán chuyện tào lao thôi, dứt không được, chuyện học thì có nhắc đến nhưng chỉ là mấy đứa than với nhau khó học, hỏi được đề cương coi như xong vứt đó luôn”.

Lập một kế hoạch học tập, vui chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp ta sống có ích hơn.
Lập một kế hoạch học tập, vui chơi lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp ta sống có ích hơn.

Khi quá quen với việc trao đổi thông tin qua tin nhắn, hình ảnh, bài viết và nút like trên facebook, con người ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội. Thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ, trò chuyện ngoài đời thực... trở nên ít ỏi. Điều này thực sự không tốt bởi giao tiếp mặt đối mặt luôn mang đến trải nghiệm, cảm xúc chân thật và thú vị hơn. Việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, chạy theo trào lưu trên “mạng ảo” khiến người trẻ lười hơn trong tham gia các hoạt động xã hội. Khả năng tiếp xúc với các thông tin không lành mạnh càng cao, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của giới trẻ…

Hơn nữa, với việc vô tư hoạt động trang cá nhân của mình, người dùng chia sẻ thông tin vô tội vạ mà không được xác thực, gây rối, “nhiễu” thông tin là kẽ hở cho các thế lực phản động đả kích, lôi kéo. Một số bạn đăng tải những thông tin trái thuần phong mỹ tục. Việc sử dụng ngôn ngữ trên facebook cũng là một điều đáng báo động. Cũng vì là trang cá nhân, các bạn trẻ vô tư nói những gì mình thích, mình nghĩ… đôi khi còn thóa mạ người khác. Đó là những điều vi phạm đạo đức nghiêm trọng, chúng ta cần nhìn nhận để chỉnh đốn.

Ghé qua trang facebook của P.N. (sinh viên khoa Mầm non – Đại học Hà Tĩnh), tôi thất thần bởi những trạng thái được cập nhật liên tục với nội dung thiếu văn hóa. Từ ngữ được cô nuôi dạy trẻ tương lai sử dụng trên trang cá nhân đa số là tiếng lóng và viết theo kiểu kí hiệu - khó ai hiểu được. Chữ “với” được viết “vs”, chữ “i” được chuyển sang chữ “j”, “y”, chữ “g” được đổi thành chữ “q”…

Sử dụng không đúng mục đích và thiếu kiểm soát, vô hình trung đã khiến một bộ phận không nhỏ người dùng trở thành “nô lệ” của mạng xã hội Facebook. Ăn facebook, ngủ facebook, đi chơi với bạn bè kè kè điện thoại vào facebook… Facebook trở thành “kẻ cắp” thời gian và sức khỏe.

Một bà mẹ có thể tìm lại đứa con đã thất lạc hàng chục năm nhờ facebook và một bạn trẻ cũng có thể bị đình chỉ học, thậm chí vào chốn lao tù bởi thời gian dành cho facebook nhiều hơn học và cư xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật trên facebook. Facebook vốn không có lỗi, lỗi là ở người dùng đã và đang ứng xử sao với nó.

Cuộc sống thú vị, muôn màu đang diễn ra mới là điều đáng được chúng ta quan tâm hơn là việc suốt ngày chú tâm vào điện thoại, máy tính với dòng chữ trên nền xanh kia. Lập cho mình một kế hoạch học tập, sinh hoạt lành mạnh, tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, giao tiếp trực tiếp nhiều hơn với mọi người… sẽ giúp ta sống đúng là chính mình và có ích hơn cho xã hội.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast